Rú Chá: Khu rừng nguyên sinh, kì bí

08/12/2015 15:22

Theo dõi trên

Rú Chá là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn lại ở khu vực miền trung. Với người dân nơi đây rú Chá không chỉ là bức bình phong bằng cây chá bảo vệ cộng đồng trước thiên tai mà còn là nơi linh thiêng của làng.

Cách trung tâm TP Huế chừng 20km, theo đường QL49 rẽ trái qua cầu Thảo Long, chúng tôi tìm về với rú Chá (làng Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế). Rú Chá là tên do người dân làng Thuận Hòa gọi từ thuở mới khai phá cho đến ngày nay. 
 


Miếu Thánh Mẫu đường trùng tu lại khang trang

Rừng thiêng giữ làng

Nằm ở một vị trí tự nhiên đặc biệt, Rú Chá là hạ lưu của dòng Sông Hồng và là cửa ngõ thông ra biển Thuận An. Mỗi mùa mưa bão về, nơi đây trở thành bến đậu của hàng trăm con thuyền ở biển xuôi vào ẩn nấp. Rú Chá là bức bình phong che chở cho dân làng Thuận Hòa trước gió bão, ngăn dòng nước mặn xâm thực vào làng.

Trên rú có ngôi miếu cổ thờ bà Đức Thánh Mẫu. Tương truyền, ngày xưa, trong một trận lụt lớn, Bát Giang của Đức Thánh Mẫu ở điện Hòn Chén trôi về nằm ở đây. Dân làng thấy thế, bèn lập miếu thờ. Từ đó đến nay, dân làng vẫn tổ chức đám giỗ Đức Thánh Mẫu tại miếu vào ngày 3 tháng 3 âm lịch hằng năm.

Theo như người dân trong làng kể thì ngôi miếu này rất linh thiêng và có nhiều câu chuyện huyền bí được kể lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Ông Đặng Duy Bản ( 73 tuổi) người canh giữ và hương khối cho ngôi miếu kể: “Ngôi miếu này đã có từ rất lâu khi ấy miếu chỉ có một cái cột và hai mái để đặt bàn thờ, vào thời vua Duy Tân có một vị hoàng tử đi săn bắn trong khu rừng Chá này, khi đến đền Thánh Mẫu hoàng tử trông thấy một con chim trắng đậu phía trên miếu đã dương súng bắn, bắn ba phát chim không chết. Từ đó hoàng tử thôi không bắn, khi Hoàng Tử trở về thì lâm bệnh nặng. Hoàng Tử đem chuyện đi săn bắn ở rừng Chá kể lại cho Vua nghe, nhà Vua liền đến miếu khấn lạy Thánh Mẫu về sau thì Hoàng Tử khỏi bệnh. Từ đó vua cho tu bổ lại ngôi miếu và truyền cho dân làng thắm hương khói tương truyền đến mãi ngày nay”.

Ông Bản kể tiếp, ngày xưa phía sau miếu thờ Đức Thánh Mẫu là đình làng Thuận Hòa. Ở đây có một căn hầm bí mật của chiến sĩ cách mạng. Người dân trong làng thường mang thức ăn, nước uống ra rú nuôi cán bộ. Về sau, giặc phát hiện nên đã ra sức tìm cách tiêu diệt. Không ít cây chá bị bom đạn quật ngã. Giặc buộc dân làng dời đình vào làng. Vì thế, bây giờ đình làng chỉ còn phế tích. Tuy nhiên, dân làng vẫn còn giữ lại miếu thờ Đức Thánh Mẫu. Ngôi miếu được nhiều lần tu sửa nên khá khang trang.

Dị nhân của rừng

Điều kì lạ là trong khu rừng nguyên sinh Rú Chá này có một cặp vợ chồng đã gần 30 năm sinh sống ở giữa khu rừng bạt ngàn, người dân trong vùng thường gọi ông bà là “dị nhân của rừng”. “Người rừng” ấy có tên là Nguyễn Ngọc Đáp (71 tuổi ) vợ là Tần Thị Hông (70 tuổi) ở thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong, TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Gần 30 năm ròng rã gắn đời mình với Rú Chá, bước chân của lão nông Nguyễn Ngọc Đáp cùng vợ của mình đã in mòn vết đá, từng góc cây ngọn cỏ nơi miền đất còn lắm hoang vu.

Sống ở nơi rừng đất hoang vu dù không có ánh điện, không nước sạch, hai ông bà vẫn sống rất lạc quan. Hằng ngày hai người nuôi sống bản thân bằng cách mò cua, bắt ốc, câu cá làm bữa ăn qua ngày.

