Quảng Bình: Ngôi miếu thiêng hàng trăm năm tuổi, di tích lịch sử văn hóa tâm linh

27/02/2024 15:24

Theo dõi trên

Miếu Bà - Tam Thượng Linh Từ tọa lạc tại thôn Bàu (xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) trên vùng đất bằng phẳng, đắc địa về phòng thủy, đầy vượng khí, là di tích lịch sử có ý nghĩa trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân nơi đây và du khách thập phương.

11-1709017825.jpg
Cổng của miếu Bà cho thấy đây là ngôi miếu cổ. Ảnh: V.H

Miếu Bà - Đền Tam Thượng Linh Từ được xây dựng theo lối kiến trúc cổ truyền của người Việt. Ngôi miếu gồm có ba tòa chính: tiền đường, trung đường và hậu cung. Tiền đường là nơi thờ các vị thần linh; trung đường là nơi thờ Bà Chúa xứ và Nguyễn Uông, hậu cung là nơi thờ các vị tiên. Phía trên sau của miếu có đường lên cổng trời rất hùng vĩ, có bàn cờ tiên.

12-1709017825.jpg
Tắc môn nằm trước cổng. Ảnh: V.H

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã khiến cho nhiều đền đài thánh tích bị hoang phế; trong đó có Miếu Bà ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Trong chiến tranh chống Mỹ vùng đất Quảng Bình được xem là “tọa độ lửa”; trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, nhiều nơi bị bom đạn Mỹ san phẳng, nhà cửa, phố xá, làng mạc bị tàn phá nặng nề. Miếu Bà cũng bị bom đạn và thời gian vùi lấp; đến mức nhiều người trong làng cũng không còn biết đến. Sau ngày đất nước thống nhất, vùng đất Quảng Bình bắt gặp hố bom nhiều hơn nhà cửa. 

8-1709017544.jpg
Tam tòa Thánh mẫu công đồng Tứ phủ. Ảnh: V.H

Từ năm 2015 đến năm 2018, gia đình Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục CSGT qua tìm hiểu sử liệu; biết quê hương có ngôi miếu thiêng nên đã phát tâm kêu gọi các mạnh thường quân và nhân dân chung sức phục dựng lại miếu khang trang, hoành tráng hơn.

Dưới sự chung tay góp sức của nhiều người, Miếu Bà đã được phục dựng lại trên diện tích 4.956m2, tháng 3/2018 được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho thửa đất số 194 thuộc tờ bản đồ số 42 với mục đích sử dụng đất tín ngưỡng. Đặc biệt, vào lúc 8h45’ ngày 07/3 năm Bính Thân (2016) tại Lèn Bảng, người dân trong làng đang khai thác đá trên núi thì thấy 1 hòn nhũ đá hình tiên ông rơi xuống từ độ cao hàng ngàn mét nhưng vẫn nguyên vẹn, sau đó gia đình Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh biết được và mua lại để thỉnh về đặt tại miếu. Trong khuôn viên miếu đặt và thờ Mẫu cửu Trùng thiên, tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, Miếu Sơn Thần, Tam tòa Thánh Mẫu công đồng Tứ phủ; lầu Cậu, lầu Cô… 

3-1709017544.jpg
Phía sau miếu Bà là đường lên cổng trời, có cả bàn đá Tiên Ông. Ảnh: V.H

Miếu Bà tọa lạc trên một khu đất bằng phẳng, đắc địa về phong thủy. Miếu được bao quanh bởi hệ thống núi đá vôi và sông ngòi hùng vĩ, tráng lệ, đầy vượng khí; lưng tựa núi, mặt hướng ra biển Đông, bên phải có 99 ngọn núi được bao bọc bởi dòng sông Gianh thơ mộng; bên trái có hòn Lèn Bảng và Quốc lộ 12A.

Theo các cứ liệu lịch sử, miếu Bà tồn tại trước khi Gia Long lên ngôi vua (1802). Trong khuôn viên, phía trên thờ Thượng Thiên Thánh Mẫu, bậc thứ hai thờ Thần Hoàng, bậc thứ ba thờ công đồng. Do đó, miếu Bà do Công chúa Bảo Ngọc, con gái của Nguyễn Kim, phu nhân của chúa Trịnh Kiểm lập nên để thờ Bà chúa xứ và cha là Nguyễn Kim và anh trai Nguyễn Uông.

9-1709017543.jpg
Trong khuôn viên miếu có khối đá, theo người dân nơi đây là họ thờ thần Kim quy. Ảnh: V.H

Vào dịp lễ hội, nơi đây thu hút đông đảo du khách thập phương đến vãn cảnh, chiêm bái. Lễ hội miếu Bà được tổ chức vào ngày 12 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội diễn ra trong 3 ngày, với nhiều hoạt động văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc như: rước kiệu, tế lễ, múa lân, hát chầu văn,… 

Đặc biệt, tại miếu có chương trình Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - “Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” được UNESCO xét duyệt và ghi danh vào tháng 12/2016, mang đậm bản sắc và giá trị truyền thống văn hóa của người Việt. Các thực hành trong tín ngưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu và khát vọng trong đời sống thường nhật của con người như cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu tài lộc, cầu quốc thái dân an… thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn. 

7-1709017543.jpg
Nhũ đá tiên Ông. Ảnh: V.H
1-1709017543.jpg
5-1709017543.jpg
Người dân thường xuyên đến đây chiêm bái để cầu an. Ảnh: V.H
1-1709017542.jpg
Đường lên cổng trời. Ảnh: TL
4-1709017543.jpg
Đông đảo người dân tham gia buổi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Ảnh: VH

Viết Hải
Bạn đang đọc bài viết "Quảng Bình: Ngôi miếu thiêng hàng trăm năm tuổi, di tích lịch sử văn hóa tâm linh" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.