Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống đam mê nhạc tài tử và nhạc Lễ dân gian Nam bộ, thuở nhỏ trừ những lúc đi học văn hóa ở trường làng, cậu bé sinh năm 1938 Trương Văn Tự (tên thật của NSƯT Ba Tu) rất đam mê đờn ca. Sự hiểu biết về các làn điệu của nhạc mục tài tử - cải lương là do ông học từ các thầy: Chín Phàn, Hai Đạm, Hai Võ và Bảy Quế. Họ là những nghệ nhân có ngón đờn độc đáo ở địa phương. Hơn 10 năm thọ giáo với những người thầy vừa kể trên, khi chưa tròn tuổi 20, người nhạc sĩ sinh năm 1938 không chỉ được mến mộ vì sở hữu ngón đờn kìm điêu luyện, mà ông còn đờn thành thạo các loại nhạc cụ khác như: Cò, tranh, sến, violon… được nhạc giới và công chúng hết lời ngợi khen. Đến nay, dù tuổi cao sức yếu, nhưng người nghệ sĩ của quê hương Cần Đước - Long An vẫn lên sân khấu cùng thế hệ con cháu hòa đờn tài tử. Đặc biệt, ông vẫn dạy học trò theo ý nguyện, truyền thụ ngón đờn kìm “độc nhất vô nhị” để nâng bước thế hệ nhạc công trẻ phát triển ngón nghề. Ngoài ra, ông đã hoàn thành bộ đĩa CD độc tấu đờn kìm 20 bài bản Tổ của nhạc tài tử Nam bộ cho tỉnh Long An để bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của di sản “đặc thù” vùng đất phương Nam mà các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp. Với ngón đờn tinh hoa bậc nhất, với những cống hiến cho âm nhạc cổ truyền Nam bộ, NSƯT - danh cầm Ba Tu được nhạc giới và công chúng hết mực yêu thương. Họ trân quý ông như “báu vật nhân văn sống” của di sản văn hóa phi vật thể thế giới trên vùng đất phương Nam.
Theo dòng chảy chung của nghệ thuật ĐCTT, ngay từ thuở mới hình thành cho đến nay, đất Nam bộ đã xuất hiện nhiều soạn giả, danh cầm, danh ca xuất sắc. Không chỉ có nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, NSƯT Ba Tu; xứ sở hiền hòa này còn xuất hiện rất nhiều nghệ nhân vang danh khắp miền Nam - Bắc. Trước những nghệ nhân tiêu biểu đó, khó mà khẳng định ai giỏi hơn ai, vì mỗi người có nét độc đáo và phong cách riêng. Tuy nhiên, họ có một điểm chung là đã tích cực góp phần vào việc kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương Nam bộ, làm phong phú thêm kho tàng nhạc tài tử miền Nam và góp phần giúp nó trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.