Người thầy đi qua tột cùng nỗi đau của chiến tranh

21/11/2015 23:51

Theo dõi trên

Nhớ thầy Hiệu trưởng đầu tiên Trường cấp 3 Đồng Hới – nhớ về người đi qua tột cùng nỗi đau chiến tranh.

 
Di ảnh thầy Hoàng Trọng Đoá

Trường THPT Đồng Hới tỉnh Quảng Bình mà tiền thân là trường cấp 3 Đồng Hới được thành lập từ năm 1966 trên cơ sở chia tách từ trường cấp 3 Quảng Bình. Từ đây, tên tuổi thầy Hiệu trưởng Hoàng Trọng Đoá gắn liền với nhà trường, gắn liền với nhiều thế hệ học sinh con em Đồng Hới trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất. Nhưng ít người biết thầy là người đã đi qua tột cùng nỗi đau của chiến tranh, nổi đau của mất mát.

Tôi không phải là lứa học sinh đầu tiên của cấp 3 Đồng Hới, mà đến năm 1969 mới trở về từ nơi sơ tán, theo học từ lớp 9, nhưng với thầy, tôi biết sớm hơn. Từ ngày thầy còn là giáo viện dạy bộ môn chính trị của cấp 3 Quảng Bình, vào thời điểm cấp 3 Quảng Bình sơ tán lên Vạn Xuân.

Ngày đó tôi lẽo đẽo theo các anh các chị lớp 8 cuốc bộ lên Vạn Xuân theo đường số 1, đến Văn La thì gặp thầy cũng "tay xách nách mang" rồi nhập đoàn cùng hành quân. Có thầy cùng đi ai cũng an tâm, vững dạ vì thầy thông thạo đường ngang ngõ tắt. Bến đò Trúc ly ngày đó còn chứng kiến cảnh thầy và trò đợi đò qua sông trong những đêm trăng sáng và "sáng trưng pháo sáng". Dưới luỹ tre làng dọc triền sông Quán Hàu - Long Đại, thầy Lương Duy Cán cần mẫn đọc thơ, bình văn cho học sinh nghe thì thầy Hoàng Trọng Đoá đi lại. Thầy quan sát bến sông, con đò, thầy nghe ngóng tiếng máy bay từ xa để kịp thời thông báo cho mọi người vào nơi ẩn nấp. Khi xuống đò, thầy sắp xếp cho mọi người lên hết trên đò rồi gò lưng cùng đẩy con đò rời bến. Bến đò Trúc Ly, bến đò Trần Xá, bến đò Long Đại cùng chứng kiến nhiều và rất nhiều lần như thế. Ở Vạn Xuân là giáo viên dạy chính trị, ban ngày thầy lên lớp giảng bài, tối thầy đi đến các thôn xóm có học sinh ở trọ để cùng vui với niềm vui của học trò và cùng chia sẻ nỗi buồn nhớ quê, nhớ gia đình, nhớ cha mẹ, anh em của học sinh xa xứ sống trên đất khách quê người. Qua đó thầy tìm hiểu tâm tư nguyện vọng hòan cảnh khó khăn của từng học sinh. Thầy sớm phát hiện những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có ý định thôi học, thầy rồi tìm cách khắc phục, tháo gỡ khó khăn. Nhiều học sinh vượt qua được khó khăn, tiếp tục học tập cho đến khi thành người và thành đạt vẫn không bao giờ quên công lao đó của thầy.

Trận ném bom đêm mồng 5 tháng 1 năm 1967 vào xóm Cồn Chùa có quả rơi đúng vào Văn phòng trường, thầy và một số giáo viên độc thân không hề hấn gì cũng là một duyên may vì ngay ngày đó thầy Đoá và các thầy còn độc thân phải tạm lánh đi nơi khác do hầm chữ A chưa làm xong, phía trên chỉ lát cây (rào) và mới đổ một lớp đất mỏng. Nếu không đêm đó thầy và nhiều thầy khác thường ngủ tại Văn phòng e khó thoát khỏi lưỡi hái của tử thần (à mà là đạn bom). Trận bom đó đi qua, chính các thầy Hoàng Trọng Đoá, Đoàn Viết Trình, Trần Trọng Kỷ, Lương Duy Cán cùng dân quân xóm Cồn Chùa tham gia đào bới cứu nạn. Chính tay các thầy gom nhặt từng phần thân thể các học sinh thân yêu của mình. 

