Du lịch Việt đã chính thức chuyển mình sang giai đoạn mới, phục hồi và phát triển hậu COVID-19 với nguồn nhân lực sụt giảm tới hơn 70% do tác động từ đại dịch. Đây thực sự là thách thức lớn và là vấn đề cấp bách của toàn ngành hiện nay.
Khủng hoảng chưa từng có tiền lệ
Theo Hội đồng Lữ hành thế giới (WTTC), chỉ trong hai năm 2020-2021, đại dịch đã làm mất đi 62 triệu/334 triệu việc làm trong ngành du lịch. Nhiều tổ chức quốc tế và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng khuyến cáo, rất dễ xảy ra khủng hoảng nguồn nhân lực du lịch khi đại dịch đi qua và mỗi quốc gia nên có sự chuẩn bị để không phải đối mặt với việc này.
Với du lịch Việt Nam, ngay sau khi đạt mức tăng trưởng kỷ lục vào tháng 1/2020, toàn ngành đã rơi vào khủng hoảng do dịch COVID-19 bùng phát. Doanh nghiệp du lịch buộc phải ngừng hoạt động hoặc vận hành cầm chừng khiến người lao động ảnh hưởng nặng nề. Doanh nghiệp chỉ có thể duy trì guồng máy với số nhân viên tối thiểu, còn lại cho nghỉ việc, chờ việc; có đơn vị hỗ trợ cho người lao động, có đơn vị không.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành du lịch lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng.
Thực tế này khiến người lao động phải chuyển nghề vì mưu sinh, dẫn đến thất thoát nhân lực đối với lĩnh vực du lịch và đây thực sự là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành kinh tế không khói.
"Khi việc lựa chọn, chuyển đổi nghề nghiệp đã ổn định thì người lao động sẽ có tâm lý an tâm với công việc mới, dẫn đến khi dịch bệnh được khống chế và ngành du lịch hoạt động trở lại, họ không quay về việc cũ nên tình trạng thiếu hụt nhân lực du lịch sẽ rất căng thẳng," ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói.
Trong khi đó, tại Hội thảo "Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới" diễn ra cuối tuần qua tại Hà Nội, ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định sau COVID-19 chỉ có một bộ phận nhân lực của ngành là được qua đào tạo, còn đào tạo nhân lực mới, nhân lực trẻ bổ sung hiện đang gặp khó khăn. Bởi ngay việc đào tạo này cũng cần có thời gian thực hiện và bồi đắp.
Với lưu trú, hầu hết chỉ có nhân lực tại các khách sạn là được qua đào tạo, còn ở nhà nghỉ, homestay... hầu hết nhân lực đều là lao động tự do, không qua trường lớp. Do đó, cần có những chính sách, giải pháp để bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, thậm chí cầm tay chỉ việc cho các nhóm lao động này.
Theo khảo sát và đánh giá của một số chuyên gia, hiện công tác bồi dưỡng, đào tạo nhân lực du lịch mới còn nhiều bất cập. Đáng nói, một số chương trình giảng dạy cũng như bài giảng của giảng viên không có tính thực tế, ảnh hưởng tới chất lượng đầu ra lực nhân sự du lịch.
Giải "bài toán" nhân lực cách nào?
Các chuyên gia du lịch cho rằng ngay lúc này chúng ta cần cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi người lao động du lịch đã có kinh nghiệm quay trở lại làm việc, đáp ứng yêu cầu tổ chức kinh doanh phục vụ khách du lịch; tổ chức đào tạo lại, bồi dưỡng kết hợp với đào tạo mới nhân lực du lịch đảm bảo yêu cầu bổ sung đủ nhân lực đáp ứng với từng cấp độ phục hồi du lịch phù hợp với các lĩnh vực kinh doanh, các địa phương trong cả nước...
Việc đào tạo này cần chú trọng đến kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và chịu trách nhiệm thích ứng với bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi. Đặc biệt, cần tổ chức rà soát đánh giá các kịch bản phục hồi từ đó xác định cụ thể quy mô, cơ cấu và yêu cầu về năng lực của người lao động du lịch cần có để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng bước đầu, đảm bảo phục vụ cho giai đoạn phục hồi, thích ứng với điều kiện dịch bệnh đồng thời chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Bà Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khách sạn cho rằng: "Trong điều kiện bình thường mới, cần rà soát nguồn nhân lực du lịch, nhận diện rõ những hạn chế, yếu kém, thiếu hụt về chuyên môn nghiệp vụ của từng bộ phận; nghiên cứu nhu cầu thị trường, dự báo phát triển du lịch để tính toán nhu cầu đào tạo tập trung, đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ và xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo của từng địa phương, cơ sở."
Cùng với đó, theo bà Bình, cần có chính sách về lương, môi trường làm việc... tốt, cho người lao động hưởng lương theo bậc, năng lực để khuyến khích họ nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề.
Để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cho tương lai, bà Bình mong muốn ngay từ đầu các bậc phụ huynh cần có định hướng việc làm tốt cho con em mình. Bởi nếu định hướng việc làm chưa được chú trọng, dẫn đến nhận thức nghề kém, chất lượng nhân sự và hiệu suất việc làm, chất lượng dịch vụ sẽ kém.
Bên cạnh đó cần củng cố, nâng cao chất lượng đầu ra đối với đội ngũ lao động nghề của các cơ sở đào tạo du lịch, nâng cao năng lực và chất lượng của công tác đào tạo nghề; quản lý chặt chất lượng đào tạo đồng thời liên thông giữa các cấp đào tạo, giữa các chuyên ngành đào tạo, đặc biệt là ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo ông Vũ Thế Bình, giải pháp cấp bách trong hỗ trợ nhân lực là rà soát các chính sách hỗ trợ của nhà nước, bổ sung, điều chỉnh và tổ chức triển khai các gói hỗ trợ tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp du lịch, khu, điểm tham quan, di tích. Trong đó, chú trọng các chính sách hỗ trợ người lao động; miễn, giảm thuế, cắt giảm các khoản phí khác để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì nhân lực phù hợp với điều kiện tổ chức kinh doanh.
"Cần rà soát và thành lập mạng lưới lao động du lịch địa phương theo đầu mối các doanh nghiệp, thông qua hệ thống liên lạc linh hoạt, nhằm đảm bảo bổ sung nhân lực du lịch phù hợp với hoạt động du lịch nội địa, du lịch quốc tế, đáp ứng các quy định về phòng, chống dịch COVID-19…," ông Bình nói.
Thực tế, ngay khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch, phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đều đăng đàn tuyển dụng nhân sự với những lời mời gọi hấp dẫn. Tuy nhiên, cho đến nay làn sóng tuyển dụng này vẫn chưa có hồi kết.../.