Nỗi đau của giới trẻ qua tiểu thuyết Mười ba lý do

23/07/2022 16:24

Theo dõi trên

Đã 14 năm khi The Thirteen Reasons Why (Mười ba lý do) của nhà văn người Mỹ - Jay Asher xuất hiện và giữ mốc 32 tuần liền trong danh sách bestseller của The New York Tines. Sau đó kênh Netflix đã dựng thành phim. Suốt nhiều năm sau cuốn tiểu thuyết được tìm đọc như là một sách hay được viết một cách thông minh cũng đầy đớn đau về giới trẻ nước Mỹ.

mui-ba-ly-do-1658504444.jpg
Tiểu thuyết Mười ba lý do, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn

Mười ba lý do là câu chuyện về Hannah Baker, một nữ sinh lớp 11 được thu âm bởi chính cô trong 7 cuốn băng catsette với 13 mặt băng. Đó là câu chuyện về những người bạn học của Hannah, thầy giáo Porter và các sự kiện xảy đến trong suốt hơn một năm học cô chuyển đến thị trấn. Đó là lý do khiến cô rơi vào cô đơn, mất niềm tin rồi tuyệt vong và tìm đến tự sát bằng một nắm thuốc.

Nỗi đau của Hannah được dàn trải như môt vết cắt từ từ, một thứ nước muối được rỏ từng giọt vào tâm trí người đọc qua người bóc băng, nhân vật kể chuyện, cũng là người trong mộng của Hannah, Clay Jesson. Cô đã gửi các cuộn băng đến từng người trong một danh sách và ép họ phải gửi đến những người tiếp theo nếu không muốn để câu chuyện đưa ra ánh sáng. Clay là người thứ 9. Nhân vật kể chuyện Clay đã giành hết cả đêm để nghe các cuộn băng và tìm đến từng địa chỉ ghi dấu các sự kiện dẫn đến cái chết của Hannah. Đó là Công viên Eisenhower, nơi diễn ra nụ hôn đầu của cô với Jusstin, người học trên cô một lớp, những quán quen cô bị hạ nhục bởi những người bạn. Không gian của buổi tiệc Hannah chứng kiến cạnh cô bạn cùng lớp bị hiếp dâm mà không làm được gì,…

Từ những sự kiện này, Clay nhận ra những người bạn tưởng như rất tốt lại là những kẻ lợi dụng, rình mò phụ nữ và thậm chí là một kẻ hiếp dâm (Bryce Walker). Những trò bắt nạt được thực hiện một cách tinh vi, thậm chí rất vô tình, như việc lấy đi những mảnh giấy ghi các lời động viên hay lập ra một bản danh sách “Ai ngon nhất khối lớp 10”... Những trò đùa tưởng chứng vô hại đó là đẩy một kẻ yếu đuối và nhạy cảm tìm đến cái chết. Clay cũng nhận ra bản thân và nhiều người quanh mình đang rất vô tâm trước đồng loại. Đang lẽ Clay, Tony hay thầy giáo Porter đã có thể giúp Hannah thoát chết. Nhưng họ đã không thể làm vậy bởi không đủ lòng tốt cũng như sự quan tâm dành cho một người yếu đuối như Hannah. Chính sự hèn nhát, không dám thể hiện tình cảm của Clay cũng là một tác nhân dân đến việc cô bạn tự tử. Cậu nhận ra điều này thì đã quá muộn. Tình thế của Hannah đã không thể cứu vãn.

jay-asher-2011-1658504876.jpg
Nhà văn Jay Asher. Ảnh: Internet

Câu chuyện được nhà văn Asher kể một cách cuốn hút và cũng không kém phần thông minh. Dù không có những chi tiết giật gân hay những thứ đại loại như thế để giữ chân người đọc, nhưng bạn sẽ không thể rời mắt khỏi sách, một khi đã cầm đọc. Từng sự kiện đã bóc trần bản chất của mỗi người được kể từ từ bằng một giọng trần thuật đơn giản nhưng sẽ kéo chúng ta đau theo từng nỗi đau của Hannah. Một bạ học sinh phổ thông có thể cũng tìm thấy mình ở đó. Nạn nhân của thói bắt nạt chốn học đường, nạn kỳ thị địa phương. Vì nhiều lẽ mà lắm lúc ta cũng là một kẻ vô tâm trước những nỗi đau của những người ta tiếp xúc hàng ngày. Dần dà ta trở nên những kẻ vô cảm.

Ở cuốn sách, các vấn đề của tuổi học trò như phá thai, bạo lực gia đình, ma túy, quấy rồi tình dục cũng được đặt ra một cách trực tiếp và sâu sắc. Một đề tài không thể bỏ qua trong cuốn sách chỉ chưa đầy 300 trang giấy này là tình yêu đầu đời. Nụ hôn đầu trong công viên của Hannah sẽ là ấn tượng đẹp nhất mà cuốn sách đầy đau đớn này để lại nơi tân trí người đọc.

Hữu Vi
Bạn đang đọc bài viết "Nỗi đau của giới trẻ qua tiểu thuyết Mười ba lý do" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.