Thảo luận bàn tròn Hội thảo Văn hóa 2022: Thúc đẩy các lực lượng sáng tạo phát huy tiềm năng, phát triển công nghiệp văn hóa

18/12/2022 18:07

Theo dõi trên

Trong khuôn khổ Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề: Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa, sáng 17/12, Thảo luận bàn tròn với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, nhà quản lý văn hoá, các chuyên gia, nghệ sĩ… đã bàn đến rất là nhiều vấn đề cốt lõi liên quan đến công nghiệp văn hóa, đó là nông thôn, văn hóa dân gian, bảo tồn di sản hay là quản lý Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, cũng như lộ trình hoàn thiện về mặt luật pháp trong lĩnh vực này.

ban-tron-dep-167126044-1671361429.jpg
Các đại biểu tham gia thảo luận bàn tròn

Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, phát triển công nghiệp văn hóa

Theo Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh, chúng ta có một văn bản rất quan trọng là Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tầm nhìn 2030. Đánh giá về việc thực hiện chiến lược thì rất rộng, tuy nhiên từ góc độ thể chế, chính sách và nguồn lực thì còn có nhiều vấn đề, nhiều giải pháp then chốt cần sớm triển khai.

Liên quan đến nội dung phát triển công nghiệp điện ảnh, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, Luật Điện ảnh vừa được thông qua là một trong những luật điện ảnh tiến bộ nhất trong nền điện ảnh châu Á, cập nhật nhiều kinh nghiệm phát triển điện ảnh thế giới, với nhiều quy định mới về lưu trữ số, việc tổ chức liên hoan phim, tuần phim… và nhiều vấn đề khác để huy động nguồn lực phát triển điện ảnh.Trong đó, một trong những vấn đề được quan tâm là tiền kiểm – hậu kiểm.

Tại luật này, Bộ VHTTDL hướng tới giảm bớt tiền kiểm, gia tăng hậu kiểm, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Bộ cũng sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt để đảm bảo thực hiện tốt việc quản lý và phát triển ngành điện ảnh.“Với những quy định pháp luật mới được bổ sung, cơ quan quản lý Nhà nước cố gắng tháo gỡ những điểm nghẽn để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước vào phát triển điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới. Tôi cho rằng, hậu kiểm hay tiền kiểm chỉ là phương pháp, vấn đề chính là làm sao để quản lý tốt sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa có nhiều tiềm năng này. Trên thực tế, đối với các không gian phát triển của điện ảnh như trên rạp, trên mạng, không gian công cộng đều có những phương pháp, hình thức quản lý khác nhau…”, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông trao đổi.

Thảo luận bàn tròn, GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chỉ rõ những hạn chế trong cơ chế quản lý, theo đó, cần chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhấn mạnh những gì pháp luật không cấm thì công dân, tổ chức, nhà sản xuất có quyền làm để từ đó thúc đẩy các lực lượng sáng tạo phát huy tiềm năng, tạo nên thị trường đa dạng cho văn hóa.

Cũng theo GS.TS Từ Thị Loan, trong bối cảnh hiện nay, để tạo động lực và sự đột phá cho phát triển văn hoá, cần tập trung tháo gỡ 5 nhóm giải pháp căn cơ. Đầu tiên là tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế. Hiện nay, việc thể chế hóa đường lối chủ trương phát triển văn hóa còn chậm và chưa phù hợp với thực tế. GS.TS Từ Thị Loan dẫn chứng trong một số lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm vẫn chưa được điều chỉnh bởi luật mà mới chỉ ở tầm Nghị định. Hay như về phát triển du lịch văn hóa dựa trên nguồn tài nguyên di sản văn hóa, Luật Di sản Văn hóa cần có những sửa đổi phù hợp. Những vướng mắc về nguồn nhân lực hay nguồn lực tài chính cần tháo gỡ bằng những cơ chế như huy động doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác công- tư. Ngoài ra, vấn đề vi phạm bản quyền cũng khiến thị trường văn hóa không thể phát triển lành mạnh.

z39663321573986136220e3aae3771c750e52-1671361477.jpg
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chia sẻ tại Thảo luận bàn tròn

Theo Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh, đối với các lĩnh vực văn hoá, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm một khi không kiểm soát chặt chẽ thì văn hóa phẩm độc hại rất dễ lan ra ngoài thị trường, khi các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện ra thì người dân đã hấp thụ các sản phẩm đó và không làm lại được nữa.

Từ góc độ này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần có cơ chế thúc đẩy phát triển văn hóa, trong đó có phương pháp hậu kiểm thông qua các quy định để nghệ sĩ biết được họ phải làm gì và không làm gì, giúp tăng cường trách nhiệm của nghệ sĩ đối với sản phẩm của mình và đưa nhiều sản phẩm hàng hóa nhanh đến với thị trường hơn.

