Sự phát triển, những thách thức và hướng quản lý thông tin trên mạng xã hội (Bài 1)

04/10/2021 13:57

Theo dõi trên

Thời đại “ bùng nổ” thông tin trên Internet, nhất là mạng xã hội (MXH) trong xu thế chủ động hội nhập của Việt Nam bước sang năm đầu tiên của thập niên thứ ba của thế kỷ 21 càng khẳng định vị thế truyền thông có ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội, là một bộ phận không thể thiếu trong sự nghiệp CNH, HĐH, bảo vệ chủ quyền của đất nước.

mxh-thao-phuong-800x385-1633330640.jpg

Ngày nay, mạng xã hội đã lan tỏa, trở thành một thứ “quyền lực” tác động đến mọi quốc gia, dân tộc trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nhưng MXH mang tính hai mặt. Bên cạnh tính ưu việt, mạng xã hội cũng bộc lộ hạn chế không nhỏ, tác động tiêu cực tới sự phát triển xã hội, con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

1/ Vai trò của mạng xã hội trong hoạt động truyền thông hiện nay, xu hướng phát triển của mạng xã hội

Mạng xã hội (social media) là thuật ngữ để chỉ một cách thức truyền thông kiểu mới, trên nền tảng dịch vụ trực tuyến, do đó các tin tức có thể chia sẻ, lưu truyền nhanh chóng và có tính chất đối thoại vì có thể cho ý kiến hoặc thảo luận với nhau. Khác với các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống, với MXH thì mỗi cá nhân có thể trở thành một “nhà báo” đồng thời là một nhà phát tin và nhà bình luận. MXH có thể là các trang kết nối các thành viên như Facebook, Twitter, Whatsapp, Instagram… hoặc cũng có thể thông qua các video clip trên Youtube, Tik Tok, hoặc khả năng phát trực tiếp như tính năng “Livestream” trên Facebook...

MXH là phương tiện truyền tải thông tin quan trọng và phổ biến của truyền thông xã hội. Đặc điểm nổi trội của MXH là tốc độ kết nối nhanh, phạm vi chia sẻ rộng, hiệu quả tác động lớn. Trên nền tảng Internet, MXH trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với đời sống, tác động một cách trực tiếp, làm thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi cá thể, qua đó tác động đến sự phát triển của toàn xã hội. MXH đã tham gia vào mọi lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi cá nhân, mỗi nước và cộng đồng quốc tế.

Ở Việt Nam, kể từ năm 2005, khi mà internet băng thông rộng được triển khai mạnh và phát triển bùng nổ, thì các hoạt động truyền thông xã hội cũng trở nên rất sôi động. Đến nay, truyền thông xã hội ở Việt Nam có thể nhận diện ở các khu vực hoạt động với nhiều cá nhân tham gia thường xuyên. Chẳng hạn trong phòng chống CoVid 19, chúng ta cài đặt ứng dụng Bluezone giúp phát hiện các tiếp xúc gần, từ đó giúp cơ quan y tế tìm được nhanh nhất những người từng tiếp xúc với ca nhiễm (nghi nhiễm) Covid-19, kể cả những trường hợp không có biểu hiện bệnh. Hoặc ứng dụng mã VI QR trên Zalo đăng ký tiêm phòng CoVid 19 không phải công văn giấy tờ phiền hà, tiện ích cho cơ quan quản lý, tiêm phòng và người được tiêm phòng khi được báo tin.

Việt Nam hiện dân số hơn 96 triệu người, bằng 1,4% dân số thế giới, là một trong số các nước có lượng người truy cập thông tin trên Internet đứng đầu thế giới. Theo thống kê của cơ quan chức năng Nhà nước Việt Nam: Số lượng người dùng internet ở Việt Nam năm 2020 là 68,17 triệu người, tăng 6,2 triệu người so với năm 2019 (tăng đến 10%); có hơn 145 triệu thiết bị di động được kết nối với internet, bình quân mỗi người dùng 2,1 thiết bị di động và có hơn 65 triệu người dùng các mạng xã hội: Facebook, Youtube, Zalo, FB Messenger, Instagram, Tiktok, Twitter, Skype, Viber, Printest, Line, Linkedin, Wechat, Whatsapp, Twitch, Snapchat (theo thứ tự từ cao đến thấp).

Còn theo Chuyên trang thông tin về dịch CoVid 19 của TTXVN đăng tải ngày 2/9/2021(https://ncov.vnanet.vn) dẫn nguồn tin từ Bộ TT&TT nêu số liệu Việt Nam hiện có khoảng 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73% dân số nhưng không có con số phân tích cụ thể.

Công nghệ thông tin đã đặt nền móng cho nền “dân chủ điện tử” (electronic democracy)” (1). Dân chủ điện tử được công dân sử dụng khi liên lạc, truyền thông và công nghệ thông tin nghiêng về phía trao quyền cho công dân.

Kết quả nghiên cứu của một công ty chuyên về điều tra xã hội học trong lĩnh vực internet cho thấy, hơn 95% số người truy cập internet để đọc thông tin, chủ yếu thông qua các website tổng hợp và các mạng xã hội. Theo đó, nhu cầu tìm kiếm và sử dụng thông tin là nhu cầu chủ đạo của người dùng internet. Hơn nữa, những số liệu thống kê không chính thức cũng cho thấy, các website truyền thông xã hội chiếm đến 80% số lượng người sử dụng thường xuyên trong số 10 website lớn nhất ở Việt Nam.

Mạng xã hội Facebook mới đây đã đưa ra một con số thống kê về thói quen và hành vi sử dụng Facebook của người Việt. Mỗi tháng Việt Nam có tới 30 triệu người dùng Facebook, trong đó có 27 triệu người có sử dụng các thiết bị di động để truy cập mạng xã hội này. Nếu tính trên phạm vi hàng ngày, số người truy cập Facebook nói chung và số người truy cập Facebook qua di động nói riêng lần lượt là 20 triệu và 17 triệu người và trung bình mỗi người dành ra tới 2,5 giờ cho mạng xã hội lớn nhất hành tinh này.

Qua những con số nêu trên có thể thấy, truyền thông xã hội đang cạnh tranh với các phương tiện truyền thông đại chúng khác về số lượng người xem và quảng cáo, nhất là đối với báo in xu hướng ít người đọc đang trên đà teo dần. Nhiều tờ báo in truyền thống lâu năm ở trên thế giới phải đình bản chuyển sang báo, tạp chí điện tử. Ở nước ta, báo, tạp chí in cũn rơi vào tình trạng tương tự.

Tuy nhiên, kết quả các khảo sát cho thấy số người xem truyền hình, đọc báo, tạp chí, báo mạng, nghe đài, băng, đĩa lớn hơn số người viết, xem truyền thông xã hội.

(Còn nữa)

------------

(1) David Beetham – Kevin Boyle (2009), Giới thiệu về dân chủ: 80 câu hỏi – đáp (câu hỏi số 50), UNESCO.

Vũ Xuân Bân
Bạn đang đọc bài viết "Sự phát triển, những thách thức và hướng quản lý thông tin trên mạng xã hội (Bài 1)" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.