Nghệ nhân tiêu biểu của nhạc tài tử Nam bộ

Trong quá trình khẩn hoang và hình thành vùng đất Nam bộ, người Nam bộ sáng tạo ra một dòng âm nhạc vô cùng đặc sắc, đó là nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT). Do mang giá trị nghệ thuật độc đáo và có tầm ảnh hưởng sâu rộng, hiện nay ĐCTT không chỉ là tài sản chung của 21 tỉnh, thành khu vực phía Nam, mà còn được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (gọi tắt là UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thành quả tốt đẹp này là do công lao đóng góp của nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển nhạc tài tử Nam bộ. Xin điểm qua chân dung hai nghệ nhân tiêu biểu có nhiều cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và phát triển phong trào ĐCTT của vùng đất phương Nam.
 

Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - “Cây đại thụ” của âm nhạc cổ truyền Nam bộ.


 
Là con thứ 6 trong gia đình có 4 trai, 3 gái đều yêu thích dòng nhạc dân gian dân tộc; từ lúc 5 tuổi, Nguyễn Vĩnh Bảo-người nhạc sĩ sinh năm 1918 tại làng Mỹ Trà, thuộc vùng đất Cao Lãnh - Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã biết chơi đờn kìm, đờn cò và một số loại nhạc cụ dân tộc khác.Thập niên 50 và 60 của thế kỷ trước, không chỉ là nhạc sư dạy đàn tranh, mà ông còn đảm nhận vai trò Trưởng ban cổ nhạc miền Nam tại trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh ngày nay). Ngoài ngón đờn tranh điêu luyện, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được xem là “bậc thầy” trong việc nghiên cứu và truyền dạy nhạc cổ truyền Nam bộ. Đặc biệt, công lao của ông rất lớn khi cùng GS-TS Trần Văn Khê thu âm đĩa nhạc đờn ca tài tử đầu tiên theo lời mời của tổ chức UNESCO tại Pháp, để sau đó, đĩa nhạc này là một trong những tư liệu quý giá góp phần giúp cho thể loại âm nhạc độc đáo này được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đặc biệt, ông là người đầu tiên sáng chế loại đàn tranh cải tiến từ  16 dây ra loại đàn tranh có kích thước lớn hơn với 17, 19 và 21 dây, giúp người nghệ nhân có thể đờn các loại hơi điệu của nhạc tài tử mà không cần sửa dây, kéo nhạn. Từ sau ngày nghỉ hưu đến nay, người nhạc sĩ tài hoa này vẫn tiếp tục dạy nhạc và đóng đờn tại gia. Ngoài ra, ông cũng đi diễn thuyết, giới thiệu và trình tấu nhạc tài tử ở nhiều nước trên thế giới. Giống như cố GS-TS Trần Văn Khê, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho âm nhạc dân tộc. Ông xứng đáng được tôn vinh là một trong những “cây đại thụ” của âm nhạc cổ truyền Nam bộ.

NSƯT Ba Tu - “Đệ nhất nguyệt cầm” trứ danh


 
Nói đến sự hình thành và phát triển nghệ thuật ĐCTT từ đầu thế kỷ 20 tới nay, có rất nhiều nghệ nhân có những đóng góp quan trọng, giúp cho di sản văn hóa phi vật thể này được lưu truyền trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam hơn một thế kỷ qua. Trong số những nghệ nhân tiêu biểu đó có NSƯT - danh cầm Ba Tu, ở ấp Rạch Bộng, xã Tân Lân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống đam mê nhạc tài tử và nhạc Lễ dân gian Nam bộ, thuở nhỏ trừ những lúc đi học văn hóa ở trường làng, cậu bé sinh năm 1938 Trương Văn Tự (tên thật của NSƯT Ba Tu) rất đam mê đờn ca. Sự hiểu biết về các làn điệu của nhạc mục tài tử - cải lương là do ông học từ các thầy: Chín Phàn, Hai Đạm, Hai Võ và Bảy Quế. Họ là những nghệ nhân có ngón đờn độc đáo ở địa phương. Hơn 10 năm thọ giáo với những người thầy vừa kể trên, khi chưa tròn tuổi 20, người nhạc sĩ sinh năm 1938 không chỉ được mến mộ vì sở hữu ngón đờn kìm điêu luyện, mà ông còn đờn thành thạo các loại nhạc cụ khác như: Cò, tranh, sến, violon… được nhạc giới và công chúng hết lời ngợi khen. Đến nay, dù tuổi cao sức yếu, nhưng người nghệ sĩ của quê hương Cần Đước - Long An vẫn lên sân khấu cùng thế hệ con cháu hòa đờn tài tử. Đặc biệt, ông vẫn dạy học trò theo ý nguyện, truyền thụ ngón đờn kìm “độc nhất vô nhị” để nâng bước thế hệ nhạc công trẻ phát triển ngón nghề. Ngoài ra, ông đã hoàn thành bộ đĩa CD độc tấu đờn kìm 20 bài bản Tổ của nhạc tài tử Nam bộ cho tỉnh Long An để bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của di sản “đặc thù” vùng đất phương Nam mà các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp. Với ngón đờn tinh hoa bậc nhất, với những cống hiến cho âm nhạc cổ truyền Nam bộ, NSƯT - danh cầm Ba Tu được nhạc giới và công chúng hết mực yêu thương. Họ trân quý ông như “báu vật nhân văn sống” của di sản văn hóa phi vật thể thế giới trên vùng đất phương Nam.

Theo dòng chảy chung của nghệ thuật ĐCTT, ngay từ thuở mới hình thành cho đến nay, đất Nam bộ đã xuất hiện nhiều soạn giả, danh cầm, danh ca xuất sắc. Không chỉ có nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, NSƯT Ba Tu; xứ sở hiền hòa này còn xuất hiện rất nhiều nghệ nhân vang danh khắp miền Nam - Bắc. Trước những nghệ nhân tiêu biểu đó, khó mà khẳng định ai giỏi hơn ai, vì mỗi người có nét độc đáo và phong cách riêng. Tuy nhiên, họ có một điểm chung là đã tích cực góp phần vào việc kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa của quê hương Nam bộ, làm phong phú thêm kho tàng nhạc tài tử miền Nam và góp phần giúp nó trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Thạc sĩ Phạm Thái Bình

Nguồn: Báo Bình Dương

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-nhan-tieu-bieu-cua-nhac-tai-tu-nam-bo-a10132.html