Ngôi Miếu nổi 3 thế kỷ ở Sài Gòn

12/10/2016 14:50

Theo dõi trên

Nằm trên một cù lao nhỏ giữa sông Vàm Thuật (một nhánh của sông Sài Gòn, P.5, Q. Gò Vấp, TP.HCM), miếu Phù Châu (còn gọi là Miếu nổi) được hình thành cách đây ba thế kỷ…



Miếu Phù Châu được xây dựng gần như bao trùm trên một cù lao nhỏ có hình bàn chân với diện tích khoảng 2.000 m2 giữa sông Vàm Thuật.

 
Miếu Phù Châu được xây dựng gần như bao trùm trên một cù lao nhỏ có hình bàn chân với diện tích khoảng 2.000 m2 giữa sông Vàm Thuật đoạn chảy qua Q.Gò Vấp và Q.12 (xưa được gọi là Bến Cát). Do địa hình khá đặc biệt nên còn có tên gọi dân gian là Miếu nổi. Để qua được miếu, du khách gửi xe và đi đò với giá 10.000 đồng/khách (tính cả lượt đi và về).

Cách đây 300 năm (thời vua Gia Long), nơi đây chỉ là một cồn nhỏ giữa sông (nay thuộc P.5, quận Gò Vấp). Có nhiều truyền thuyết kể về sự hình thành của miếu Phù Châu. Tương truyền cách đây hơn trăm năm, có một ngư dân đang đánh bắt cá thì vớt được pho tượng – bà con cho rằng là tượng bà Thủy Tề; từ đó người dân lập ngôi miếu thờ bà Thủy Tề tại cồn đất bỏ hoang. Các tiểu thương, tàu thuyền khi đi ngang miếu thường đến viếng cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, buôn may bán đắt.

Trước năm 1975, Phù Châu miếu được người dân, khách thập phương đến cúng viếng rất đông. Tuy nhiên sau đó một thời gian miếu bị bỏ hoang, ông Lục Câu (người gốc Hoa, sinh sống tại địa phương) đã tự đứng ra bỏ tiền và vận động hàng xóm xung quanh trùng tu lại miếu. Việc phác thảo, đắp hình tượng tại miếu đều do ông Lục Câu thực hiện. Sau nhiều lần trùng tu, Phù Châu miếu đã trở nên khang trang và lối kiến trúc đặc sắc pha lẫn nét văn hóa Việt – Hoa.



 
Du khách thập phương thăm miếu Phù Châu
 
Ngay cổng vào là đôi rồng to và dài hơn chục mét được đắp nổi và cẩn bằng sứ uốn lượn với tư thế “song long đấu đầu”. Ngay cổng tam quan cũng có hai con rồng uốn lượn quanh trụ. Trên mái, mỗi góc đều trang trí rồng chầu hạt ngọc, rồng chầu tháp Cửu phẩm, rồng chầu cuốn thư. Ngoài ra, tại bốn đầu đao cong lên có gắn hình tượng Long, Ly, Quy, Phụng.

Miếu được nâng đỡ bởi những cây cột. Mỗi cây cột đều có con rồng đang uốn lượn bao quanh. Tất cả đều được cẩn sứ và lắp ghép cẩn thận, tỉ mỉ. Tổng quan kiến trúc miếu được thiết kế với nhiều hình tượng tín ngưỡng dân gian mang màu sắc vật linh giáo của người Hoa. Hai bên tường với bức phù điêu Thập Bát La Hán. Khu tiền điện thờ Phật Tổ Như Lai, Phật Di Lặc, Địa Mẫu; phía bên hông là Quan âm Chuẩn Đề.

Trong điện thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), Tề Thiên Đại Thánh, Bà Chúa Xứ Châu Đốc và Cửu Huyền, Quan Công, Bao Công, Kim Mẫu, Long Thần, Hộ Pháp, Thần Ngũ Hổ… Toàn bộ kiến trúc trong miếu đều được trang trí tinh xảo. Cũng chính vì thế mà miếu Phù Châu đã được công nhận là di tích kiến trúc cấp thành phố.

Cũng theo ông Lục Câu, hằng năm, cứ tới ngày 15/2 (âm lịch), du khách thập phương lại về miếu để Lễ vía Bà. Vài năm trở lại đây, khách nước ngoài cũng thường xuyên đến để tham quan, tìm hiểu về lối kiến trúc độc đáo của miếu Phù Châu.

Miếu Phù Châu nằm cách biệt thành phố, với bốn bề sông nước êm đềm. Miếu nổi là một trong số ít ngôi miếu còn lưu giữ được vẻ hoang sơ của một Sài Gòn xưa. Đứng ở đây du khách chỉ nghe thấy tiếng tàu thuyền chạy trên sông, nghe tiếng nước vỗ vào bờ đá quanh miếu.

Xung quanh khuôn viên có cây si cổ thụ tồn tại gần 100 năm với ghế đá, dành cho du khách đến nghỉ chân. Đây cũng là nơi lý tưởng cho những ai muốn thanh tĩnh tâm hồn và muốn hòa mình vào thiên nhiên.

(Theo Baodulich.net.vn)

Hoàng Nam
Bạn đang đọc bài viết "Ngôi Miếu nổi 3 thế kỷ ở Sài Gòn" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.