Nhà của người Phù Lá, Yên Bái

26/10/2015 09:09

Theo dõi trên

Người Phù Lá ở Yên Bái thường sống ở trên triền núi cao, mỗi làng ước tính khoảng chục gia đình ở rải rác, cách xa nương rẫy. Nhà ở của người Phù Lá có hai loại là nhà đất và nhà sàn.


Nhà ở của người Phù Lá thường không làm kiên cố

Người Phù Lá ở tỉnh Yên Bái cư trú chủ yếu ở huyện Văn Yên, một số rất ít sinh sống tại hai huyện Văn Chấn và Yên Bình với tập quán canh tác lúa nương truyền thống, cùng với kỹ thuật thủ công phát nương trọc lỗ, tra hạt. Họ ở nhà sàn, loại nhà sàn nhỏ, cột chôn với nhà to nhất có 4 gian, trung bình là nhà 2 gian, 3 gian, mỗi gian nhà của họ thường nhỏ vừa, không quá rộng. Nhà ở truyền thống của đồng bào thường có hai hàng cột, trước đây không thấy có nhà 3 hàng chân hay 4 hàng chân.

Nhà ở của người Phù Lá thường không làm kiên cố, vững chãi lâu dài. Bởi theo quan niệm dân gian và các phong tục cổ truyền trước đây, đồng bào thường bỏ nhà hoặc đốt bỏ mỗi khi trong nhà có người qua đời, họ chuyển tới một địa điểm mới và dựng nhà tại đó. Đồng bào nơi đây quan niệm rằng, mỗi khi có người qua đời sẽ mang lại những điều xấu xa, đen đủi. Do vậy, để xóa bỏ những vận đen đó người dân phải chuyển tới nơi ở mới.

Để chọn đất làm nhà, người dân không chọn tâm nhà, vị trí hướng mà họ lại quan tâm tới vị trí đặt bếp lửa. Bếp lửa có vai trò khá quan trọng trong đời sống của đồng bào, nó được nhóm cháy liên tục từ ngày này qua ngày khác. Do vậy, bếp lửa được đặt thẳng với “cửa ma” -  Nơi thờ có cắm vài cái lông gà, một tờ giấy vàng và một gói lá nhỏ giắt trên liếp, cửa này chỉ mở ra khi cúng lễ, đây chính là nơi thờ tổ tiên của đồng bào, vị trí quan trọng nhất trong nhà và là nơi diễn ra lễ cúng tổ tiên chính thức vào dịp tết Nguyên đán

Để chọn đất làm nhà mới, đồng bào mời thầy cúng tới xem đất dựng nhà và chọn nơi mà định đặt bếp lửa. Thầy cúng dùng một chiếc que gỗ nhỏ có hình tam giác cắm thẳng xuống đất, lấy 3 hạt thóc đặt chụm đầu vào 3 cạnh tam giác của cây cọc.

Một hạt thóc người dân quan niệm quay về phía chủ, một hạt quan niệm quay về phía lợn và một hạt quay về phía ruộng nương (gạo, thóc). Dùng một chiếc bát úp lên trên đó và thầy cúng đọc lời cúng khấn để xin thổ công, thổ địa cho phép được làm nhà. Sau một ngày đêm, đến sáng hôm sau mở ra, nếu thấy hạt thóc không xê dịch thì quan niệm đó là chỗ đất tốt và có thể dựng nhà ở. Nhà của người Phù Lá có hai loại:

Nhà đất: Vì kèo đơn giản nhất chỉ có một bộ kèo tam giác gồm hai kèo, một quá giang gác lên đầu tường và vì kèo này có khác ở chỗ vì kèo tam giác có thêm hai cột phụ bên ngoài tường. Cột phía sau không đấu vào kèo và cũng không có xà liên kết với tường. Còn cột phía trước đầu đấu vào đầu quá giang. Dạng vì kèo tam giác, bên ngoài tường phía trước có hai cột, một cột đứng sát vào tường và cột hiên. Cột hiên chỉ có xà ngang liên kết với cột bên trong.

Bên trong nhà, về gian hồi bên phải, giáp tường phía trước có giường. Đầu giường về bên trái có một đoạn vách ngăn với gian giữa. Giáp tường đầu hồi có bếp. Gian giữa, giáp tường hậu là một buồng nhỏ. Trên vách ngăn phía trước cửa buồng này treo bàn thờ tổ tiên. Gian hồi bên trái, giáp tường phía trước cũng có giường và vách ngăn như gian hồi bên phải. Lui về phía sau là bếp.

Nhà sàn: Trong nhà, hai gian bên phải và bên trái để trống. Gian giữa, về phía trước giáp vách là chạn bát, giữa nhà là bếp. Trên sàn ngoài nhà bên trái đặt cối giã gạo chày tay. Bàn thờ giáp vách hậu của gian thứ ba về bên trái.

Người Phù Lá thường sống ở trên triền núi cao, mỗi làng ước tính khoảng chục gia đình ở rải rác, cách xa nương rẫy.

Theo Dân Tộc Việt

Bạn đang đọc bài viết "Nhà của người Phù Lá, Yên Bái" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.