Nhà Thánh Hoành Sơn: Thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền (Kỳ II)

10/10/2022 14:09

Theo dõi trên

Nhà Thánh Hoành Sơn mang trong mình những giá trị về lịch sử, văn hóa và cũng là chứng tích rõ nét nhất trên đất Hoa Nam về truyền thống khoa bảng. Không ngẫu nhiên mà nhà Thánh Hoành Sơn lại chỉ thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền...

k-tu-2353463466-1665385577.png

Khổng Tử - Bậc thầy của muôn đời

Khổng Tử tên thật là Khổng Khâu, tự Trọng Ni, sinh ngày 27 tháng 8 năm 551 trước Công nguyên, tại Ấp Trâu, làng Xương Bình, nước Lỗ (nay là huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc).

Năm 30 tuổi, Khổng Tử đến Lạc Dương, kinh đô nhà Chu để nghiên cứu về nghi lễ, chế độ miếu đường, sau đó ông về nước Lỗ lo việc dạy học và nghiên cứu đạo học của thánh hiền. Từ đó sự học của ông càng rộng hơn nhiều nên học trò theo học rất đông.

Trong khoảng thời gian gần suốt 20 năm, Khổng Tử dẫn học trò đi nhiều nơi trong vùng để truyền bá tư tưởng và tìm người truyền bá các tư tưởng đó. Khổng Tử cùng các học trò đi các nước: Vệ, Khuông, Trần, Tống, Thái, Sở mong thuyết phục các vua chư hầu chịu đem đạo của ông ra ứng dụng để đem lại thái bình cho dân chúng.

Sau nhiều năm bôn ba, Khổng Tử trở về nước Lỗ, tiếp tục dạy học và bắt tay vào soạn sách. Khổng Tử cũng chỉnh lý các bản nhạc nước Lỗ khiến cho nhạc Nhã và nhạc Tụng mỗi loại có một vị trí thích hợp của nó. Tìm và hiệu đính lại các cổ thư bị tản nát, nhiều chỗ không rõ ràng, dễ bị thất truyền hoặc khiến người đời sau nhầm, lập thành 6 bộ (người đời sau gọi là lục kinh) gồm: Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu. Mỗi kinh nói về một vấn đề khác nhau, từ thi ca, nghi lễ, bói toán cho tới sử học. Việc Khổng Tử tự mình biên soạn 6 bộ kinh đã thể hiện hiểu biết sâu rộng và tinh thần làm việc miệt mài của ông, có thể coi đây là cuốn Bách khoa toàn thư đầu tiên của nhân loại.

Khổng Tử chính là người đã đưa giáo dục mở rộng cho tầng lớp nhân dân, đem tri thức văn hóa truyền bá cho dân gian, có cống hiến to lớn đối với nền giáo dục thời cổ đại. Khổng Tử có tới 3.000 học trò trong đó có 10 người được xếp vào hạng triết nhân, gọi là Thập triết, 72 người được liệt vào hạng tài giỏi, gọi là Thất thập nhị hiền. Những lời dạy của Khổng Tử được học trò tập hợp thành bộ Luận Ngữ - đây là một trong Tứ thư kinh điển của Nho giáo.

Thái Sử Công Tư Mã Thiên từng ca ngợi Khổng Tử “Núi cao cúi phục, thiên nhiên cũng kính nể ngừng khoe sắc đẹp. Thiên hạ biết không đuổi kịp được ông nhưng luôn hướng theo ông. Tuy chỉ là người mặc áo vải nhưng ông đời đời được tôn vinh, những người học trò đều coi ông là thầy có thể nói ông là bậc thánh hiền”.

