Phát huy thế mạnh hệ thống giao thông thủy ở đồng bằng sông Cửu Long

14/04/2016 15:03

Theo dõi trên

Theo Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông Vận tải), tổng tuyến đường thủy nội địa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long dài hơn 14.826km, trong đó đường thủy nội địa quốc gia là 2.882km, còn lại là đường thủy nội địa địa phương.

 
Tàu chở nông sản trên sông Tiền (Ảnh: K.V)

Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển vận tải đường thủy tại đồng bằng sông Cửu Long, bởi đây là phương thức vận tải có nhiều ưu thế nổi trội, có khả năng chở hàng hóa với khối lượng lớn, chi phí thấp, rẻ gần chục lần so với giá thành vận chuyển bằng đường bộ, đồng thời đây cũng là phương thức vận tải an toàn nhất và ít ô nhiễm môi trường. Mạng lưới tuyến đường thủy nội địa khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn mang tính chất liên tỉnh và quốc tế, trong đó có các tuyến xuất phát từ biên giới ra hướng biển Đông, cho phép tàu từ 500 đến 5.000 tấn hoạt động và những tuyến ngang nối thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh trong khu vực này, cho phép tàu 300 tấn hoạt động, như các tuyến: thành phố Hồ Chí Minh – Kiên Lương (qua kênh Tháp Mười số 2, dài trên 227 km); thành phố Hồ Chí Minh – Kiên Lương (qua kênh Lấp Vò, dài trên 312 km) và tuyến thành phố Hồ Chí Minh – Cà Mau (qua kênh Xà No, dài trên 386km).

Theo Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, tất cả các dòng sông chính cùng các phụ lưu, hệ thống kênh rạch tại đồng bằng sông Cửu Long liên hoàn chảy qua tất cả các khu công nghiệp tập trung, các khu dân cư, các vùng tài nguyên… tạo nên một sự kết nối, giao lưu khá thuận lợi. Nhiều tuyến, cảng sông tiếp cận trực tiếp với hệ thống đường bộ, với cảng biển quan trọng, tạo nên những điểm nối giao lưu giữa các phương thức vận tải. Ngoài ra, hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng trên sông nước với nhiều điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, đã có đến hàng nghìn tàu, đò phục vụ du khách trên sông nước. Toàn vùng hiện có trên 2.500 cảng, bến thủy nội địa, trong đó có gần 100 cảng thủy nội địa và trên 2.100 bến thủy nội địa. Lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng phương tiện thủy nội địa của Đồng bằng sông Cửu Long đạt trên 51 triệu tấn/năm; tỉ trọng khối lượng vận tải hàng hóa trong vùng qua vận tải thủy nội địa tăng cao qua các năm gần đây.
 
Theo Cục Đường thủy nội địa, để nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Từ quy hoạch này, Cục Đường thủy nội địa đã đưa ra những giải pháp, như đề xuất Nhà nước có chính sách tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động vận tải thủy nội địa; tăng mức đầu tư để cải tạo, nâng cấp một cách cơ bản về cơ sở hạ tầng đồng bộ về luồng tuyến, trang thiết bị, phương tiện quản lý; xây dựng cầu đường bộ mới có khẩu độ khoang thông thuyền và tĩnh không phù hợp. Nghiên cứu đề xuất loại hình phương tiện vận tải container bằng đường thủy nội địa hợp lý, hiệu quả, đồng bộ với phương án quy hoạch các cảng thủy nội địa và tình hình luồng lạch từng vùng, đặc biệt từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng như miền Đông Nam bộ về thành phố Hồ Chí Minh và tuyến thành phố Hồ Chí Minh – Cái Mép – Thị Vải. Tổ chức dịch vụ hỗ trợ tốt nhất và dự báo thông tin về nguồn hàng cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải tiếp cận, thụ hưởng những ưu đãi từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tạo cơ chế nhằm khuyến khích vận tải hàng hóa bằng phương tiện thủy nội địa; mở rộng, phát triển mô hình vận tải sông pha biển và hoạt động các tuyến ven biển; tăng cường kết nối với các phương thức vận tải khác…
 
Chính vì vậy, trong lĩnh vực đường thuỷ nội địa tại đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông vận tải đang kêu gọi đầu tư xây dựng 5 dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.314 tỷ đồng, bao gồm: nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo - giai đoạn 2; cải tạo, nâng cấp luồng cửa Cổ Chiên; nâng cấp tuyến vận tải thuỷ sông Hàm Luông từ ngã ba sông Tiền đến cửa Hàm Luông; đầu tư nâng cấp cảng Tắc Cậu, cảng Sa Đéc. Ngoài ra, vùng đồng bằng sông Cửu Long còn đang kêu gọi đầu tư theo dạng thức hợp đồng BOT 7 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến là trên 6.500 tỷ đồng, bao gồm: dự án nâng cấp cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2); đầu tư nạo vét luồng cửa Bồ Đề; đầu tư xây dựng bến Lấp Vò trên sông Hậu (cảng Đồng Tháp), bến Minh Phú (cảng Hậu Giang), bến Trà Cú (cảng Trà Vinh), bến Đại Ngãi (cảng Sóc Trăng), bến Gành Hào (cảng Bạc Liêu) và bến Khánh Dương Đông (Phú Quốc).
 
Được biết, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện có 15 hợp tác xã và 387 doanh nghiệp vận tải thủy với hơn 1.300 phương tiện đường thủy. Trong những năm qua, vận tải thủy trong vùng đã vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn, nhiều chủng loại, đặc biệt là vận chuyển các loại vật tư phục vụ sản xuất, vật liệu xây dựng, nhiều loại nông sản… chiếm tỷ lệ lớn bằng đường thủy nội địa./.
 
K.V (Báo điện tử Đảng Cộng Sản)

Bạn đang đọc bài viết "Phát huy thế mạnh hệ thống giao thông thủy ở đồng bằng sông Cửu Long" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.