Những hòn “vọng phu” nơi biên giới chờ chồng

23/10/2015 14:43

Theo dõi trên

Đã hơn mười năm trôi qua trong những chuỗi ngày lạc lầm và tủi cực ấy, những đứa trẻ giờ đã lớn, nhưng ánh mát đau đáu của những người vợ chờ chồng, người mẹ chờ con vẫn thon thót nơi đầu núi, mỗi khi tiếng của loài chim K’tia mỏ đỏ thảng thốt báo về. Nhiều ngôi làng nơi xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) có những hòn vọng phu trông chồng, trông con trở về sau những ngày tháng vượt biên tìm “miền đất hứa”.

Giấc mơ hão huyền của miền đất hứa

Trời mùa mưa Tây nguyên rét tê người, hơn 30km đường đất đỏ từ huyện vào trung tâm xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) trơn nhẫy, khiến bánh xe kẹt dính không nhấc nổi, chúng tôi phải nhích từng tí qua những khúc quanh của con đường bùn đất để vào những ngôi làng có nhiều người đàn bà đợi chồng vượt biên tìm miền đất hứa trở về.

Đã hơn mười năm trôi qua từ khi sự kiện bạo động tại Tây nguyên bắt đầu vào khoảng giữa năm 2001, rồi 2005 để rồi những người đàn ông, đàn bà nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu, của các thế lực phản động ra đi tìm miền đất hứa, nơi mà họ được nghe kể rằng chẳng cần làm gì cũng có gạo ăn, cũng có áo mặc và được hưởng nhiều thứ mà ngay cả đến trong mơ họ cũng chưa bao giờ được biết.

Thế là họ bằng cái nhìn giản dị và sự chân chất của đất và người Tây Nguyên, một số đã nghe theo. Xã biên giới Ia O có 4/9 làng với 121 đối tượng là người đồng bào dân tộc thiểu số nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu đã vượt biên sang Campuchia. Trong số đó, hiện vẫn còn 34 đối tượng đi sang được nước thứ 3, số còn lại được HCR trả về Việt Nam. Người đi được cũng chẳng thấy tiền gửi về, người quay lại mới thấy được sự sai lầm khi phải mất khá nhiều thời gian mới gầy dựng lại được cuộc sống.



Những hòn “vọng phu” ngóng chồng ở Ia O.

Là một địa bàn được xác định phức tạp, xã biên giới Ia O (huyện Ia Grai (Gia Lai) nằm giáp ranh huyện Sa Thầy (Kon Tum) và tỉnh lỵ Natarakiri (Campuchia) nên công tác gìn giữ ANTT nơi đây luôn có những phức tạp tiềm ẩn. Người làng Mít Jep, làng Kúk và làng O vẫn nhớ như in cái ngày ấy, khi mà hơn 130 trai tráng và đàn ông trong làng kéo nhau chạy qua bên kia biên giới, để lại phía ngôi làng là những người đàn bà bụng mang dạ chửa chờ đến ngày sinh nở, là những đứa trẻ mới chập chững biết đi, là những người phụ nữ một đời tảo tần nuôi chồng con.

Họ ra đi với lời hứa hão huyền về một miền đất xam xăm, bỏ lại nơi quê nhà tất cả. Người dân vẫn nhớ như in cái đêm định mệnh ấy, dòng sông Pô Cô đã dậy sóng dữ, nhấn chìm một nhóm đông người dân xã Ia O trên đường vượt biên đi tìm “miền đất hứa”. Siu H’ly (SN 1999) đứa bé mới gần 6 tuổi, được cha bế theo trốn sang kia biên giới. Nhưng giữa đường cơn mưa rừng đã khiến cả đoàn người bị dòng nước cuốn trôi, H’ly may mắn thoát chết nhờ trôi dạt vào một tảng đá và được người dân cứu sống sau đó cứu sống, và sau này được đưa về làng sống cho đến tận bây giờ. Còn cha của Siu H’ly không biết đã sang được miền đất lạ kia hay chưa, hay đã vùi thây nơi thác lũ mưa nguồn. Sau này Siu H’ly được bộ đội biên phòng nuôi dưỡng.