Thiệt hại của trận ném bom đối với Cồn Chùa nói chung và nhà trường nói riêng là vô cùng lớn, sau trận bom ấy, thầy Đoá cũng như nhiều thầy khác “mất hết trơn” chỉ còn độc nhất bộ quần áo mặc trong người. Chiếc xe đạp Pháp và cái đài bán dẫn, được coi là vật bất ly thân, tài sản lớn nhất, kỷ niệm của thầy cũng tiêu tan không còn dấu vết.

Sau trận bom ấy một thời gian, đoàn nhà nhà văn Bungari - bà Blaga Đimitrôva được nhà thơ Xuân Hoàng đưa đến thăm trường, buổi tiếp diễn ra ngay tại văn phòng nhà trường còn khá sơ sài ngay tại vị trí cũ. Thầy Lương Duy Cán vừa chủ nhà kiêm luôn phiên dịch bằng tiếng Pháp chỉ tay về phía thầy Đoá và giới thiệu: Đây là ngài Hiệu trưởng Hoàng Trọng Đoá, năm nay 43 tuổi, người vừa cùng một số giáo viên nhà trường chúng tôi vừa thoát chết trong gang tấc bởi bom Mỹ ngay tại vị trí này. Bà trưởng đoàn cùng các thành viên chỉ biết há hốc miệng rồi đưa tay làm dấu "A-men ! Lạy Chúa". Buổi thăm viếng càng trở nên thân mật hơn, vượt qua cả thông lệ ngoại giao khi cả chủ (gồm Xuân Hoàng - Hoàng Trọng Đoá - Lương duy Cán) và khách đều dùng tiếng Pháp.

Còn nhớ chuyện này, ấy là vào năm 1969, khi bộ Giáo dục và trung học đưa đoàn khách của tổ chức “Vì Hoà Bình “của công đoàn Nhật Bản đến trường điều tra tội ác chiến tranh. Vì không chuẩn bị kịp cờ Nhật để đón đoàn, ai cũng lúng ta lúng túng. Thầy Đoá bàn với thầy Lê Hữu Khoảnh (dạy địa lý) lấy tấm bản đồ nước Nhật ra bàn để nói chuyện. Thầy Khoảnh cũng e ngại vì tấm bản đồ quá cũ lại rách nhiều chổ, đành phải sử dụng mà không có cách gì khác. Khi nhìn thấy tấm bản đồ Nước Nhật bị rách, tưởng làm phật lòng khách quý nào ngờ họ thích thú khi biết nước Nhật xa xôi cũng có mặt trong lòng Việt Nam và tham gia đánh Mỹ, có người thốt lên! Ôi tổ quốc tôi, nước Nhật. Còn cán bộ, bộ Giáo dục ta thì biết sự thiếu thốn khó khăn của trường để rồi… sẽ bổ sung. Lần đó họ xin trường cung cấp một sổ sổ sách, tài liệu, giáo án bị cháy sém mang về làm bằng chứng. Tên trường cấp 3 Đồng Hới cùng theo họ đi khắp bốn phương.
 