Trong hồi ức của ông Nguyễn Ngọc Đáp, những câu chuyện về Rú Chá bắt đầu từ khi ông còn rất nhỏ. “Hồi đó, mỗi lần quân Pháp tràn về bao vây tìm cộng sản, cả làng Thuận Hoà của tui lại kéo nhau ra rú để trốn giặc. Trải qua bao lần vào ra rú, không hiểu sao hình ảnh con rú nhỏ nằm cạnh phá Tam Giang với ngôi đình nhỏ cứ ám ảnh ông Đáp để rồi đến năm 1986, vợ chồng ông quyết định gắn bó cuộc đời mình với ngọn rú này”.

Ông Đáp cho biết thêm: “Sau giải phóng, cuộc sống người dân Thuận Hòa cực khổ và nghèo đói lắm, không biết Rú Chá có từ khi nào, chỉ biết đời ông cha mình đã có rồi. Từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước đến giờ rừng Rú Chá đã trở thành tấm bia đỡ đạn cho lực lượng cách mạng khi giặc điên cuồng bắn phá, nhả đạn".

Nghe chồng nói chuyện bà Tần Thị Hồng (vợ ông Đáp, 70 tuổi) kể tiếp: "Dưới bàn tay cần mẫn của vợ chồng tôi, rừng Rú Chá đã phủ một màu xanh ngát trở lại. Cái ăn cái mặc đã được giải quyết trước mắt, thời gian còn lại 2 vợ chồng lão chăm nom Rú Chá. Cây chá đua nhau bén rễ sinh sôi phát triển, chim muông đua nhau tìm về".

Sống trong Rú Chá lâu ngày ông Đáp đã tìm ra những bài thuốc và các món ăn độc đáo, duy chỉ có trên ngọn rú này. Qua bao năm sinh sống trên Rú Chá, điều ông buồn nhất đó chính là ngôi đình trong ký ức tuổi thơ đã bị phá nát đúng vào thời điểm đất nước đang thực hiện chính sách đổi mới toàn diện.

Ông Đáp kể, ngày đầu rú tan hoang lắm, chỉ còn một vài cây chá mọc lèo tèo. Nhiều người ở những khu làng xung quanh vào rú chặt cây về làm củi, dựng nhà, mang bẫy vào rú bẫy chim…. Đêm đến rú vắng ngắt. Hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau.

Với quyết tâm bảo vệ rú, cứ đêm xuống, ông Đáp lặn lội “đi tuần”, phát hiện người nào chặt cây, ông ngăn cản, sớm hôm lại đạp xe lên báo cho trưởng thôn. Đến tháng 7, cò trắng bay về nhiều, ông tất bật đi gỡ bỏ bẫy cò, quyết không để một con cò nào bị sa lưới. Không ít người không chặt được cây, không bẫy được cò lấy làm ấm ức.

“Mình làm rứa cũng chỉ vì nghĩ cho rú, nhiều người không hiểu lại bảo nhiều chuyện, lão khùng. Ừ! Mình khùng cũng được, khùng với những người chỉ biết sống cho riêng mình, miễn sao giữ được Rú Chá!”, ông lão cười bảo thế.

Rú chá thành khu du lịch sinh thái

Rú Chá hiện còn tổng diện tích khoảng 5ha. Được sự hỗ trợ của các tổ chức nước ngoài và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Rú Chá sẽ được trồng cây ngập mặn mở rộng diện tích lên đến 19,3 ha, trong đó diện tích đất không ngập mặn là 10,3ha.

Nằm ở hạ lưu dòng sông Hồng và là cửa ngõ ra biển Thuận An toàn bộ khu rừng nguyên sinh Rú Chá hiện nay đang được phục hồi phát triển thành khu du lịch sinh thái của hệ thống đầm phá Tam Giang. 

Rú Chá là nơi cư trú thường xuyên của nhiều loài chim diệc, vạc, cò, chim cu… và cũng là địa điểm trú ẩn an toàn cho các đàn chim di trú vào cuối đông, đầu xuân.

Nhận thấy nguồn lợi về du lịch sinh thái mà Rú Chá mang lại hiện nay ngành du lịch sinh thái TT Huế đang trong quá trình xây dựng và tu bổ Rú Chá thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn trên địa bàn tỉnh. 

Đề án phát triển Rú Chá là điểm du lịch sinh thái được triển khai, mỗi ngày nơi đây đón rất nhiều đoàn học sinh, sinh viên đến tìm hiểu và nghiên cứu về hệ sinh thái rừng ngập mặn. Từ đó Rú Chá được biết đến nhiều hơn.
 
Xuân Đào

Bạn đang đọc bài viết "Rú Chá: Khu rừng nguyên sinh, kì bí" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.