Cũng như thế, anh Rơ Lan Hyêh (30 tuổi, trú làng Bi) cũng đã bị một số đối tượng đến rủ rê bỏ nhà, bỏ nương rẫy để đi tìm sự sung sướng, giàu sang, mong được đổi đời. Vốn cha đẻ của Hyêh là người Campuchia nên Hyêh rất dễ dàng vượt biên với lý do nếu bị ai hỏi Hyêh sẽ trả lời là về Campuchia thăm cha. Sau sự kiện 2001, Hyêh đã bỏ lại người vợ trẻ xinh xắn vừa mới cưới được mấy tháng để chạy đi tìm “miền đất hứa”. Sau một đêm vượt rừng, vượt sông suối Hyêh đã có mặt ở trại tỵ nạn tỉnh Ban Lung (Campuchia), khi Hyêh đến ở đây đã có tới hơn 300 người như Hyêh đang nằm chờ cơ hội được đón sang Mỹ. Tất cả đều bỏ lại gia đình, vợ con, người thân thuộc và quê hương buôn làng của mình với một ước mơ không chủ đích. Và rồi trong số hơn 300 con người ngày ấy, chỉ một số đi được, một số lại trở về, còn nhiều người khác đã làm “con ma xấu” giữa chốn rừng già.

Những vọng phu nơi đầu núi

Tôi vào làng Bi, thấy bóng những người phụ nữ cắm cúi gùi bắp, gùi lúa từ rẫy về, nhưng có nhiều khuôn mặt thoang thoảng nỗi buồn. Ngồi trong ngôi nhà của già làng Bi, ông Ksor Bơng, ông chỉ bóng một người phụ nữ đang dắt đứa con: “Nó là con Siu Nhan, vợ của thằng Ksor Thủy đấy! Thằng Thủy là thằng xấu, nó bảo dân làng theo nó sang bên kia rồi được ăn sung mặc sướng. Nó đi rồi, đi gần 10 năm nay rồi, bỏ lại vợ nó, con nó như thế đấy. Nó đi khi bụng vợ nó mới to bằng cái ché nhỏ, bây giờ con nó đã lớn hơn con heo nuôi trong chuồng rồi mà vẫn chưa thấy nó về!” già Bơng khắc khoải.

Tôi bước theo tay già chỉ, theo bóng người phụ nữ với đứa con trai hơn 7 tuổi lững thững đi xuống phía cuối làng, nơi ngôi nhà của chị Nhan bao màu rẫy vắng bóng đàn ông. Thấy người lạ, chị Nhan sợ hãi bước vội lên cầu thang, dắt theo đứa nhỏ như muốn trốn tránh mọi người. Già Bơng đi theo tôi, nói một tràng tiếng Jrai thì chị mới mở cửa tiếp chuyện khi biết tôi không phải là người đến đưa con trai chị đi.



Những ngôi nhà buồn nơi đầu núi có bóng vọng phu.

Gạt đống lửa cháy đượm lên, chị Nhan ngậm ngùi kể lại mọi chuyện. Những chuyện mà chị coi là nỗi tủi buồn và đau đớn nhất của mình. Thời gian đó vào khoảng tháng 7 - 2005, Thủy đã trót dại nghe theo lời một đối tượng nhưng chị không biết, người đó đến nhà chị rồi rủ rê gia đình chị bỏ nương bỏ rẫy vượt biên sang Campuchia rồi sẽ được đón sang Mỹ sinh sống, cuộc sống sẽ sung sướng, giàu sang không khổ như ở bên mình. “Ban đầu mình hoàn toàn không tin nhưng Thủy nói nhiều quá mình đã nghe theo. Thủy bảo để đi trước, nếu được rồi sẽ về đón hai mẹ con đi theo. Nhưng Thủy đi rồi, mình chờ mãi mà vẫn chẳng thấy đâu. Ngày nào mình cũng chờ, nhiều mùa rẫy rồi mà Thủy vẫn không thấy về. Con của Thủy đấy, nó lớn chừng này rồi, biết đan cái gùi tuốt lúa rồi, biết cầm cái lao xuống đâm cá rồi, biết trỉa bắp cho mẹ rồi đấy! Mình chẳng mong cuộc sống giàu sang, chỉ cần có ăn, có gia đình là mình vui rồi. Vậy mà…”, chị Nhan bỏ lửng câu nói giữa chừng, nghẹn ngào khi thấy đứa con đang chấm miếng khoai lang với muối ớt.

