Phát hiện nhiều bộ xương người ở ngôi miếu cổ "Ba Thắc Cổ Miếu"

07/09/2021 17:01

Theo dõi trên

Ba Thắc Cổ Miếu tọa lạc tại ấp Chợ Cũ, Thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng ban hành Quyết định số 2065/QĐ-UBND công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào ngày 11/8/2021.

anh-03-1631006158.jpg
Ba Thắc Cổ Miếu được xây dựng lại theo kiến trúc Triều Châu cổ năm 1927

Ngôi miếu cổ này không chỉ có giá trị kiến trúc nghệ thuật mà có nhiều chỉ dấu cho thấy, đó là một chứng tích lịch sử cần được giải mã. 

Tương truyền rằng, hồi năm 1970, tại ngôi miếu thờ “Ba Thắc Cổ Miếu” này bỗng xuất hiện một cặp rắn hổ ngựa rất to. Đôi rắn này chính là cặp vợ chồng tìm đến ngôi miếu cổ để tu luyện. Ban ngày, cặp vợ chồng rắn trú ngụ trong hang cây bồ đề trước ngôi miếu, tối đến lại bò vào trong miếu để trấn giữ. Cặp vợ chồng rắn này chưa từng làm hại dân làng. Thỉnh thoảng chúng ngóc đầu ra ngoài hang cây nghe ngóng rồi thụt vào rất nhanh. Những Bậc cao niên địa phương tin rằng, ai có căn tu mới được trông thấy cặp “tiên” này. Sau gần 20 năm tu luyện tại đây, cặp vợ chồng rắn hổ ngựa này bỗng dưng biến mất tăm hơi. Người ta đồn đoán rằng gần 20 năm nghe kinh kệ, chúng đã đạt “chánh quả”.

Mặc dù nhuốm đầy màu sắc hoang đường nhưng các bô lão địa phương đều xem đó là câu chuyện linh thiêng có thật của ngôi miếu gần 200 năm tuổi. Và đó chỉ là 1 trong số hàng trăm câu chuyện huyễn hoặc của cư dân địa phương kể về ngôi miếu.

Vào năm 2000, một trận mưa lớn khiến lớp đất mặt xung quanh ngôi miếu bị rửa trôi, phát lộ nhiều khúc xương người nằm ngổn ngang. Từ những bộ xương người vô danh ấy, mọi người lại càng tin câu chuyện về cặp rắn thần là có thật. Họ đồn đoán rằng, có thể cặp rắn kia không hại người địa phương nhưng khi đêm về đã mò đi nơi khác bắt người đêm về miếu ăn thịt rồi vùi xương vào lòng đất.

Những tưởng chỉ vài khúc xương nằm dưới mặt đất, không ngờ vào năm 2005, những thợ hồ được thuê đến lót lại nền gạch cho ngôi miếu, khi đào đất đã phát hiện thêm rất nhiều khúc xương người nằm chồng chất lên nhau thành nhiều lớp. Có vẻ như dưới nền đất miếu là một ngôi mộ chôn tập thể.

Vào năm 2008, người quản tự cùng một số công thợ đào đất để xây hàng rào bảo vệ ngôi miếu lại phát hiện thêm rất nhiều khúc xương người nằm thành nhiều lớp dưới lòng đất.

Tất cả những khúc xương đó đều được người quản tự đưa vào một nấm mồ chung để nhang khói. Họ tin chắc rằng, vẫn còn nhiều bộ xương người nằm dưới nền đất nhưng không dám khai quật hết vì sợ ảnh hưởng đến kiến trúc ngôi miếu.

anh-02-1631006205.jpg
Bên trong Ba Thắc Cổ Miếu chỉ thờ tảng đá hình dạng đầu người.

Điều lạ là, ngôi miếu không thờ một vị thần, thánh nào cụ thể mà chỉ thờ một viên đá hình trứng mà dân địa phương cho là mang hình dạng đầu người.

Không ai biết ngôi miếu được cất từ khi nào. Người ta chỉ nhớ lúc đầu, ngôi miếu nhỏ được cất theo lối kiến trúc Khmer cổ, nằm dưới cạnh gốc bồ đề cổ thụ.  Vào năm 1927, ngôi miếu xuống cấp trầm trọng, ông Thái Chấn An (Hội trưởng Ban Tế tự) và ông  Lê Văn Hoạch đã đứng ra quyên góp xây cất. Ngôi miếu từ kiến trúc cổ Khơmer được xây cất kiên cố theo lối kiến trúc Triều Châu cổ. Trên tấm biển hiệu ghi là “Miếu thờ ông Bassac”. Mãi đến năm 1995, ngôi miếu lại xuống cấp nên Ban trị sự “Ba Thắc Cổ Miếu” tiến hành tu sửa lại nhưng vẫn giữ được “hồn cốt” kiến trúc cũ.

Không có tài liệu nào nhắc đến lý do thờ ông Bassac và ông Bassac là ai nhưng hầu hết bô lão địa phương đều được tiền nhân kể về một truyền thuyết liên quan đến nhân vật này.

