Ở miền Tây Nam bộ, bần là loại cây gỗ lớn mọc nhiều ở các vùng phù sa bãi bồi sình sụp. Chúng có mặt ở khắp ven sông rạch khi mọc chen mình vào những đám lá dừa nước xanh ngút ngàn. Xuất phát từ cái tên bần đồng âm với sự nghèo túng, bần cùng, mà người Nam bộ đã đặt câu đố vui về nó: “Giống chi toàn là giống đực/ Thiếu tứ bề cam cực chung thân ?”
Giống đực là bởi ở loài cây này, luôn có một phần của rễ mọc ngoi lên mặt đất để hút dưỡng khí, dân gian gọi chại là “c… bần”. Từ đó, người ta cho rằng bần không có giống cái!
Cây bần mọc ven sông.
Những tán bần xòe rộng, lá dày màu xanh thẫm, nhưng có lẽ độc đáo nhất là bông bần. Dân gian dùng lời ca dao để miêu tả có lẽ dành cho ai chưa từng được thấy, chưa có hình dung về nó: “Lạ thay cho cái bông bần/ Búp xanh, nhụy tím lại gần không thơm”.
Đúng thật như vậy, bông bần không có hương nhưng trời lại cho có sắc. Người ta mê sắc tím bông bần có lẽ bởi từng nhụy trong búp bông tròn có một phần tím và một phần trắng quyện vào nhau. Phía đầu nhụy có chấm nhỏ tròn màu trắng ngà. Bông bần bung nở, theo làn gió miên man, nhụy bông rơi phủ đầy mặt những dòng sông, con rạch khi nước đứng, nước lớn đầy. Phía dưới, những con cá rô, cá chốt đớp móng, dợn mồi, phía trên tạo cảm giác thanh bình, tĩnh lặng ở chốn miền quê sông nước.
Sắc tím quyện trong sắc trắng của bông bần.
Người dân quê hái bông bần khi còn búp, đem về tách lấy nhụy trộn với nước cốt chanh, đường làm gỏi để chấm cá kho, mắm kho cho bữa cơm đạm bạc. Vị chan chát của bông bần làm cho thức ăn thêm ngon miệng, đưa cơm.
Và cũng từ những cánh bông bần này, sau đó thành hình những trái bần màu xanh mát mắt. Trái bần chua cũng được người bình dân tận dụng tối đa để phục vụ con người.
Thiên nhiên hoang sơ trù phú đem lại nhiều cảnh quan, cảm xúc mới lạ cho cư dân ngày đầu đến đây khai phá. Và sắc tím bông bần như chút dư vị cũng từ môi trường tự nhiên ấy, để con người nhung nhớ, tận dụng, sáng tạo nhiều thứ phục vụ lại cho đời sống của chính mình. Những cánh nhụy bần màu tím rơi rụng như gợi nhớ hình bóng của tiền nhân tự ngày xưa ấy!
Theo Minh Khuyên (Dân Việt)