Thầy Hoàng Trọng Đóa và tột cùng của nỗi đau

Làng Văn La thuộc xã Lương Ninh là quê hương của thầy, làng cũng yên ả, thanh bình như bao làng quê Việt Nam khác. Đường quốc lộ 1 ngăn làng với sông, con sông Nhật Lệ từ bến phà Quán Hàu, xuôi về Đồng Hới ra biển. Làng và sông, sông và làng song hành đẹp như một bức tranh. Nơi đó có vợ và các con thầy sinh sống. Còn thầy quanh năm bám trường, bám lớp cùng với đám học trò Đồng Hới. Sáu tháng sau khi Mỹ ném bom Cồn Chùa mà thầy thoát nạn, cùng năm 1967, vào đêm 21/7/1967 (tức 26/8 âm lịch) một loạt bom Mỹ dội xuống làng Văn La, một quả rơi trúng 2/3 căn hầm chữ A. Nơi đó có vợ và 5 người con (2 trai 3 gái) của thầy trú ẩn. Đứa lớn nhất mới 12 tuổi và nhỏ dần đến bé út còn ẵm ngữa. Đứa lớn 12 tuổi nằm ngoài cùng, bị thương ở ngực, chỉ nghe tiếng gọi yếu ớt của mẹ rồi cũng bị ngất lịm, không biết gì nữa. Khi lực lượng dân quân du kích đến cứu, thì 4 đứa nhỏ đã mất. Vợ của thầy bị vùi sâu trong đất, khi đưa được lên khỏi mặt đất thì mọi cố gắng cứu chữa đều vô vọng. Như vậy cả thảy, vợ và 4 người con của thầy đều mất tại căn hầm chữ A đó. Duy nhất sống sót là người con trai lớn, được đưa đi cứu chữa, cùng với nhiều nạn nhân khác. Nhận được tin dữ, thầy tức tốc về và khi đối mặt với sự thật, thầy đã ngất lịm đi nhiều lần trong đau đớn. Tỉnh lại, thầy lại tức tốc xuống bệnh viện huyện – nơi người con duy nhất còn sót lại đang cận kề cái chết. Trên đường băng đồng hai làng Văn La, Lương Yến khi thấy tốp người khiêng võng trở về làng, nghĩ rằng đã hết hy vọng cuối cùng thầy lại ngất lịm. Nhưng may thay, niềm hy vọng, an ủi duy nhất ấy của thầy như được một thế lực siêu nhiên nào đó cứu độ. Cậu ta chỉ bị thương không nặng, đang được đưa trở về điều trị ở Bệnh xá xã được đặt dưới lòng địa đạo Văn La.

Ngay sau khi cùng bà con lo xong hậu sự cho vợ và bốn đứa con, ông lại trở về trường tiếp tục công tác, để đứa con còn lại cho bà con, làng xã điều trị, chăm sóc. Quãng đời còn lại ông lấy công tác ở trường làm niềm vui, lấy học trò làm bạn. Những đau thương, mất mát và sự cô đơn được ông giấu kỹ trong lòng, ít tâm sự cùng ai. 

Người con trai cả sau khi điều trị vết thương tương đối lành, cháu ruột thầy là anh Lê Bá Thoanh đến đón và nói đưa về thăm nhà nhưng lại chở bằng xe đạp ra thẳng khu đồi phía tây của làng. Khi nhìn thấy năm nấm mồ còn mới, mới biết đó là mộ của mẹ và 4 người em của mình... mà chẳng nói nên lời. Khi những cây hương thắp trên mộ chưa tàn hết, hai anh em đã lên đường về phía Cồn Chùa. Hai cha con ở nhà hầm của trường cấp 3 Đồng Hới, đi học ở Trạng một học kỳ. Cũng vì lý do trên nên thầy quyết định để nấm ruột còn lại của thầy lại lên đường ra Thanh Hóa (K8) theo chủ trương của Đảng và nhà nước, thầy còn lại một mình. 

Còn nổi đau nào lớn hơn nỗi đau tột cùng ấy!

Thay cho lời kết


Người ta thường nói: "Đằng sau sự thành công của người đàn ông bao giờ cũng có bóng hình và sự hy sinh thầm lặng của người phụ nữ". Điều này có thể đúng cho nhiều người, trong nhiều hoàn cảnh nhưng với thầy e chưa đúng, bởi với tư cách người vợ bà đã bỏ thầy mà ra đi khi ông mới ngoài 40 tuổi. Với tư cách người mẹ, bà ra đi, để lại người con trai duy nhất khi mới 12 tuổi. Nếu còn, thầy cũng ngót nghét 90. Người con trai duy nhất còn lại của ông bà nay cũng đã bước sang tuổi lục tuần.

