Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt tại Đền mẫu Phủ Sung, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa

26/02/2024 14:20

Theo dõi trên

Ngày 24/02/2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa có công văn số 782/SVHTTDL-QLDS về việc tổ chức Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt tại Đền mẫu Phủ Sung, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.

ll-dh-3463464367-1708931889.gif
Văn bản của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa về việc tổ chức Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt tại Đền mẫu Phủ Sung, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, nghệ nhân ưu tú Hoàng Lương Nguyên - Phó Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Xuất phát từ nhu cầu nguyện vọng của nghệ nhân, đồng thầy, Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản Văn hoá Quốc gia thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển tổ chức Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt tại Đền mẫu Phủ Sung, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa để tạo sự giao lưu gắn kết học hỏi với các nghệ nhân, thanh đồng đạo quan trong cả nước. 

Theo đó, Liên hoan dự kiến trong 2 ngày từ ngày 10 đến ngày 11 tháng 4 năm 2024 (tức ngày 02 đến ngày 03 tháng 03 Âm lịch).

z4940962500936-77ceb580f73a912c0b025b09e54ea7e9-1701662010-1708931807.jpg

"Liên hoan lần này rất mong đón nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, UBND huyện Như Thanh, đặc biệt là đội ngũ các nghệ nhân, đồng thầy, thanh đồng, thủ nhang, các nhà hoạt động văn hóa tâm linh khắp cả nước về tham dự Liên hoan", nghệ nhân ưu tú Hoàng Lương Nguyên nói.

Văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt đã được Unesco công nhận là di sản phi vật thể của nhân loại, vì vậy trong mỗi giá đồng mà các đồng thầy, thanh đồng, thủ nhang… sẽ loan giá sẽ là các câu chuyện về các vị thánh nhân, các ông hoàng bà chúa lúc sinh thời là những người đức độ tài giỏi có công với dân với nước. Được hầu bóng của các vị là niềm tự hào vinh dự của mỗi đồng thầy, thanh đồng, thủ nhang…

ad-253463467347-1701794449-1708933547.jpg

Mục đích giá trị sâu xa chính là hướng về cội nguồn tổ tiên và tri ân các vị thánh nhân đất Việt, như những bậc Anh hùng có công xây dựng đất nước trong văn hóa dân gian. Do đó mỗi đồng thầy, thanh đồng, thủ nhang khi tham gia phải đặc biệt chú trọng đến việc gìn giữ nét đẹp và chuẩn mực trong mỗi giá hầu, các lễ nghi. Đảm bảo sự tôn nghiêm thành kính thể hiện giá trị tinh thần và ca ngợi công ơn của các bậc hiền tài.

z4940889782741-443a56ff9a0c95640ffba7c109fb7381-1701661202-1708931949.jpg
Nghệ nhân, đồng thầy Trần Thị Hoà tham gia diễn xướng tại Liên hoan năm 2023. Ảnh: P.V

Theo Ban Tổ chức, trước khi thực hiện phần tham gia của mình, các nghệ nhân, đồng thầy, thanh đồng, thủ nhang lên sập công đồng theo tiếng nhạc lưu thủy, sau đó dừng lại ở trước sập công đồng để nghe người dẫn chương trình thông qua tiểu sử lý lịch và thành tích đã đạt được. Sau đó mới loan giá hầu.

Thời gian cho mỗi lần thực hành giao lưu của mỗi nghệ nhân, đồng thầy, thanh đồng, thủ nhang là 45 phút cho ba giá đồng. Trong khi thực hành tín ngưỡng thờ mẫu không được lạm dụng để phán truyền nhảm nhí. Không tung tiền, không say đồng, múa hoặc diễn lâu làm ảnh hưởng đến thời gian quy định do Ban Tổ chức đề ra.

a5-366754747-1701793995-1708933613.jpg

Ban tổ chức cũng đã đề ra Quy chế cho Liên hoan, thực hiện đúng nội dung, tính chất, loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đúng tinh thần "Công ước Quốc tế về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể", đảm bảo quy định pháp luật hiện hành về nội dung văn bản số 681/SVHTTDL-DSVH ngày 18/02/2024 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa về việc tăng cường, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi thực hành xong phần tham gia giao lưu của mình, các nghệ nhân, thanh đồng, thủ nhang lui về phía cuối sập công đồng để nhận Giấy chứng nhận, cờ luân lưu tham gia Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt, chụp ảnh lưu niệm với các thành viên trong Ban tổ chức.

z4940889699922-269f19642f5e3bed19826368582f2b7a-1701661161-1708931997.jpg

Trước đó tại Nghệ An, Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt tại Đền Ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) do Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn di sản Văn hóa Quốc gia - Viện nghiên cứu Văn hoá và Phát triển cũng đã được tổ chức.

z4945730945490-8174eb62c9e91638407db9006f6c412d-1701777751-1708933705.jpg

Sau 2 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Liên hoan đã thành công tốt đẹp với 30 tiết mục tham gia. Nhìn chung, Liên hoan đã đạt được mục tiêu đề ra và quy tụ được nhiều nghệ nhân, thanh đồng, đạo quan tham gia tích cực. Đã để lại ấn tượng sâu sắc nhằm học hỏi kinh nghiệm của các nghệ nhân, thanh đồng, thủ nhang và tôn vinh được một di sản văn hoá đã được thế giới tôn vinh.

Liên hoan là hoạt động thiết thực, cũng là dịp để các nghệ nhân, thanh đồng, thủ nhang trực tiếp tham gia thực hành, giới thiệu những giá trị cốt lõi của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đến với nhân dân, du khách thập phương…

Phạm Ngọc Diệp
Bạn đang đọc bài viết "Liên hoan thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt tại Đền mẫu Phủ Sung, thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.