Khổng Tử mất tháng 4 năm 479 TCN thọ 73 tuổi. Sau khi Khổng Tử mất, học trò đến làm nhà quanh mộ ông rất nhiều. Khổng Tử được người đời suy tôn là “Vạn Thế Sư Biểu” (Bậc thầy của muôn đời) và được coi là ông tổ của Đạo Nho. Miếu thờ Khổng Tử được lập nên ở nhiều nơi đặc biệt các nước trong khu vực châu Á (Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Hàn Quốc) đều tôn thờ Khổng Tử là bậc Thánh Hiền.

z3748545488903-3af21a6bceafe10fe8858f31fbbeaa12-1-1665327347.jpg
Nhà Thánh Hoành Sơn - Nơi thờ Khổng Tử. Ảnh: Nguyễn Diệu

Nguyễn Thiện Chương (1452 - ?), vị tiến sỹ trẻ tuổi nhất Nghệ An

Tiến sĩ Nguyễn Thiện Chương người làng Hoành Sơn, xã Nam Hoa Thượng, tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương, phủ Đức Quang, nay là xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Cha và ông nội đều đỗ Hương cống. Thửa nhỏ Nguyễn Thiện Chương có tư chất thông minh, ham học. Năm 1465, khi mới 14 tuổi ông dự kỳ thi Hương và đậu Hương cống. Đến năm 18 tuổi đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Quang Thuận 10 (1469) đời vua Lê Thánh Tông. Khoa thi này vua không lấy đỗ Tam khôi, Nguyễn Thiện Chương là người đứng thứ 2 trong số 20 người. Gia phả họ Nguyễn Thiện ghi: “... Xin kể chuyện quan Đề hình thửa trước/ Buổi thiếu niên nhẹ bước công danh/ Mới vừa 18 xuân xanh/ Đỗ khoa Kỷ Sửu tên dành thứ 2...”

Quê hương Nam Đàn và dòng họ Nguyễn Thiện, một vùng đất văn vật nổi tiếng hiếu học, nhiều người đỗ đạt nhưng đỗ đại khoa đến năm 1469 Nguyễn Thiện Chương là người khai khoa đầu tiên, cũng là một vị Tiến sĩ trẻ tuổi nhất ở Nghệ An.

Sau khi đỗ Tiến sĩ, ông được vua ban áo mũ, đãi yến tiệc và cho vinh quy bái tổ. Sau khi về quê bái tổ, ông trở lại kinh đô và được bổ chức hiệu thảo ở bộ Hình hàm tòng thất phẩm. Do có nhiều cống hiến hiến, tận tụy trong công việc nên vào năm 1473, ông được thăng Hữu thị lang, Phó đô ngự sử. Song chốn quan trường loạn lạc, vì dâng những lời can gián thẳng thắn mà vua không nghe để giữ vững khí tiết cốt cách của một nhà nho “trọng nghĩa kinh tài” nên ông xin về trí sĩ lúc mới 33 tuổi.

Sau khi về quê, Nguyễn Thiện Chương mở lớp dạy học. Nghe danh ông, học trò theo học rất đông, ông phải mở thêm lớp để đáp ứng nhu cầu của học trò. Nguyễn Thiện Chương là một thầy giáo mẫu mực, tận tâm với nghề. Học trò của ông có nhiều người đậu đạt, thành danh.

Năm 1521, ông tạ thế tại quê nhà, hưởng thọ 70 tuổi. Ông được an táng tại “Lòi Vàng” làng Hoành Sơn, xã Nam Hoa Thượng, tổng Nam Hoa nay là xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn. Cùng với cha và ông nội, Nguyễn Thiện Chương được làng trang trọng khắc tên vào bia đá nhà Thánh để đời đời tôn vinh ông.

z3748545508485-cee7095daf5b942d178463465f4db234-1665327469.jpg
Các vị tiên hiền được khắc tên vào bia đá nhà Thánh. Ảnh: Nguyễn Diệu

Nam sơn phu tử Nguyễn Đức Đạt (1824 - 1887)

