Nhà Thánh Hoành Sơn: “Giữ hồn” di tích (Kỳ cuối)

23/10/2022 09:57

Theo dõi trên

Bao đời, nhà Thánh Hoành Sơn vẫn trầm mặc bên dòng Lam. Di tích có phần xuống cấp, không chỉ giữ gìn mà cần phải tôn tạo những “nét xưa cũ” in hằn trong tâm khảm người con Hoa Nam. Làm thế nào để vừa bảo vệ và phát huy giá trị nhà Thánh, lại không làm biến dạng thay đổi di tích...?

Tại hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII khai mạc sáng 24/11/2021 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ quan điểm: “văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất". Vì thể, "chúng ta có trách nhiệm phải giữ gìn, trân trọng và phát huy" và "nếu không là chúng ta có tội với lịch sử, là vong ân bội nghĩa với tổ tiên, cha ông".

Di sản văn hóa là yếu tố quan trọng, có tính quyết định để làm nên diện mạo, bản sắc riêng của một dân tộc hay một vùng văn hóa. Để mất di sản, dù chỉ là một phần, cũng chính là đánh mất bản sắc. Bảo tồn và phát huy di sản vì sự phát triển bền vững vừa là mục tiêu vừa là động lực của mỗi địa phương và của cả nước. 

Nhà Thánh Hoành Sơn - Bậc thầy về kiến trúc

Cùng với hệ thống các nhà thánh trên đất Nghệ An thì nhà thánh Hoành Sơn được đánh giá là di tích có niên đại khá sớm, trải qua hàng trăm năm vẫn giữ được cơ bản các yếu tố gốc. Cho thấy rằng, ý thức gìn giữ di sản văn hóa của cha ông trên mảnh đất này luôn được chú trọng, quan tâm từ đời này sang đời khác. 

z3821498678296-ada155ce848d3585a4921732bb561d29-1666454812.jpg
Kết cấu kiến trúc độc đáo của nhà thánh Hoành Sơn là một di sản quý, hiếm cùng với đình Hoành Sơn góp phần không nhỏ vào hệ thống di tích đặc sắc của vùng Khánh Sơn. Ảnh: Nguyễn Diệu

Nhà Thánh Hoành Sơn được xây dựng khoảng giai đoạn cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, các công trình kiến trúc gốc còn khá nguyên vẹn. Hiện khuôn viên nhà Thánh có tổng diện tích xây dựng 673,3m2, kết cấu kiểu chữ “Khẩu” bao gồm các công trình: Bái đường, Sân lộ thiên, Hậu cung, Tả vu, Hữu vu. Nhà Thánh có lối kết cấu vì kèo theo kiểu “giá chiêng, chồng rường, thượng giao nguyên hạ kẻ”, một lối kết cấu khá phổ biến ở Việt Nam trong giai đoạn thế kỷ XVII – XVIII. Kết cấu này kế thừa và phát triển kết cấu ở các thế kỷ trước, vừa đảm bảo sự chắc chắn, vừa đem lại sự thoáng đãng và có lợi thế về mặt trang trí.

Bái đường được xây dựng từ thời cuối Lê đầu Nguyễn, gồm 3 gian, 2 chái, 2 hồi kết cấu nằm ngang. Phía gian giữa có trổ lối ra vào, 2 gian 2 bên xây tường lửng, phía sau thông với sân lộ thiên. Bái đường được xây tường lửng với hệ thống cột trụ cao. Hai đầu bờ nóc đắp hình rồng uốn cong, bờ giải xây bằng gạch chỉ vữa tam hợp tạo thành những đường gân chắc chắn. Dưới lớp mái là hệ thống rui, hoành. 

z3821498646742-180fe189f9105f32cbd93ec8c621a225-1666454945.jpg
Nâng đỡ mái nhà Bái đường là bộ khung làm bằng gỗ lim với 4 bộ vì được thiết kế theo kiểu “thượng giao nguyên hạ kẻ”. Tổng cộng Bái đường 22 cột (trong đó có 14 cột cái và 8 cột quân) kê trên chân đá tảng hình vuông. Ảnh: Nguyễn Diệu

Sân lộ thiên (dân trong vùng quen gọi là giếng trời) nằm giữa 4 nhà. Theo các cụ cao niên trong làng thì sân lộ thiên có tác dụng thu hút ánh sáng tự nhiên và linh khí đất trời, vừa tạo sự thông thoáng cho di tích, vừa hun đúc thêm hoài bão, công danh cho con em làng Hoành Sơn.

