Người con của mảnh đất Hưng Yên giàu truyền thống lịch sử, văn hoá tốt đẹp
Cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng 50km, chúng tôi có mặt tại một miền quê văn hiến. Mảnh đất hết đỗi bình yên và vẫn giữ được cho mình nét bình dị vốn có, trước sự công nghiệp hoá và đô thị hoá. Để gặp gỡ một người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi, với hơn 40 năm trong việc bảo tổn và phát huy đạo Mẫu - Đạo của người Việt - Nghệ nhân Đào Thị Tự, thủ nhang điện Đức Linh Quang, thôn Tạ Thượng, xã Chính Nghĩa (Kim Động - Hưng Yên).
Nhắc đến Hưng Yên, là nhắc đến quê hương của phong trào khởi nghĩa Bãi Sậy, đã từng một thời nổi danh trong cả nước. Không quá khi nói: Đây là mảnh đất văn hiến, nơi sinh ra những danh nhân, hay cái nôi của cách mạng, qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Kể đến như: Danh tướng Phạm Ngũ Lão; Hoàng Hoa Thám; Nguyễn Thiện Thuật; Nhà cách mạng Lê Văn Lương; Nguyễn Văn Linh; Tô Hiệu;… Cùng nhiều điển tích, điểm danh lam thắng cảnh, văn hoá độc đáo. Thu hút nhiều du khách thập phương đến chiêm bái.
Giống như bao người dân Bắc Bộ khác, người dân Hưng Yên cũng yêu cây đa, yêu giếng nước, sân đình - Đó là những nét đặc trưng, gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ tươi đẹp. Nhưng nếu nhắc đến Hưng Yên, thì thứ khiến chúng ta liên tưởng đầu tiên, đó là nhãn lồng - Một thức quả đặc trưng, của người dân nơi đây. Nhãn lồng Hưng Yên: To, tròn, vỏ mỏng, cùi dày, ngọt đậm và nhiều nước. Trái nhãn lồng Hưng Yên, cũng giống như tình cảm của con người mảnh đất này. Luôn tròn đầy, dạt dào và ngọt ngào - Chưa đi đã nhớ, chưa về đã thương.
Người phụ nữ can trường, nghệ nhân mẫu mực
Hưng Yên cũng là quê gốc của cụ Hoàng Thị Loan - Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Người phụ nữ đã dành cả cuộc đời, tần tảo vì chồng con, vì cách mạng. Một hình ảnh mẫu mực của người phụ nữ Việt Nam - đảm đang, can trường, đức độ. Tấm chân dung đó, cũng là những gì mà chúng tôi thấy được, từ nghệ nhân Đào Thị Tự. Hơn 40 năm bảo tồn và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng là bấy nhiêu năm tháng thăng trầm của cuộc đời bà. Từ đó khuôn đúc nên người phụ nữ can trường, nghệ nhân mẫu mực.
Nghệ nhân Đào Thị Tự bồi hồi chia sẻ. “Trước đây gia đình cô vất vả lắm. Ngày cô về làm dâu, được một năm thì mẹ chồng cô mất. Hai vợ chồng tần tảo, nuôi 4 người con ăn học. Chồng cô thì không được khoẻ. Mọi việc trong nhà thường một tay cô vun vén cả. Thời điểm đó, gia đình cô thuộc diện nghèo trong xóm. Nhà tranh vách đất, thì còn gì khổ hơn. Mùa đông gió lùa vào tận giường, mùa hạ thì mưa dột. Cũng không ít lần cô có suy nghĩ buông xuôi, mặc kệ, đến đâu thì đến. Ấy thế mà chưa lần nào, cô có ý định từ bỏ việc thờ phụng phật thánh. Có lẽ thời kỳ đó, phật thánh là đức tin lớn nhất của cô. Giúp cô vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để có ngày bây giờ. Đến nay, gia đình cô đã khá giả hơn, có của ăn của để. Chắc là do các con cũng thấy bố mẹ vất vả, từ đó chịu khó học hành, làm ăn.”
“Sống ở trên đời, thì chữ đức, chữ hiếu phải luôn đặt lên hàng đầu. Kính trên, nhường dưới, sống chan hoà với tất cả mọi người, từ già đến trẻ. Phải làm gương cho con cái, cho đệ tử noi theo. Chính vì vậy đến thời điểm này ai cũng yêu thương, quý trọng cô. Đấy là phần đời, còn về đạo: Là người hành đạo chân chính, phải một lòng, một dạ tin vào phật thánh. Thờ phụng phải bằng cái tâm trong sáng. Không vụ lợi, lợi dụng phật thánh để làm những điều trái với luân thường đạo lý, trái với pháp luật. Luật pháp có thể bỏ sót, những việc làm sai trái của con người, nhưng luật nhân quả thì không chừa một ai. Cô luôn cố gắng giữ trọn đạo, vậy nên cô và gia đình mới được hưởng phước, cho đến tận bây giờ.” - Nghệ nhân Tự tiếp tục tâm sự.
"Bản thân cô, cũng đang ngày ngày tự học hỏi rất nhiều. Vậy nên cô cũng mong muốn, các thanh đồng trẻ, những thế hệ đi sau, đã và đang nối đạo. Hãy cố gắng trau dồi đạo đức bản thân, và lề lối đúng đắn của đạo nhiều hơn nữa. Để đạo của người Việt ta, mãi trường tồn với thời gian. Xứng đáng với những gì mà tổ chức UNESCO thế giới ghi nhận." - Nghệ nhân Đào Thị Tự gửi gắm tâm niệm.
Hiểu được những vất vả của bản thân và gia đình đã từng trải qua. Nghệ nhân Đào Thị Tự luôn tích cực hưởng ứng, những hoạt động an sinh xã hội của địa phương, chính phủ, hoặc cơ quan báo đài phát động. Chung tay giúp đỡ bằng tinh thần và cả vật chất. Bà vinh dự nhận được rất nhiều chứng nhận, giấy khen, bằng khen và kỷ niệm chương của một số cơ quan trao tặng, từ những đóng góp nhỏ bé của bản thân, cho hoạt động tín ngưỡng, văn hoá xã hội, trong nước và quốc tế. Hiện tại, nghệ nhân Đào Thị Tự đang là thành viên ưu tú, của Câu lạc bộ đạo Mẫu tỉnh Hưng Yên, và nằm trong danh sách nghệ nhân Ưu tú sắp tới.
Một số thành tích nghệ nhân Đào Thị Tự đạt được, trong hơn 40 hoạt động Đạo mẫu
- Chứng nhận đã tham gia diễn xướng chầu văn tại: Hưng Yên, Hà Nam, Hải Phòng và Lạng Sơn, năm 2016;
- Giấy khen của Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn Văn hoá Tín ngưỡng Việt Nam, năm 2016, 2019, 2020;
- Kỷ niệm chương của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, năm 2016, 2019;
- Chứng nhận giao lưu chầu văn, năm 2018 tại Hà Nội;
- Chứng nhận đã tham gia diễn xướng chầu văn tại đền Bắc Lệ, năm 2018;
- Chứng nhận giao lưu văn hoá tại Myanmar, Campuchia và Thái Lan, các năm 2018, 2019;
- Chứng nhận của Trung tâm nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển văn hoá làng nghề năm 2019;
- Chứng nhận của Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, về hoạt động diễn xướng chầu văn tại đền Đông Cuông, năm 2020;
- Chứng nhận của UNESCO Việt Nam, trao tặng cho bản điện Đức Linh Quang.
Cùng nhiều thành tích khác.