“Văn hóa là lĩnh vực đặc biệt tinh tế và nhạy cảm trong đời sống xã hội. Chính vì thế, việc can thiệp vào văn hóa phải tính toán kỹ lưỡng. Xu thế chung trên thế giới hiện nay đang chuyển sang từ tiền kiểm sang hậu kiểm”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh. Đồng thời, ông Sơn nêu đời sống kinh tế xã hội đặc biệt là văn hóa vô cùng đa dạng và phong phú, sức sáng tạo về văn hóa vô cùng lớn. Chính vì thế chúng ta cần phải có cơ chế để thúc đẩy sự phát triển văn hóa, cơ chế hậu kiểm giúp cho chúng ta làm được điều này.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, tiến hành hậu kiểm không có nghĩa là không tiền kiểm. Tiền kiểm bằng các quy định có từ trước để người nghệ sĩ, những người sáng tạo biết được mình có thể làm gì và không nên làm gì từ đó thì có thể có được những sản phẩm phù hợp với xã hội.

Theo GS.TS Từ Thị Loan, những giá trị văn hóa liên quan đến văn hóa dân gian của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay thực sự trở thành nguồn tài nguyên vô giá và cần sự vào cuộc của các ngành công nghiệp văn hóa.

c-loan-167126-1671361510.jpg
GS.TS Từ Thị Loan chia sẻ tại Thảo luận bàn tròn

Thúc đẩy các lực lượng sáng tạo

Nhạc sĩ Quốc Trung khi bàn về thực trạng của nền âm nhạc Việt Nam cho biết, là người làm trong ngành sáng tạo, đã hợp tác nhiều với nghệ sĩ sáng tạo nước ngoài, một vấn đề đặt ra là năng lực của các nghệ sĩ Việt Nam chưa được đánh giá đúng. Nhu cầu biểu diễn thực tế không chỉ là những hoạt động giao lưu mang tính ngoại giao mà còn là việc xuất khẩu các sản phẩm văn hóa, đặc biệt là các tác phẩm biểu diễn, điện ảnh, âm nhạc là rất quan trọng.

Tuy nhiên, theo Nhạc sĩ Quốc Trung, đánh giá về năng lực sáng tạo của chúng ta còn chủ quan, chưa có đối chiếu với đối tác bên ngoài. Bên cạnh đó, việc đầu tư về thời gian, nguồn lực tạo sự tập trung sáng tạo cho một sản phẩm nghệ thuật ở ta còn quá thấp so với thế giới, vì vậy khó có tác phẩm đỉnh cao. Năng lực sáng tạo, nền âm nhạc của chúng ta còn khá hạn chế, chưa đủ mạnh, không đủ để đề kháng trước những làn sóng văn hóa nước ngoài.Vì vậy, Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng cần có sự đánh giá khách quan, đánh giá đa chiều đối với năng lực sáng tạo, sản xuất thật sự của nền nghệ thuật nước nhà để có giải pháp xây dựng, phát triển phù hợp.

Nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ thêm kinh nghiệm nhà sản xuất với Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa, một thương hiệu sản phẩm tự hào của Hà Nội. Quá trình thực hiện tác phẩm đã được sự ủng hộ, đánh giá, nhìn nhận để hướng tới mục tiêu xây dựng một thương hiệu văn hóa, tính hình ảnh của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của Việt Nam. Chính vì vậy, nhạc sĩ Quốc Trung hy vọng qua hội thảo này, thời gian tới sẽ có thay đổi về thể chế, chính sách, trong đó không phải chỉ hỗ trợ riêng cho lễ hội quốc tế như Gió mùa mà hỗ trợ nhiều cho các sản phẩm biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc khác.

Về vai trò của những sự kiện âm nhạc lớn cũng như tạo điểm đến của các sự kiện văn hóa trên địa bàn Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, trong mục tiêu đưa ngành công nghiệp văn hóa trở thành nền kinh tế mũi nhọn, Hà Nội đã xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, xác định chủ thể để phát triển công nghiệp văn hóa chính là các nghệ sĩ, nghệ nhân và các doanh nghiệp…Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng chỉ ra những bất cập, khó khăn trong quá trình triển khai, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của thành phố. Thông qua Hội thảo Văn hóa 2022, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong mong muốn sẽ từng bước gỡ những điểm nghẽn về thể chế, chính sách và nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực sáng tạo của giới nghệ sĩ, nhân của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung…

ong-son-1671260441-1671361555.jpg
PGS.TS Bùi Hoài Sơn- Ủy viên thường trực Ủy ban VHGD của Quốc hội

Hoàn thiện thể chế pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực văn hóa

Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ VHTTDL) Lê Thanh Liêm cho biết, trong 9 lĩnh vực ngành VHTTDL được giao quản lý, hiện mới có 5 lĩnh vực có luật để điều chỉnh. Một số lĩnh vực như Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm… chưa có Luật mà vẫn điều chỉnh bằng nghị định.Trong năm 2021, 2022, Bộ đã trình Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung 3 bộ luật gồm: Luật Điện ảnh, Luật Sở hữu trí tuệ (phối hợp với Bộ KHCN), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đây là bước đột phá trong thời hoàn thiện thể chế.