Hậu cung được xây dựng từ thời cuối Lê đầu thời Nguyễn, gồm 3 gian, 2 chái, 2 hồi kết cấu nằm ngang; phía trước thông với sân lộ thiên, 2 gian 2 bên xây tường lửng. Hậu cung xây tường lửng với hệ thống cột trụ cao. 

z3748545512684-5a29e00c8f015619f66b3fadbb3944ef-1666455131.jpg
Sân lộ thiên có tác dụng thu hút ánh sáng tự nhiên và linh khí đất trời. Ảnh: Nguyễn Diệu

Hậu cung gồm 4 mái gồm 2 mái chính và 2 mái hồi, được lợp ngói âm dương. Nâng đỡ mái nhà Hậu cung là bộ khung làm bằng gỗ lim với hệ thống cột cái, cột quân, xà ngang, xà dọc liên kết với nhau bằng kỹ thuật lắp ghép mộng truyền thống tạo nên bộ khung nhà vững chắc, với 4 bộ vì được kết cấu theo kiểu “Thượng giao nguyên hạ kẻ”. Tổng cộng Hậu cung 22 cột (trong đó có 14 cột cái, 8 cột quân) kê trên chân đá tảng hình vuông. 

z3821498693509-10081b1153c9fe7f1595ff2a23ed7361-1666455009.jpg
Tả, Hữu vu gồm 3 gian 2 chái 2 hồi kết cấu nằm dọc. Phía trước thông với sân lộ thiên, 2 gian 2 bên xây tường lửng với hệ thống cột trụ cao. Tả, Hữu vu gồm 2 mái trước, sau, đều được lợp ngói âm dương. Bờ nóc xây tường bằng gạch chỉ, vữa tam hợp. Ảnh: Nguyễn Diệu

Nâng đỡ hệ thống mái là bộ khung nhà được làm bằng gỗ lim. Các bộ vì ở phía ngoài kết cấu như vì nóc kiểu “giá chiêng”. Các bộ phận phía trong được kết cấu như vì nách kiểu “chồng rường”. Điều đặc biệt là hệ khung của Tả, Hữu vu được gác trên các cột của Bái đường và Hậu cung. Hiện nhà Thánh có 10 hiện vật trong đó có 4 bia đá cổ. Đây là những hiện vật cổ, quý rất có giá trị của nhà thánh tồn tại hàng trăm năm. Những bia đá này không chỉ có giá trị về giá trị lịch sử, văn hóa mà còn là nơi lưu danh làng “khoa bảng” ở hệ thống làng, xã, tổng trong kho tàng lưu giữ văn hóa Việt Nam.

Cần tôn tạo di tích Nhà Thánh Hoành Sơn

Những ngày cuối tháng 10, mưa thõng thượt. Rong ruổi từ thành Vinh về vùng Khánh Sơn để tỏ tường “hình hài” nhà Thánh Hoành Sơn, một nét vẽ trong bức tranh di tích huyện Nam Đàn. 

Dọc triền đê, từng nếp nhà ẩn hiện sau lũy tre làng. Khuôn viên nhà Thánh lọt thỏm giữa cái mênh mông của đất trời, sự trù mật của người dân nơi đây. 

Nhẹ bước vào nhà Thánh, cái cảm giác thân thuộc ùa về, những tưởng đang trở về với quê hương, cội nguồn dân tộc. Nhà Thánh “đẹp”, cái đẹp bình dị, đơn sơ, mộc mạc. 

z3821498707871-e9da9f71069404d5e6a48fd1efe45565-1666455251.jpg
Phần mái bị trụt. Ảnh: Nguyễn Diệu

“Ta cứ đi tìm những cái hay, cái lạ ở quê người, điều đó không có gì đáng trách, nhưng ta vô tình hay hữu ý bỏ quên cái hay, cái đẹp của quê hương, dù ta có viện ra nhiều lý do nào đó để bảo vệ cho sự thờ ơ của mình, cũng là có lỗi với người xưa…”.

Ấy vậy, vẫn còn đó “vết tích” của bụi thời gian. Nhà Thánh xuống cấp, hay chính sự dễ dãi của bản thân mới cho rằng di tích này còn tốt, vững vàng và có thể ngó lơ hay bỏ mặc. Phải thật sự hiểu hết được những giá trị mà nhà Thánh mang lại thì mới trân quý được những gì mà di tích còn lưu giữ, chất chứa. 

