Nhiều tiện ích từ phần mềm quản lý tín dụng chính sách

07/05/2022 11:20

Theo dõi trên

Không cần đến điểm giao dịch của ngân hàng CSXH để tìm hiểu thông tin về tín dụng, chỉ cần có kết nối internet, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn(TK&VV) có thể hiểu rõ về quy trình cho vay từng chương trình tín dụng, tra cứu về đối tượng khách hàng, số liệu nguồn vốn tín dụng… thông qua phần mềm quản lý tín dụng chính sách.

1-1651842608.jpg
Nhiều tiện ích khi cán bộ Ngân hàng CSXH sử dụng phần mềm quản lý tín dụng chính sách

Tín dụng trong tầm tay!

Kể từ khi được cán bộ ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Quảng Xương cài đặt và hướng dẫn sử dụng thành thạo phầm mền quản lý tín dụng chính sách trên điện thoại của mình, bà Vũ Thị Lâm - Tổ trưởng tổ TK&VV dân phố Đồng Thanh, thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương không còn phải đi xe đạp đến điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH để tìm hiểu về thông tin tín dụng chính sách.

Bà Lâm cho biết, trước đây có chị em nào trong tổ hỏi về tín dụng chính sách, nếu bà đã biết rõ thì sẽ trả lời ngay nhưng có nhiều thông tin mới, chưa kịp cập nhật bà bèn ghi lại vào giấy rồi lại tất tưởi đạp xe đến điểm giao dịch ngân hàng CSXH để tìm hiểu cho rõ. “Việc ghi chép, đi lại tốn rất nhiều công sức và thời gian, đôi khi đi đi lại lại đến hai ba lần vì cứ nhớ nhớ quên quên” - Bà Lâm nói.

3-1651842842.JPG
Bà Vũ Thị Lâm - Tổ trưởng tổ TK&VV thôn Đồng Thanh sử dụng thành thạo phần mền quản lý tín dụng chính sách trên điện thoại di động

Nhưng nay, từ khi điện thoại của bà có cài đặt phần mềm quản lý tín dụng chính sách bà không chỉ tự tin mở điện thoại, đọc rành mạch từng thông tin tín dụng mà còn thành thạo trong việc cập nhật được tất cả các thông tin giao dịch, từ phương án tín dụng CSXH, cơ sở dữ liệu cho vay, trả lãi và gốc của khách hàng đến kết quả kiểm tra đối chiếu cho vay và các văn bản hướng dẫn tín dụng…

Theo bà Lâm, ứng dụng công nghệ vào hoạt động chính sách rất hữu ích và thiết thực đối với người làm tổ trưởng tổ TK&VV như bà, giờ đây bà chỉ cần ngồi ở nhà nhưng vẫn có thể nắm bắt đầy đủ về thông tin dòng tiền, thông tin của 32 tổ viên mình quản lý, công tác kiểm soát sau giải ngân…

“Đối với những đối tượng khách hàng không sử dụng điện thoại thông minh thì tôi có thể liên lạc qua tin nhắn hoặc gọi điện thoại, không mất thời gian, công sức đi lại” - Bà Lâm cho biết thêm.

Để sử dụng thành thạo ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc của mình theo bà Lâm là cả một quá trình, nhất là những người đứng tuổi và sống ở vùng nông thôn như bà. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn tận tụy từ cán bộ ngân hàng chính sách sau một thời từ việc chỉ mới biết làm quen ứng dụng đến nay bà đã thuần thục trong việc nhập số liệu cho đến kiểm soát, khai thác số liệu.

2-1651842936.JPG
Cán bộ Ngân hàng CSXh chi nhánh huyện Quảng Xương tận tình hướng dẫn các tổ trưởng tổ TT&VV sử dụng phẩm mền quản lý tín dụng chính sách

Xu thế tất yếu trong thời đại 4.0

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Văn hoá và Phát triển, ông Lê Xuân Hải - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh huyện Quảng Xương cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin khi thực hiện các giao dịch tại các xã, thị trấn đã mang lại nhiều lợi ích, đó là giúp giảm thiểu thời gian giao dịch, hạn chế tình trạng tụ tập đông người; gúp quản lý chính sách tín dụng tốt hơn… Hiện đơn vị đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tín dụng thông qua phần mềm quản lý tín dụng, Zalo, trang Fanpage của ngân hàng…

Ứng dụng quản lý tín dụng được định danh trên kho ứng dụng (Android và iOS) là NHCSXH - QLTDCS. Ứng dụng được cài đặt ở điện thoại của tất cả các cán bộ NHCSXH, Chủ tịch UBND xã, lãnh đạo các đoàn thể, cán bộ Ban Giảm nghèo xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ TK&VV thực hiện tín dụng chính sách hiệu quả hơn. Màn hình chính bao gồm 7 danh mục: Thông tin địa điểm; Tín dụng cộng đồng; Tín dụng làng xã; Các tổ chức đoàn thể; Nhóm Tiết kiệm & Tín dụng; Giám sát và kiểm tra; Tìm kiếm.

Khi triển khai ứng dụng này, đơn vị nhận được sự hưởng ứng cao của các hội, tổ, người dân. Tuy nhiên gặp khó khăn ở đối tượng khách hàng, bởi khách hàng của Ngân hàng CSXH mang tính đặc thù nhiều người chưa có điện thoại thông minh.

Ông Nguyễn Tiến Trứ - Phó Giám đốc ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Trong nền Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng là yêu cầu cấp thiết, là bước đi kịp thời, phù hợp trong giai đoạn công nghệ số hiện nay.

Ngân hàng CSXH chi nhánh Thanh Hóa đã và đang từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động phục vụ hiệu quả, thiết thực nhu cầu của khách hàng như: Triển khai phần mềm ứng dụng Core Banking với Intellect Offline hỗ trợ giao dịch tại Điểm giao dịch xã; thu nợ, thu lãi thông qua tài khoản tiền gửi thanh toán…

Việc sử dụng ứng dụng quản lý tài chính được cài đặt trên điện thoại thông minh được đánh giá cao. Bên cạnh nâng cao chất lượng tín dụng, tăng tính minh bạch, hạn chế rủi ro đối với khách hàng và ngân hàng CSXH, giảm thiểu thời gian giao dịch, nâng cao năng suất lao động, tăng cường cải thiện sự tiếp cận tới các dịch vụ tài chính toàn diện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tuy nhiên, khách hàng của Ngân hàng CSXH mang tính đặc thù, có nhiều người không có điện thoại, nhiều nơi có điện thoại nhưng lại không có sóng,… đây là những khó khăn gặp phải khi thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tín dụng chính sách./.

Hồng Hạnh
Bạn đang đọc bài viết "Nhiều tiện ích từ phần mềm quản lý tín dụng chính sách" tại chuyên mục Địa phương. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.