Sau ngày chồng vượt biên cùng với nhiều người, có người đã trở về nhưng Thủy thì vẫn không thấy. Có người bảo Thủy đã bỏ mạng giữa rừng sâu rồi, có người lại bảo Thủy đã sang Mỹ rồi, quên Nhan rồi. Nhưng chị không tin. Mỗi chiều chị lại ngóng ra phía triền tây, nơi ánh nắng cuối cùng đổ những tia dài xuống đỉnh núi mà chờ đợi. Nhưng tiếng con chim K’tia chẳng thấy vang lên và người đi thì cứ đi biền biệt.

Tôi hỏi già Bơng trong làng có nhiều người đi bỏ lại vợ con như thế không. Già Bơng bấm đầu ngón tay rồi lắc đầu: “Lâu quá không nhớ hết được. Nhưng hồi ấy nhiều lắm! Bây giờ ở làng này, ở làng Mít Jep, làng O vẫn còn nhiều người như con Nhan này lắm!” Rồi già kể một loạt những người phụ nữ đang một mình nuôi con chờ chồng, một loạt những người mẹ già cũng đang đợi trông đứa con mình về như Siu Hlenh (40 tuổi) cùng một đứa con; chị Ksor Xem (32 tuổi, làng Bi) cùng 2 đứa con, hay như vợ của Rơ Châm Theo (37 tuổi, ở làng Kuk) cũng vậy. Giàu sang đâu chẳng thấy, chỉ chuốc vào mình sự khổ cực. Với những năm tháng sống trong sự chờ đợi và những ánh mắt nhìn của lũ làng, nhiều người phụ nữ đã cảm thấy vô cùng tủi nhục.

Những niềm vui chỉ nhỏ như vây kìm trong nỗi đau và sự chờ mong vô vọng lớn như núi rừng nơi này. Khi vẫn còn rất nhiều người mẹ, người vợ, người con gái chờ chồng, chờ con, hay chờ người yêu vượt biên ngày trước còn được trở về hay không. Từ ngày chưa có những đối tượng xấu, người làng Kuk ít khi biết đến cảnh những người đàn bà nuôi con một mình, chỉ trừ trường hợp không may người chồng mất đi, người vợ không tái giá mà ở vậy nuôi con.

Chị Ksor Tinh (36 tuổi, làng Kuk) cũng có hoàn cảnh như phần đông phụ nữ trong làng. Sáng nào chị cùng 2 đứa con cũng dậy từ khá sớm. Chị dậy sớm không phải để lên nương mà để ngóng về phía con đường mòn như sợi chão vắt chùng chình lưng chừng núi nơi đầu nguồn sông Pô Cô để ngóng chồng trở về. Sau đêm mưa gió hôm ấy tỉnh dậy, chị Tinh đã không thấy người chồng đâu cả, chỉ thấy hòm quần áo của chồng trống trơn, trên móc, ngoài dây phơi cũng chẳng còn chiếc khố nào. Chị lờ mờ nhận ra vấn đề, rồi bần thần như người mất hồn. Chẳng lẽ chồng đã bỏ vợ, bỏ con đi tìm cuộc sống mới ở xứ người?! Chị Tinh không muốn tin điều đó. Nhưng sự thực là như vậy. Bởi đã gần 8 năm trôi qua, chồng chị vẫn bặt bóng chim tăm cá. Bây giờ, hai đứa con chị đã lớn, đều được đi học, nhưng lúc nào chúng cũng hỏi cha đâu. Còn chị, nuốt nước mắt vào lòng mà không dám trả lời. Bởi chị nào biết nói gì.

“Những ngày đó khổ lắm! Cái bắp không có mà ăn, củ sắn không có nữa. Nhờ bà con người làng, nhờ cả bộ đội biên phòng thôi. Mình buồn lắm không dám đi ra đường nữa, sợ mọi người ghét mình vì chồng mình đi theo người ta. Mình cứ chờ chồng về để bảo chồng không được đi nữa, ở nhà cùng vợ cùng con, nuôi chúng nó lớn là được rồi, không cần giàu sang như thế đâu. Nhưng hết mùa mưa này đến mùa mưa khác, hết con trăng này tới con trăng khác mà chồng mình vẫn không về!”, chị Tinh bùi ngùi.

