Tết về trên làng hương Cao Thôn

05/02/2016 08:27

Theo dõi trên

Những ngày giáp Tết Nguyên Đán, người dân Cao Thôn (Bảo Khê, Hưng Yên) lại hối hả sản xuất hương thơm đón mùa thu hoạch lớn nhất trong năm.

Nét đẹp truyền thống tâm linh của người Việt

Cao Thôn cách Hà Nội khoảng 60km vốn nổi tiếng với nghề làm hương truyền thống lâu đời được khắp mọi miền ưa chuộng. Về Cao Thôn những ngày này, khi Tết Nguyên đán Bính Thân đang đến gần, chúng ta sẽ thấy cả làng như được phủ kín bằng những sạp hương. Đâu đâu cũng thấy các bà, các mẹ, các anh, các chị người thì phơi hương, người ngồi máy vào thuốc, người đếm, người đóng gói… không khí của làng quê bỗng trở nên tập nập và nhộn nhịp hẳn.



Những nén hương làm xong được đem phơi trên giàn, nắng gió sẽ làm hương khô, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm.

Người ta biết đến hương Cao Thôn như một nỗi niềm tâm tình, bởi mùi thơm đặc trưng riêng biệt, nhẹ mà thanh, không sực nức nhưng lại phảng phất rất lâu, mùi hương của sự ấm cúng, đoàn viên, mùi hương của sự gắn kết, sum vầy. Không chỉ thu hút người tiêu dùng bằng mùi hương mà hương Cao Thôn còn được biết đến bởi mẫu mã đẹp và hương có độ bắt lửa rất cao, cuốn tàn đẹp. Chính vì vậy mà sản phẩm hương xạ Cao Thôn luôn là sự lựa chọn đầu tiên cho các dịp lễ tết, giỗ chạp…

Hương Cao Thôn nổi tiếng là vậy, nhưng ít ai biết rằng để làm ra một nén hương, người làm hương phải có sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và đặc biệt phải có tình yêu sâu đậm với nghề. Ngày nay, để tiết kiệm thời gian, hầu hết nguyên liệu làm hương Cao Thôn đều được mua từ nơi khác. Nguyên liệu chủ yếu để làm hương là dây keo được mua từ Yên Bái, Quảng Ninh, Thanh Hóa... Dây keo được nghiền thành bột, sau đó trộn lẫn với các loại thảo mộc như: xuyên quy, trắc bách diệp, đinh hương, hoàng đàn, tùng bạch chỉ, xuyên đại hoàng mỏ quạ… Tùy theo cách pha chế nguyên liệu của từng nhà mà mỗi sản phẩm hương Cao Thôn sẽ mang một mùi thơm đặc trưng của thương hiệu đó.




Mỗi nén hương luôn mang đậm chất tâm linh của người Việt.

Mang hương thơm đến cho đời

Thoạt nhìn thì thấy làm hương khá đơn giản, nhưng thực chất để có một sản phẩm hương đạt tiêu chuẩn cần phải rất tỉ mỉ, chu đáo và nghiêm khắc trong từng công đoạn. Hầu hết các công đoạn từ pha chế thuốc, se hương, nén hương, đóng gói… đều phải tiến hành bằng phương pháp thủ công. Làm hương phải thật đều, thật chuẩn xác thì sản phẩm mới như ý. Nén hương làm xong được đem phơi trên giàn, phơi nắng, phơi gió là cách tốt nhất để làm khô hương mà vẫn giữ được màu sắc đẹp và mùi thơm nguyên vẹn.

Được biết hiện nay ở Cao Thôn có khoảng 300 lao động làm hương, với sản lượng hương xạ đạt xấp xỉ 10 triệu nén/năm, đạt doanh thu từ 2,5 - 3 tỷ đồng. Hương Cao Thôn ngày nay không chỉ nổi tiếng ở khắp các tỉnh thành trong cả nuớc mà còn được xuất khẩu ra thị trường nuớc ngoài. Bên cạnh việc tạo công ăn việc làm và đem lại thu nhập cho các hộ dân trong vùng, nghề làm hương xạ Cao Thôn còn góp phần gìn giữ và quảng bá nét đẹp văn hóa làng nghề truyền thống ở Việt Nam.

Người Cao Thôn luôn quan niệm rằng nghề làm hương là nghề liên quan đến tâm linh, mỗi nén hương là một sợi dây liên kết thiêng liêng giữa cuộc sống hiện hữu với thế giới tâm linh. Vì thế, làm hương không chỉ đơn giản là một nghề để kiếm sống, mà hơn hết, còn là mang hương thơm đến cho đời, cho người.








Hương sau khi phơi khô được phân loại kỹ và đóng gói đem ra thị trường.

Theo Ngọc Nam (Làng Việt online)

Bạn đang đọc bài viết "Tết về trên làng hương Cao Thôn" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.