Đường lên dốc đến xã An Toàn khá xa, khúc khuỷu, quanh co bên sườn núi. Nhưng điều làm chúng tôi ngạc nhiên là đi đến đâu cũng nhìn thấy những ngôi nhà nho nhỏ, xinh xinh nằm dọc theo con đường hoặc bên bờ suối. Đó là những ngôi nhà kho mà người đồng bào dân tộc Ba Na dựng lên để cất giữ những tài sản quý giá nhất của gia đình mình.
Hình dáng của ngôi nhà kho giống ngôi nhà rông thu nhỏ, diện tích sàn khoảng 3 - 4m2, có 4 cột, mái, vách và 1 cửa ra vào để lấy, cất lương thực, nông sản. Ở dưới mỗi cây cột đi lên thường có một tấm ván tròn để ngăn chuột, rắn, rết bò vào nhà kho. Địa hình cất nhà kho phải gần mương, suối để bảo đảm an toàn phòng chống hỏa hoạn.

Trước kia nhà kho của người Ba Na dựng tại các gò đồi, ruộng lúa, nương rẫy để cất giữ bảo quản lương thực của gia đình. Bản tính của họ sống lương thiện, hiền lành, tự trọng, không có tính tham lam, tài sản của ai là của người nấy và không bao giờ lấy trộm của nhau.
Sau này do cuộc sống du canh du cư, một số người dân di cư từ đồng bằng lên miền núi sinh sống đã lấy trộm tài sản của họ tại các nhà kho nên họ đã dời nhà kho về gần nhà ở hoặc bên bờ suối cạnh nhà mình để trông coi bảo quản tài sản và dễ xử lý khi có hỏa hoạn.
Trong nhà kho chủ yếu là chứa lương thực, bắp, nông sản, rượu ché, mật đã thu hoạch, họ cất giữ để dành ăn quanh năm. Cất những thứ quý giá vào nhà kho họ có cảm giác an toàn không sợ mất cắp. Bởi vậy mà nhà kho chính là tài sản quý giá đối với bà con dân tộc Ba Na.
Một điều rất lạ và đặc biệt là theo tập tục của đồng bào Ba Na thì mỗi cặp vợ chồng sau khi cưới có nhà riêng mới được cất nhà kho, còn những cặp vợ chồng chưa có nhà riêng thì chưa được cất nhà kho mà phải để tài sản chung với bố mẹ.
Những ngôi nhà kho mang vẻ đẹp hoang sơ của đồng bào dân tộc Ba Na tại huyện miền núi An Lão ẩn mình bên sườn núi đã tạo nên nét đẹp độc đáo riêng biệt không nơi nào có được. Trong tương lai, nơi đây sẽ là một điểm du lịch đáng đến của du khách trên hành trình du ngoạn khám phá vùng đất Bình Định.
Theo Mỹ Bình (Làng Việt Online)