Ngay từ khi mới thành lập, nhiều vị cao tăng đã tới chùa Tĩnh Lự tu hành và truyền dậy Phật Pháp. Thiền sư Thảo Nhất, ông Tổ thứ 15 của Thiền phái Tỳ - Ni - Đa - Lưu - Chi là một điển hình. Ông chính là người truyền pháp cho đệ tử của mình là Tổ Chân Không - người được vua Lý Nhân Tông kính trọng, mời về Kinh thành giảng kinh Pháp Hoa.
Sau 3 năm khẩn trương trùng tu xây dựng, năm 1648, chùa được hoàn thành. Văn bia “Tĩnh Lự thiền tự bi” do Tiến sĩ Nguyễn Duy Thì phụng soạn ghi rõ: “Chùa làm theo hướng cũ, rộng và dài, to nhiều so với trước. Tiền đường có 4 cửa cao rộng, tả hữu có dãy hành lang, thềm ngoài có cột bao quanh bằng đá, giữa chùa có lồi lên kè đá. Ngoài chùa có bia đá lớn đặt trong nhà đá 4 chân cột, mái che chồng diêm 8 mái, cũng bằng đá. Nội tự có tòa sen óng ánh, trong tam bảo có bức hoa sen chín tầng rực rỡ, chạm khắc tượng Đức Phật giáng lâm và 3.000 tòa đặt tượng La Hán lung linh”. Văn bia cũng cho biết, sau khi được trùng tu, Tĩnh Lự là một trong ba đại danh thắng ở vùng Đông-Bắc thế kỷ 17 (cùng với chùa Yên Tử và chùa Phả Lại).
Cần được bảo tồn
Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian, dấu tích cổ xưa của chùa Tĩnh Lự bị phai mờ hoang phế. Đến hôm nay, Tĩnh Lự chỉ còn là một ngôi chùa nhỏ, kiến trúc đơn sơ do chính quyền và nhân dân địa phương phục dựng trên nền đất cũ với các hạng mục chính: Tam bảo, nhà mẫu, nhà khách.
Năm 2009, Đại đức Thích Minh Đạt đảm nhận chức vụ trụ trì chùa Tĩnh Lự. Suốt thời gian ở đây, thầy Đạt tập trung nghiên cứu sử sách, thư tịch cổ và sưu tầm được nhiều tài liệu, hiện vật quý giá, được các nhà nghiên cứu đánh giá cao và nhận được sự tín nhiệm của chính quyền, nhân dân địa phương. “Qua nghiên cứu sử sách, tôi biết đây là ngôi chùa cổ nằm trên vùng đất thiêng. Vì thế, tôi luôn mong muốn tìm kiếm được những dấu tích, hiện vật còn sót lại nhằm khẳng định tầm vóc và quá trình tồn tại lâu dài cùng lịch sử của chùa Tĩnh Lự…”, Đại đức Thích Minh Đạt chia sẻ.
Đến nay, thầy Đạt đã dày công thu thập được nhiều hiện vật, trong đó nổi bật là hai chân tảng tạo tác bằng đá sa thạch màu xám vàng, trang trí hoa văn cánh sen, giống kiểu chân tảng của chùa Dạm và chùa Phật Tích. Mảnh gạch đất nung bề mặt khắc nổi hoa cúc dây dùng để trang trí, lát nền và tượng chim uyên ương bằng đất nung dùng để trang trí trên đầu ngói lợp mái là những vật liệu được sử dụng phổ biến trong các công trình kiến trúc lớn thời Lý - Trần.
Theo ông Nguyễn Hồng Tính, Trưởng phòng Quản lý di tích Quốc gia đặc biệt (Ban Quản lý di tích tỉnh), năm 2014, đơn vị phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật thám sát tại chùa Tĩnh Lự. Những hiện vật thu thập được trong đợt khai quật cùng với hiện vật do thầy Đạt sưu tầm được đã xuất lộ những dấu vết kiến trúc của ngôi chùa. Trong thời gian tới, cần tiếp tục khai quật, nghiên cứu địa điểm chùa Tĩnh Lự trên một diện rộng nhằm tìm hiểu toàn diện về tổng thể mặt bằng kiến trúc cũng như hệ thống di vật của ngôi chùa, từ đó nghiên cứu mối quan hệ chùa Tĩnh Lự trong tổng thể hệ thống các di tích thời Lý trên quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Một thời vàng son, nhiều triều đại là Quốc tự, chùa Tĩnh Lự là một di sản về lịch sử văn hóa của dân tộc nằm khuất nẻo và ít người biết đến đang cần được bảo tồn, tôn tạo khang trang, tố hảo để nơi đây không chỉ là chốn thờ tự tâm linh mà còn đền đáp công đức của tiền nhân đã có công xây dựng, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đạo Phật, làm giàu thêm truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
(Theo Báo Bắc Ninh)