Nguyễn Đức Đạt tên tự là Khoát Như, hiệu là Nam Sơn chủ nhân, lại có hiệu là Nam Sơn dưỡng tẩu, Khả Am tiên sinh. Ông sinh ở làng Hoành Sơn, xã Nam Hoa Thượng, tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương, phủ Anh Sơn nay là xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Nguyễn Đức Đạt sinh ra và lớn lên trong một gia đình, dòng họ có truyền thống khoa bảng: ông là con của Cử nhân Nguyễn Đức Diệu, anh của Cử nhân Nguyễn Đức Huy, cháu của Cử nhân Nguyễn Đức Ký, cha của Cử nhân Nguyễn Đức Đảng, chú của Phó bảng Nguyễn Đức Vận, anh họ Song nguyên Hoàng giáp Nguyễn Đức Quý. Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) tại kỳ thi Hương khoa Đinh Mùi tại trường thi Nghệ An, Nguyễn Đức Đạt đậu Cử nhân. Năm 30 tuổi, đậu Đình nguyên Thám hoa khoa Qúy Sửu, Tự Đức thứ 6 (1853), trong khoa thi này có ông Nguyễn Văn Giao quê làng Trung Cần, xã Nam Trung cũng đậu Thám hoa thứ nhì.

Lúc đầu, ông được bổ chức Thị giảng Tập hiền viện, sau thăng Cấp sự trung. Được ít lâu, ông xin về quê phụng dưỡng cha mẹ già và mở trường dạy học. Nghe tiếng về học vấn uyên thâm và đức độ của ông, học trò gần xa đến thụ giáo rất đông. Trường học không đủ chỗ nên những buổi bình văn, thầy phải chuyển lên núi Nam Sơn, cách nhà độ nửa dặm đường. Trường của thầy được gọi là “trường Nam Sơn”, còn thầy được gọi là “Nam Sơn phu tử”.

Triều đình nhà Nguyễn nhận thấy tài năng đức độ của ông nên đã bổ nhiệm ông làm Đốc học Nghệ An vào năm 1863, sau đó ông được thăng đến Án sát Thanh Hóa, Tuần phủ Hưng Yên... Năm 1873, khi làm Tuần phủ Hưng Yên ông đã giữ được Hưng Yên trong khi các tỉnh kề cận như Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình lần lượt thất thủ vào tay giặc Pháp. Ông còn dâng điều trần với triều đình về việc xây dựng, bồi bổ đê điều ở các tỉnh phía Bắc.

z3748545505299-0f40671635e215747ac764e48cec876f-1665327708.jpg
Bia đá không còn nguyên vẹn tại nhà Thánh Hoành Sơn. Ảnh: Nguyễn Diệu

Năm 1876, trước sự đầu hàng từng bước của triều đình, ông lấy cớ đau ốm xin về quê và tiếp tục công việc dạy học. Để phục vụ cho việc dạy học ngoài các giáo trình như “Nam Sơn song khóa phú tuyển”, “Nam Sơn song khóa chế nghĩa”, “Nam Sơn tùng thoại”, ông còn soạn thên “Đăng long văn tuyển”, “Khả Am văn tập”, “Nam Sơn di thảo”...nhưng đáng chú ý nhất là bộ “Nam Sơn tùng thoại”. Đây là một bộ sách rất đồ sộ, với 32 chương viết theo lối vấn đáp, phát triển, bàn giải một số quan điểm trong các sách kinh điển như “nhân hòa, đức trị, học vấn...” đương thời. Bộ sách này đã nâng ông lên không chỉ là một nhà giáo dục có tài mà còn là một nhà triết học uyên thâm. Ông đã có một số quan niệm riêng khá xác đáng phù hợp với đạo đức truyền thống của dân tộc như: bàn về trị đạo, ông đã đề cao việc dùng người tài, phải đối đãi bằng lễ, vua phải là một đấng minh quân và nước thì phải có pháp luật.

Hay trong quan niệm về “quân – sư - phụ” (ba quan niệm lớn của đạo Nho), là một nhà nho, một ông thầy nhưng Nguyễn Đức Đạt lại cho bạn hơn thầy và giải thích rất sinh động: “Soi tối phải dùng đèn, đèn để tìm cái không thấy. Đỡ người phải dùng gậy, gậy để làm vững những ai không đi vững. Trong tăm tối, tâm không tự soi được, phải nhờ đến đèn để soi, thân thể yếu đuối không thể tự đỡ được, phải nhờ gậy để đỡ. Sách là đèn, bạn là gậy. Trên bàn không có sách, trong nhà không có bạn, thì khác nào quăng gậy, cất đèn...”