Ngói âm dương chỗ tỏ, chỗ mờ (phần hư hỏng được thay bởi ngói mới) nhìn không đồng bộ, nham nhở. Chưa hết, phần mái bị trụt, chực chờ “gãy rụng”. Và theo lời lãnh đạo xã Khánh Sơn (cơ quan trực tiếp quản lý di tích) thì hiện nhà Thánh đã xuống cấp (khoảng 50%). Những phần xuống cấp tập trung chủ yếu ở vì, kèo và phần mái (cấu kiện gỗ bị hư hỏng), mái bị trụt, bia đá (1 tấm bia đá bị vỡ mất một phần)...  

z3821498696197-f14fcc2af80f05d818841cb99094c538-1666455320.jpg
Ngói âm dương chực chờ rơi xuống. Ảnh: Nguyễn Diệu

Làm cách nào để giữ gìn, phát huy những giá trị mà di tích mang lại? Đây chính là “tiếng lòng” của lãnh đạo địa phương cùng nhân dân “đau đáu”. Ngay từ việc xây dựng bản thuyết minh về nội dung giá trị di tích để giới thiệu, tuyên truyền cho du khách gần xa khi đến thăm viếng cũng cần phải gấp rút. 

Những dịp sóc, vọng, lễ, tết..., để thu hút quần chúng nhân dân cùng du khách tham quan thì cách bài trí thờ phụng trong nhà Thánh cũng phải hợp lý, khoa học. Hơn cả là việc mở rộng, quy hoạch lại khuôn viên di tích để phát huy giá trị lâu dài và có hiệu quả. 

Ngoài ra, việc tìm hiểu nghiên cứu thêm về các hoạt động văn hóa liên quan đến nhà Thánh để từng bước phục hồi, tổ chức các hoạt động tế lễ theo lễ truyền thống (tế đinh, lễ cầu khoa, lễ báo khoa) thật sự “khẩn thiết”. 

z3821498683086-bfe9813af793e24f007f89cc638328ea-1666455371.jpg
Nhà Thánh Hoành Sơn là công trình kiến trúc cổ kính, tồn tại hàng trăm năm, qua thời gian di tích đã bị xuống cấp, cần tôn tạo. Ảnh: Nguyễn Diệu

Việc kết hợp với nhà trường để tổ chức các hoạt động khuyến học, khuyến tài tại Nhà Thánh cũng cần được chú trọng. Không chỉ giúp các thế hệ trẻ, nhất là các em học sinh tìm hiểu về lịch sử, giá trị di tích mà còn hiểu hơn về lịch sử địa phương, dân tộc. 

Trùng tu, tôn tạo không thôi thì chưa đủ. Phần quan trọng khác là quan tâm đến việc phục hồi không gian văn hóa, khai thác các lễ hội tiêu biểu trở thành di sản phi vật thể. Qua đó, tập trung quảng bá, tạo sự liên kết thành chuỗi hệ thống di tích văn hóa trong vùng để có thể giới thiệu với du khách khắp nơi, góp phần phát triển du lịch văn hóa tâm linh. Có như vậy, nhà Thánh Hoành Sơn mới thực sự được “hòa nhập” với cuộc sống hiện đại.

z3821498652911-e291d66244e5ab02b972aebb436c054b-1666455499.jpg
z3821498664869-2ddd0545b494a15c61d48036c3920f75-1666455521.jpg
Một trong 4 bia đá tại nhà Thánh bị vỡ. Ảnh: Nguyễn Diệu

UBND tỉnh Nghệ An, Sở Văn hóa và Thể thao cùng xã Khánh Sơn cần kịp thời có kế hoạch để bảo tồn, tôn tạo nhà Thánh. Để những giá trị xưa cũ không bị bào mòn theo thời gian, để di tích là điểm đến, là sợi chỉ đỏ xuyên xuốt, nối dài quá khứ với hiện tại, và để đền phát huy hơn nữa những giá trị vốn dĩ đã trường tồn. 

Nhà Thánh Hoành Sơn hội tụ đầy đủ nhất tinh hoa văn hóa dân tộc; tâm huyết và ước nguyện của cư dân Nam Đàn cổ xưa và là một thế giới quan sống động “tạc” lại rõ nhất vẻ đẹp trong nếp sống của người dân Việt Nam lúc bấy giờ. Ngày 28/12/2018, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 5864 về việc xếp hạng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đối với nhà thánh Hoành Sơn đưa vào quản lý và có biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Nhà Thánh Hoành Sơn: “Giữ hồn” di tích (Kỳ cuối)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.