Nghệ An: Phát hiện di vật đặc trưng thuộc văn hóa thời Trần

13/02/2015 09:07

Theo dõi trên

Trong quá trình thực địa để điều tra về di chỉ thành Vạn An, các chuyên gia Khảo cổ học thuộc Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã phát hiện nhiều di vật đặc trưng của văn hóa thời Trần.

Các di vật này thuộc di tích Động Lỗ Ngồi, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Theo báo cáo sơ bộ của Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, di tích Động Lỗ Ngồi có vị trí ở sườn núi Phía Nam của dãy núi Hùng Sơn (Rú Đụn), phía sau lăng mộ của Vua Mai Hắc Đế, có mặt bằng tương đối bằng phẳng.

Sau khi tiến hành khai quật mặt bằng này, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội đã phát hiện trên tổng diện tích 300m2 có hai tòa kiến trúc với chân móng dấu ấn thời Trần và hàng trăm hiện vật mang dấu tích thời Trần, như: đôi chim uyên ương, tháp, đầu rồng bằng đất nung, gạch ngói... Trong đó, hiện vật có giá trị kiến trúc đẹp có đến khoảng 30 cái.

Theo đánh giá của các chuyên gia cho thấy, di tích Động Lỗ Ngồi là một kiến trúc được trang trí theo kiểu kiến trúc hoàng gia và liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, có thể xem là quần thể kiến trúc thời Trần đầu tiên phát hiện ở khu vực Nghệ An và cũng là kiến trúc sớm nhất do triều đại phong kiến Việt Nam xây dựng để tôn vinh, ghi nhận công lao của vua Mai Hắc Đế được biết tính đến thời điểm này.

Việc phát hiện di tích tại Động Lỗ Ngồi có ý nghĩa rất quan trọng để chứng minh rằng, thời nhà Trần đã chú trọng vùng đất phên giậu của Đại Việt (Xứ Nghệ thời nhà Trần được gọi là vùng đất biên viễn). Đồng thời cung cấp thêm nguồn tư liệu giúp chúng ta có một cái nhìn tổng thể hơn về lịch sử, con người xứ Nghệ, góp phần vào việc tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp vua Mai Hắc Đế.

Theo cinet.vn
Bạn đang đọc bài viết "Nghệ An: Phát hiện di vật đặc trưng thuộc văn hóa thời Trần" tại chuyên mục Địa phương. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.