Nguyễn Đức Đạt dạy học theo lối vấn đáp, lấy ví dụ trong thực tế và dùng phương pháp tương đồng khi so sánh. Đây là một phong cách ít thấy trong nền giáo dục xưa ở nước ta. Một phần uy tín lớn lao của ông trong học giới có lẽ cũng nhờ phương pháp giáo dục đó.

Không chỉ là một nhà giáo dục có tài, một nhà triết học uyên thâm, Nguyễn Đức Đạt còn bộc lộ một tấm lòng yêu nước sâu sắc. Chính ông là một trong số nhiều nhà nho tổ chức nghĩa quân hưởng ứng chiếu Cần Vương rầm rộ ở Nam Đàn.

Cuộc đời ông đã in dấu với những cái tên “Thám nhất”, “Thám Hoành Sơn”, “Thầy giáo Nam Sơn”... Và nó sẽ còn mãi với làng Hoành Sơn, với núi Nam Hoa, với bao giai thoại về ông... nhất là trong lòng nhân dân xứ Nghệ: “Nguyễn Đức Đạt lừng lững như núi Nam Sơn bên dòng sông Lam bất hủ. Bởi ông không chỉ là nhà giáo dục đào tạo được nhiều người thành danh, nhà văn mà còn là nhà triết học, nhà sử học, dân tộc học,...trước đây và hiện nay chưa tìm hiểu hết, nghiên cứu mấy về ông”. Thám hoa Nguyễn Đức Đạt được khắc tên vào bia đá dựng tại nhà Thánh Hoành Sơn để đời đời tưởng nhớ ông.

z3748545541864-7feff1327e8821be9b89d5ba6f5e5eb4-1665327577.jpg

Nguyễn Đức Quý (1849 - 1887)

Nguyễn Đức Quý người làng Hoành Sơn, xã Nam Kim Thượng, tổng Nam Kim, huyện Thanh Chương, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An nay là xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình, dòng họ có truyền thống khoa bảng. Ông là con của Cử nhân Nguyễn Đức Diệu, em họ Thám hoa Nguyễn Đức Đạt. Năm Bính Tý (1876), niên hiệu Tự Đức 29, đậu đệ Tam giáp Tiến sĩ (Song nguyên – Hoàng giáp) khoa Giáp Thân (1883), niên hiệu Kiến Phúc 1. 

Ông được bổ làm Biên tu sử quán. Khi kinh đô thất thủ (7 -1885), ông về làng chiêu tập nghĩa quân Cần vương, được Vua Hàm Nghi phong làm Tán tương quân vụ. Sau nghĩa quân yếu dần rút vào rừng núi. Ông về quê huy động lực lượng, bị mật báo, giặc Pháp bắt ông và con trai và bắn chết ngày 17 tháng 4 năm Đinh Hợi (1887). Ông được khắc tên vào bia đá dựng tại nhà thánh Hoàng Sơn để người đời tôn vinh.

Nguyễn Đức Vận (Phó bảng)

Ông người làng Hoành Sơn, xã Nam Kim Thượng, tổng Nam Kim, huyện Thanh Chương nay là xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là con của Cử nhân Nguyễn Đức Ký, cháu nội Cử nhân Nguyễn Đức Huy. Năm Duy Tân thứ 6 (1912), ông dự kỳ thi Hương khoa Nhâm Tý tại trường thi Nghệ An đậu Cử nhân. Năm 33 tuổi, nhằm khoa Bính Thìn niên hiệu Khải Định 1 (1916) ông dự kỳ thi Hội và đậu Phó bảng. Làm quan: Hành tẩu bộ Binh. Tại nhà Thánh Hoành Sơn, tên tuổi ông được khắc vào bia đá để đời đời tôn vinh.

Còn tiếp...

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Nhà Thánh Hoành Sơn: Thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền (Kỳ II)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.