Truyền thuyết kể rằng, ông Bassac là một tráng sĩ của nước Lèo (Cách gọi xưa của nước Lào). Ông Bassac đem lòng yêu thương công chúa Lào nhưng vị vua cha phản đối. Vị vua đã âm thầm ra lệnh cho quân sĩ phải lấy mạng Bassac. Biết tin, công chúa đã cùng Bassac dong thuyền trốn khỏi sự săn lùng của vua cha. Hai người xuôi thuyền theo dòng sông Mekong nhắm hướng hạ nguồn để đi tìm vùng đất mới định cư. Họ đi mãi miết, vượt qua khỏi địa phận Lào, trôi vào đất Cao Miên (Camuchia ngày nay) và vào địa phận Việt Nam ra đến cửa biển Trấn Di (nay là cửa biển Trần Đề) thì chiếc thuyền bị sóng biển đánh đắm. Bassac và công chúa may mắn thoát chết, lội vào bờ. Không có thuyền để đi tiếp, họ quyết định chọn vùng đất này để định cư. Vì vậy, vùng đất ấy có tên gọi là Sóc Lèo. Hiện, Sóc Lèo là một ấp của xã Lịch Hội Thượng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

anh-05-1631006253.jpg
Cổng Ba Thắc Cổ Miếu

Sau một thời gian định cư ở vùng Sóc Lèo mà cuộc sống vẫn vất vả nên ông Bassac quyết định cùng vợ đi khai hoang vùng đất mới ở xã Bãi Xàu (nay thuộc ấp Chợ Cũ, Mỹ Xuyên). Từ khi sinh sống ở vùng đất mới Bãi Xàu, cuộc sống gia đình của ông Bassac trở nên giàu có. Ông cũng chính là người có công mở cửa cảng giao thương buôn bán, thu hút rất nhiều ghe thuyền đến trao đổi, mua bán hàng hóa rất nhộn nhịp vào giữa thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Thời điểm đó, rất đông thương buôn người Hoa đến đây mua bán và định cư.

Khi ông Bassac qua đời, người dân địa phương đã xây tháp thờ ông tại chùa Bốn Mặt (tức chùa Bassac). Sau đó, người dân 3 dân tộc: Kinh, Hoa và Khmer tiếp tục xây thêm một miếu thờ ông Bassac. Người địa phương đọc trại tên Bassac thành “Ba Thắc”.

Có điều lạ là, nếu như “Ba Thắc Cổ Miếu” được xây lên để thờ ông Bassac thì tại sao trong chánh điện không đặt di ảnh của ông?

Một số chứng cứ lịch sử về trận đánh đẫm máu giữa quân Xiêm (Thái Lan) và nghĩa quân Tây Sơn vào năm 1784 có vể rất liên quan đến ngôi miếu này.

Theo lịch sử, trận chiến ấy khởi nguồn từ việc vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn đánh bại đã sang Xiêm cầu viện vào khoảng tháng Giêng năm Giáp Thìn (1784).

Khi được Nguyễn Phúc Ánh cầu viện, vua Xiêm là Chakkri nhanh chóng ra lệnh cho cháu mình là Chiêu Tăng và Chiêu Sương thống lĩnh hai vạn thủy quân và 300 chiến thuyền phối hợp cùng quân của Nguyễn Phúc Ánh tiến đánh Hà Tiên với ý đồ đánh thốc dài đến thành Gia Định. 

Quân Xiêm quá đông khiến cho trấn thủ Gia Định là Trương Văn Đa phải ra lệnh cho binh lính trấn thủ Hà Tiên và Châu Đốc vừa đánh vừa rút về Cần Thơ để tránh hao tổn lực lượng. Thắng thế, quân Xiêm truy đuổi theo ráo riết.

Quân Xiêm không ngờ một đạo quân Tây Sơn mật phục 2 bên bờ sông Ba Thắc chờ đợi. Đạo thủy quân hùng hậu của Xiêm tràn đến lọt vào trận địa phục kích của quân Tây Sơn.

Hàng vạn binh sĩ của quân Xiêm bỏ thây thành nhiều đống.

Có thể “Ba Thắc Cổ Miếu” là nấm mồ chôn tập thể những binh sỹ Xiêm tử trận. Để trấn an những oan hồn tử sỹ, người dân địa phương đã lập ngôi miếu để nhang khói.

anh-04-1631006375.jpg
Cội bồ đề nơi gắn liền với truyền thuyết cặp vợ chồng rắn thần.

Khi vua Gia Long tái lập vương quyền đã thực hiện chính sách trả thù tàn bạo những người có công với Tây Sơn. Đó là lý do người ta không dám kể nhiều về chiến công của quân Tây Sơn, khiến chi tiết lịch sử này trôi vào quên lãng. Và khi lịch sử bị mai một, thay vào đó là truyền thuyết dân gian.

Hiện tại, dưới nền ngôi miếu cổ ấy vẫn còn rất nhiều bộ xương người. Thiết nghĩ, các nhà khoa học lịch sử nên tổ chức nghiên cứu để trả lời cho lịch sử những dấu chấm hỏi còn bỏ ngỏ./.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Phát hiện nhiều bộ xương người ở ngôi miếu cổ "Ba Thắc Cổ Miếu"" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.