Ông Lê Thanh Liêm nêu rõ, lộ trình từ nay đến năm 2026 Bộ VHTTDL dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Bộ cũng đã có lộ trình để xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn, Luật Mỹ thuật, sửa đổi một số văn bản có liên quan khác. Theo ông Lê Thanh Liêm, với quyết tâm cao độ, việc hoàn thiện thể chế pháp luật, điều chỉnh trực tiếp các lĩnh vực văn hóa sẽ được hoàn thiện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng nêu rõ, hệ thống văn bản để điều chỉnh về lĩnh vực văn hóa đòi hỏi tính toàn diện. Để triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thực sự hiệu quả, đòi hỏi một hệ thống pháp luật đồng bộ, không chỉ văn bản riêng về văn hóa mà liên quan nhiều ngành nghề khác như: Tài chính, đất đai. Theo ông Liêm, ngoài văn bản điều chỉnh trực tiếp cần rà soát hệ thống pháp luật có liên quan, có lộ trình hoàn thiện trong thời gian tới.

Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ KH & ĐT Trần Duy Đông cho biết, về cơ chế chính sách cho văn hóa, hiện nay, ngân sách nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa cho văn hóa, cần huy động được nguồn lực của tư nhân vào lĩnh vực này. Đơn cử, Luật Đầu tư mới có ưu đãi cho bảo tồn văn hóa, còn chưa có ưu đãi cho các ngành văn hóa khác. Vì vậy, sắp tới, cần có những điều chỉnh, sửa đổi để khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực này. Về hợp tác công- tư, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để quy định rõ ràng, hợp lý về việc phối hợp nguồn lực công tư trong phát triển công nghiệp văn hóa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương khẳng định: Thể chế về văn hóa rất quan trọng. Với vị trí pháp lý, Quốc hội đã chú trọng xây dựng thể chế, pháp luật về văn hóa. Theo bà Nguyễn Thị Mai Phương, trong khi xây dựng một đạo luật, chúng ta phải đánh giá thực tiễn và những đối tượng điều chỉnh, chịu tác động... Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật còn phải lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về dự án luật cần xây dựng. Do đó, các cơ quan của Quốc hội khi xây dựng một đạo luật cũng phải nghiên cứu rất rõ ràng về các đối tượng chịu tác động, quan hệ kinh tế-xã hội...

ong-lam-16712603-1671361596.jpg
Thứ trưởng Bộ TT & TT Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ về việc quản lý thông tin xấu độc trên mạng xã hội và các nền tảng xuyên biên giới

Ngăn chặn nội dung văn hóa độc hại trên mạng xã hội và các nền tảng ngoại

Nội dung thu hút sự chú ý tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT & TT Nguyễn Thanh Lâm trả lời câu hỏi về chống những nội dung văn hóa độc hại trên mạng xã hội và các nền tảng ngoại, cho biết, đến nay việc quản lý, xử lý các nền tảng xuyên biên giới đã không còn quá khó khăn như vài năm trước. Điều khó nhất là chúng ta không cấm tuyệt đối mà cần phải có giải pháp gạn đục khơi trong, bởi đây là những nền tảng công nghệ hiện đại, cần phát huy, tận dụng. Vấn đề là cần thu hút sự tham gia của toàn xã hội để cùng gạn lọc, nhận biết đâu là “rác” , đâu là thông tin độc hại để có ứng xử phù hợp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, ngăn chặn thông tin xấu độc thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định, tạo nền tảng cho thời gian tới là hướng đến sự chủ động ngăn chặn từ gốc chứ không để tình trạng thông tin lên mạng rồi mới ngăn chặn. Ông Lâm cũng cho biết, hiện khó khăn lớn nhất còn là các cơ quan chưa nắm được thuật toán chia sẻ thông tin của các nền tảng xuyên biên giới, khi mà các nền tảng này vào Việt Nam có xu hướng gợi ý những thông tin xấu độc, nhảm nhí, làm người xem tiếp cận và phơi nhiễm với thông tin xấu. Do đó, các cơ quan cần có thêm thời gian để nhận diện, xác định đúng vấn đề này, từ đó đưa ra các giải pháp chống, hướng đến thay đổi thuật toán, gợi ý thông tin tốt cho sự tiếp cận của người sử dụng các nền tảng mạng xã hội./.

Theo bvhttdl.gov.vn
Bạn đang đọc bài viết "Thảo luận bàn tròn Hội thảo Văn hóa 2022: Thúc đẩy các lực lượng sáng tạo phát huy tiềm năng, phát triển công nghiệp văn hóa" tại chuyên mục Phát triển. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.