Nhà tù Sơn La -“bảo tàng” về lòng kiên trung, yêu nước

30/05/2017 09:41

Theo dõi trên

Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, thuộc TP. Sơn La (tỉnh Sơn La) - nơi ghi dấu lòng kiên trung, quả cảm cán bộ, chiến sĩ cách mạng Việt Nam; đồng thời cũng là chứng tích tội ác chiến tranh do thực dân Pháp gây ra tại nhà tù này.



Đã nhiều lần ném bom tàn phá song nhà tù Sơn La vẫn còn nguyên giá trị lịch sử về tội ác chiến tranh của thực dân Pháp.

Ghi dấu tội ác chiến tranh

Ngay giữa lòng TP. Sơn La, ngọn đồi Khau Cả nằm “soi mình” bên dòng suối Nậm La, nơi đang lưu giữ chứng tích lịch sử Nhà tù Sơn La, minh chứng của một thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng, tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên cường đã bị đầy ải, giam cầm bởi thực dân Pháp.

Theo lời của hướng dẫn viên khu di tích, Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m2 bằng hệ thống tường xây đá lẫn gạch, mái lợp tôn, không có trần. Giường nằm cho tù nhân cũng được xây bằng đá, mặt láng xi măng, mép ngoài được gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Trong mỗi phòng giam đều có hố xí nổi được xây cao hơn sàn nằm, không có nắp đậy, không có nước dội, không được vệ sinh thường xuyên.

Với lối thiết kế như vậy, mùa hè những đợt gió Lào của vùng Tây Bắc gây nên cái nóng như thiêu như đốt, những đợt sương muối tạo ra cái lạnh giá, rét thấu xương thịt vào mùa đông cộng với môi trường ô nhiễm ở mỗi phòng giam đã làm bệnh tật phát sinh và lây lan rất nhanh chóng trong tù nhân.

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo nhân dân vùng lên đấu tranh chống lại chế độ tàn bạo của thực dân phong kiến. Phong trào đấu tranh đã làm kẻ địch bất ngờ, chúng lồng lộn tìm đủ mọi cách đàn áp, bắt bớ những người Việt Nam yêu nước hòng dập tắt phong trào cách mạng.

Mặt khác, chúng tăng cường xây dựng và mở rộng thêm hệ thống nhà tù trong cả nước, trong đó đặc biệt chú ý đến nhà tù Sơn La. Qua 3 lần xây dựng và mở rộng, nhà tù Sơn La có tổng diện tích là 2.170 m2 với cả hệ thống các phòng giam nổi và phòng giam ngầm dưới mặt đất.

Riêng hệ thống phòng giam ngầm có 5 phòng giam cá nhân và 2 phòng giam tập thể được ngụy trang kín đáo hòng che giấu tội ác của chế độ tù ngục nơi đây. Từ đây, thực dân Pháp đã biến nơi đây thành một địa ngục trần gian để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người cộng sản.




Du khách tham quan lối đi lấy nước (đã được tôn tạo lại) tại Nhà tù Sơn La.

Và trường học cách mạng

Bằng chế độ nhà tù cực kỳ hà khắc và những thủ đoạn tra tấn vô cùng hiểm ác, kẻ thù tưởng sẽ tiêu diệt được tinh thần và thể xác của những chiến sĩ cách mạng nhưng chính tại nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng, rèn luyện ý chí và bổ sung cho cách mạng những chiến sĩ, đảng viên cộng sản trung kiên. Nổi bật nhất là vai trò của đồng chí Tô Hiệu và bao đồng chí trung kiên khác.

Theo chân người hướng dẫn viên, đoàn khách chúng tôi dừng lại khá lâu ở một góc nhỏ của nhà tù, nơi gần lối đi lấy nước của các tù nhân. Đây chính là nơi đồng chí Tô Hiệu trút hơi thở cuối cùng sau khi các chiến sĩ cách mạng của chúng ta đấu tranh đòi cai ngục đưa đồng chí từ phòng giam chéo với chế độ giam cầm hà khắc ra khu vực kho xép này.

Nơi đây, mặc dù, căn bệnh lao phổi đang ngày một tàn phá cơ thể nhưng đồng chí Tô Hiệu vẫn tiếp tục viết tài liệu, truyền đơn. Ái ngại cho sức khỏe của đồng chí, đồng đội, nhiều người khuyên ngăn thì đồng chí Tô Hiệu nói: “Mình biết là mình sẽ chết sớm hơn mọi người nên mình phải tranh thủ thời gian để phục vụ cho Đảng". Đến ngày 7/3/1944, sau một cơn ho kéo dài, đồng chí Tô Hiệu đã trút hơi thở cuối cùng tại nơi kho xép này, để lại cho anh em, đồng đội bao thương tiếc.

Biến đau thương thành hành động, phong trào học tập tấm gương cách mạng đồng chí Tô Hiệu của các chiến sĩ cách mạng nơi đây như một ngọn lửa thổi bùng, thắp sáng nơi tù ngục tối tăm. Đồng chí hy sinh lúc 32 tuổi, chưa lập gia đình mà đã có 8 năm tù khổ sai, 14 năm tuổi Đảng.

Để ghi tạc, biểu dương tấm gương trung kiên của đồng chí Tô Hiệu, năm 1945, sau khi giành được độc lập, Đảng ta đã đặt tên cho cây đào ở nhà tù Sơn La là cây đào Tô Hiệu. Cây đào Tô Hiệu đã đi vào lịch sử, thơ ca như một biểu tượng của ý chí quật cường, kiên trung. Để rồi, qua thời gian, bên những bức tường đổ nát, loang lổ bởi những vết bom đạn của kẻ thù, cây đào Tô Hiệu vẫn hiên ngang vươn mình bung lộc xanh nõn như một bức tranh phản chiếu tinh thần cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Ý chí cách mạng không chỉ soi sáng cho các tù nhân đang bị giam cầm nơi đây mà đã lan tỏa ra cả những người dân tộc thiểu số bản địa. Ðầu năm 1943, chi bộ nơi đây đã giác ngộ và gây dựng được hai cơ sở cách mạng đầu tiên là tổ chức: "Hội người yêu bản Mường". Chính người thanh niên dân tộc Thái có cảm tình với cách mạng là anh Lò Văn Giá đã dẫn đường cho các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Lưu Ðức Hiểu, Trần Ðăng Ninh, Nguyễn Văn Trân vượt ngục thành công.

Với những giá trị lịch sử vô cùng to lớn đó, năm 1962, nhà tù Sơn La được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia và hằng năm đón hơn trăm nghìn lượt du khách đến tham quan, học tập.


Hà An

Nguồn: Báo Đắk Nông
Bạn đang đọc bài viết "Nhà tù Sơn La -“bảo tàng” về lòng kiên trung, yêu nước" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.