Người viết xin nhường lời cho người con trai của thầy nói về mẹ của mình trong mùa Vu lan Ất Mùi - 2015 (đăng trên trang cá nhân của anh ấy) như sau:

"Món nợ đời tôi không bao giờ trả được với Mạ"


Năm ấy, quê tôi chìm trong bom đạn chiến tranh, mọi thứ về vật chất cái gì cũng thiếu. Dù là con cả trong nhà gồm năm anh em, tôi cũng chỉ ngoài mươi tuổi. Ba công tác ở xa nên việc nhà một tay Mạ lo toan vẹn toàn.

Vào một ngày hè, tôi xin Mạ được theo mấy anh lớn tuổi hơn ở trong xóm vào rừng lấy củi. Mạ nói: “Chuyện củi đuốc Mạ đâu để thiếu, con còn nhỏ, chưa đi củi bao giờ, đường lại xa. Thôi, để vài năm nữa”. Tôi vẫn nằn nì xin đi cho bằng được. Cuối cùng, Mạ nở một nụ cười “tinh quái” (lúc ấy tôi nghĩ thế) nói: “Mạ mà không đi guốc trong bụng anh ấy à !”

Sáng sớm hôm sau, khi tôi còn ngái ngủ, Mạ đã gọi: “Thế anh cả không đi củi nữa à?” Tôi vùng dậy đã thấy tất cả được chuẩn bị sẵn sàng: Cái đòn xóc, cây rạ, bi đông nước và nhất là mo cơm nắm. Cái mà tôi vồ lấy đầu tiên chính là mo cơm nắm ấy. Mạ cười, mắng yêu: “Cha tổ anh!”. Bây giờ thì tôi đã hiểu nụ cười “tinh quái’ của Mạ hôm qua. Bà biết tỏng tôi nằng nặc đòi đi củi cho bằng được cũng chỉ vì cái mo cơm ấy. Ở nhà thì làm gì có cơm không độn sắn, khoai, lại còn một mo to tướng nữa!

Cũng vì không biết lượng sức, tôi tham, nhờ các anh bó to, cao, nên khi gánh vừa nặng, đau vai, bó củi chạm đất ở những đoạn dốc. Thật dở khóc dở cười!

Chiều xuống, trời đã nhá nhem, tôi mới ra khỏi cửa rừng, sau khi đã làm khổ mấy anh cùng đi. Tôi quyết định bảo mấy anh về trước, còn mình tụt lại về sau.

Thế rồi, ở một chặng, trong khi ngồi nghỉ bên bụi cây, tôi nghe tiếng gọi tên mình. Trời ơi, tiếng gọi của Mạ! Bất chợt, tôi đạp từng bó củi đổ dúi xuống, còn mình thì chui vô bụi trốn. Đợi Mạ đi qua về phía cửa rừng, tôi lại gánh về phía làng mình. Môi tôi đượm vị mặn, không biết đó là vị mồ hôi hay nước mắt tôi nữa. Lúc đó, nếu đã khóc, có lẽ chỉ vì sự tự ái của tôi (bây giờ các bạn trẻ gọi là “sĩ diện”), tôi đâu có nghĩ được cho Mạ mình vừa mới sinh em bé chưa bao lâu.

Cứ như vậy, từng chặng, từng chặng, cuối cùng tôi cũng về đến nhà. Trên từng chặng ấy Mạ vẫn theo sau tôi. Tôi và Mạ, cả hai đều biết, nhưng cả hai đều coi như không biết!

Không bao lâu sau ngày tôi được Mạ cho đi củi và được Mạ vào tận cửa rừng để “ngừa” ấy, Mạ và bốn em tôi mãi mãi ra đi trong một đêm kinh hoàng bởi bom Mỹ ném trúng hầm.

Ngót nghét năm mươi năm qua, trên từng bước đời mình, tôi biết rất rõ: mọi lúc, mọi nơi, phía sau tôi, Mạ vẫn theo như vậy.

Nhưng tôi không bao giờ nói được với Mạ, dù chỉ mấy tiếng: “CON XIN LỖI MẠ”...

 
Manh Doan

Bạn đang đọc bài viết "Người thầy đi qua tột cùng nỗi đau của chiến tranh" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.