Ở đây, quả thật, nhìn đến mỏi mắt, chỉ thấy trong số những hòn vọng phu chốn này ngày ngày họ lầm lũi đi từ trên nương về, trên vai là cái gùi, có thể có cây măng rừng, rau và thứ gì đó dùng cho bữa ăn tối, hoặc, có thể là một gùi củi… Về đến nhà, các chị lại bắt đầu làm việc gia đình đến tận khuya, sáng dậy sớm lên nương, rẫy. Cứ thế, cuộc sống của các chị là một vòng quay tròn không điểm dừng và nỗi chờ đợi thì chẳng bao giờ có hồi kết. Biết bao mùa lễ hội chẳng có bàn tay người chồng, không sắm sửa váy áo nữa, cũng chẳng nồng nàn với ghè rượu cần và những vòng xoang đêm lả lơi nữa. Với họ, chỉ có bóng dáng người chồng là điều mong mỏi nhất, mà người đi chẳng thấy trở về, để dãy núi Chư Păh chắn phía triền tây cứ buồn thê thiết.

Không chỉ có những người phụ nữ chờ chồng trở về sau những tháng ngày lầm lạc, mà nơi này còn có những người đàn ông ngóng vợ. Vợ họ cũng là những phận người theo lời rủ rê mà sang bên kia biên giới, giờ không biết lưu lạc ở phương nào. Họ cũng như nhiều người phụ nữ ở chốn này sống lặng lẽ, mang cảnh gà trống nuôi con đợi chờ trong vô vọng. Đến bây giờ họ mới thấu hiểu cuộc sống xa hoa nơi xú người chỉ là trong tưởng tượng, cái có thật là cuộc sống hiện tại với những đứa con, ngày ngày cần cù lên nương lên rẫy làm ăn sinh sống bình thường. Trong mắt họ bây giờ, những ngày tháng lầm lỗi ngày xưa đã dần xa, nhưng nỗi đau vẫn cứ còn mãi.

Chờ đợi ngày bình yên

Trong số hàng chục gia đình có người đàn ông bỏ làng ra đi năm ấy, có rất nhiều người phụ nữ may mắn được đoàn tụ với chồng con mình. Như vợ ông Siu Blờ (SN 1957), anh Rah Lan Mrễ (SN 1976) và nhiều người khác như Rơmah Luông, Rơmah Bem, Kpuih Son, Rah Lan Chiu, Rah Lan Yêl... đã trở về với gia đình, sum họp cùng vợ con.

Thiếu tá Hoàng Văn Hợp, Đội phó đội vận động quần chúng Đồn BP Pô Cô, BĐBP Gia Lai cho biết: “Riêng tại xã Ia O này đã có gần hai chục người đàn ông đi không về. Những năm trước họ vì nghe lời kẻ xấu xúi giục bỏ làng ra đi vì ham muốn cuộc sống sung túc được thêu dệt qua cửa miệng của bọn phản động. Dù bây giờ trong làng trong xã không ai tin lời dụ dỗ nữa nhưng còn hàng chục người ra đi vẫn chưa về được. Vợ con họ thì cứ ngày nhớ đêm mong, phải nuôi con một mình, buồn khổ không kể hết! Dù tình trạng vượt biên tìm cuộc sống mới của người dân Ia O thời gian gần đây đang tạm lắng, nhưng chưa thể nói bản cuộc sống nơi đây đã thực sự bình yên!”…

Bây giờ, nhờ có Bộ đội biên phòng, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, những con người lầm lạc ngày xưa sau khi trở về đã được cộng đồng giang tay đón nhận, xóa bỏ những lỗi làm ngày xưa. Có rất nhiều người chí thúc làm ăn nên đã có của ăn của để như ông Siu B’lờ, nhưng Rah Lan Hyeh và nhiều người khác. Thấy được của cải có thật từ bàn tay mình làm ra, họ càng thấm thía những chuyện mình đã làm ngày xưa.

Từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn Tây Nguyên, các thế lực phản động đã lừa phỉnh hàng chục người dân tộc thiểu số bỏ gia đình, ruộng nương vượt biên sang Cam Pu Chia, Thái Lan với ảo vọng để có cuộc sống sung sướng nhưng sự thật họ phải chịu nhiều cay đắng. Để giúp người dân không bị tiếp tục mắc lừa bọn phản động, Công an các tỉnh Tây Nguyên đã tăng cường công tác vận động tuyên truyền đến mọi người dân về âm mưu lừa phỉnh của bọn phản động FULRO. Mặt khác cũng điều tra, xử lý nghiêm theo pháp luật các đối tượng lừa đảo nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống bình yên cho nhân dân.


Hữu Tiến

Bạn đang đọc bài viết "Những hòn “vọng phu” nơi biên giới chờ chồng" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.