Dũng tướng Vũ Mục công
Lê Khôi là con trai của Lê Trừ - anh trai vua Lê Thái tổ, người làng Lam Sơn (nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ông được biết đến là người trung hậu, ít nói. Trong khởi nghĩa Lam Sơn, sự dũng mãnh của vị tướng Lê Khôi được nhắc đến nhiều nhất trong hai trận: Bồ Ải và Chi Lăng.
Cuối năm Giáp Thìn (1424), lúc bấy giờ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã mở rộng địa bàn vào trong vùng đất Nghệ An. Giặc Minh chiếm cửa ải Khả Lưu, chúng đóng quân trên núi, đắp lũy phòng ngự. Lúc này, Bình Định vương Lê Lợi đóng quân ở Bồ Ải đã dùng kế tự đốt dinh trại, ngược sông lên phía trên, giả vờ sợ thế giặc mạnh mà bỏ trốn, sau đó bí mật theo đường tắt trở lại căn cứ cũ.
Đến ngày hôm sau, Bình Định vương Lê Lợi đem quân tinh nhuệ đến cửa ải Khả Lưu khiêu chiến, quân Minh mở cửa ra đánh. Đợi giặc đến Bồ Ải thì quân phục binh bất ngờ xông ra khiến giặc hoảng loạn. Trong trận chiến này, Lê Khôi cùng các dũng tướng Lam Sơn tiến lên phá trận, đánh tan kẻ thù, chém đầu không biết bao nhiêu kẻ địch. Tướng chỉ huy của giặc Minh là Trần Trí, Sơn Thọ… sợ hãi thu tàn quân chạy về thành Nghệ An cố thủ. Cũng từ đây, thanh thế nghĩa quân Lam Sơn thêm lẫy lừng.
Năm Đinh Mùi (1427), quân Minh thua to ở Chi Lăng. Tướng giặc là Thôi Tụ và Hoàng Phúc thu nhặt tàn quân về phủ lỵ Lạng Giang để vào thành Xương Giang. Tuy nhiên, thành này đã bị nghĩa quân Lam Sơn sớm chiếm trước. Giặc Minh buộc phải đóng đồn ở phía Bắc thành Xương Giang chờ viện binh. Sách Địa chí huyện Thọ Xuân viết: “Lê Lợi sai Lê Khôi và Phạm Vấn đem binh hỗ trợ cánh quân Đỗ Sát đánh tan quân giặc, bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc và mấy vạn tên địch khiến tổng binh Vương Thông ở thành Đông Quan khiếp sợ phải quy hàng”.
Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi vua lập ra vương triều Hậu Lê, dũng tướng Lê Khôi được phong Kỳ lân hổ vệ Thượng tướng quân, hàm Nhập Nội Thiếu úy. Sau đó, ông lại được thăng Tư mã, đeo kim phù (phù hiệu bằng vàng) vô cùng vinh hiển. Đến khi khắc biển công thần, Lê Khôi được phong tước Đình thượng hầu.
Cũng theo sử liệu, khi vua Lê Thái tổ mới lên ngôi nhận thấy nhà nước mới lập dựng, vùng đất Châu Hóa lòng người chưa phục, lại ở giáp biên giới Chiêm Thành - sẽ là mối họa nếu không sớm thu phục. Tuy nhiên, việc trấn ải vùng đất này cần một viên quan có đủ tài đức. Sau nhiều cân nhắc, nhà vua sai Lê Khôi tiếp nhận trọng trách vào đất Châu Hóa. Là vị tướng nhiều năm xông pha trận chiến song Lê Khôi lại là người nhân hậu. Vì thế, khi đến đây ông chủ trương lấy “đức” để thu phục lòng người. Ông cho bỏ các trạm gác, thôi xét hỏi nghiêm ngặt để người dân được tự do đi lại, đồng thời chiêu mộ dân lưu tán, dạy dân làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm; với quân sĩ thì huấn luyện nghiêm cẩn để giữ vững biên cương… Vì thế mà vùng đất Châu Hóa dần yên ổn, người dân ngày càng quý mến vị quan trấn thủ Lê Khôi. Còn người Chiêm khi nghe danh đến ông vừa sợ oai lại vừa mến đức.
Danh tiếng ông vang khắp các mường, động, được vua Lê hết sức quý trọng. Sách Địa chí huyện Thọ Xuân dẫn theo sử liệu viết: “Năm Quý Sửu (1433) vua triệu Lê Khôi vào điện để bàn việc lập thái tử rồi mới quyết định giáng con trưởng Tư Tề làm quận vương, lấy con thứ Nguyên Long nối ngôi đại thống”.
Chúng tôi mong ông lâu rồi!
Cũng theo sử liệu, dưới thời vua Lê Thái tông, Lê Khôi nhiều lần dẫn binh theo vua xông pha trận mạc, dẹp loạn các vùng biên giới. Tuy nhiên, khoảng năm 1440, một lần “trái ý” vua khiến ông bị cách chức.
Năm 1443 dưới thời vua Lê Nhân tông ông lại được triệu ra làm việc - giữ chức Nhập Nội Thiếu úy, đốc trấn Nghệ An. Khi ông trên đường vào Nghệ An, dân chúng đứng chật hai bên đường để chào đón. Sách Lịch triều hiến chương loại chí viết: “Chúng tôi mong ông lâu rồi! Ngày nay trời mới giáng phúc cho dân tôi đấy ư”. Trong thời gian ông trấn thủ vùng đất này, với chính sách thân dân khiến tình hình chính sự yên ổn, đời sống người dân tốt lên, mùa màng bội thu… người dân tụng ca ông khắp nơi.
Khoảng năm 1444, vua Chiêm Thành là Bí Cai đem quân cướp phá thành Châu Hóa, lúc này các tướng Nguyễn Thận, Nguyễn Xí được lệnh đem binh đi đánh, Lê Khôi cũng đem quân đi tăng viện. Trận này quân Đại Việt thắng lớn, Lê Khôi được vua Lê thăng làm Nhập Nội tham dự triều chính song vẫn ở lại Nghệ An để chuẩn bị tham gia kế hoạch Nam chinh. Đến năm 1446, Bình Chương sự Trịnh Khả vâng lệnh vua mang đại quân đánh dẹp Chiêm Thành. Lúc bấy giờ, Lê Khôi được cử làm tướng tiên phong, đem quân ở Nghệ An tiến trước mở đường. Quân do Lê Khôi tiến đến đâu, quân Chiêm thua chạy tới đó. Tướng Chiêm Thành khi nhìn thấy ông thì sợ hãi xuống ngựa qùy lạy, sai quân mang biếu sản vật, không dám đối đầu. Sau trận này, vua Chiêm Thành cũng bị bắt.
Trên đường khải hoàn trở về, Lê Khôi bị bệnh nặng, đến núi Long Ngâm gần cửa biển Nam Giới (ngày nay thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) thì qua đời. Biết tin ông qua đời, vua Lê bãi triều ba ngày, truy tặng chức Nhập Nội Kiểm hiệu tư không, Bình Chương sự, đổi tên thụy là Vũ Mục công. Quân sĩ và người dân đất Hoan Châu đã chôn cất ông ở Long Ngâm và lập đền thờ gần cửa biển Nam Giới.
Dưới triều vua Lê Thánh tông, nhà vua cho người khắc văn bia về dũng tướng Vũ Mục công (tức Lê Khôi) ở đền thờ nơi cửa biển Nam Giới nhằm lưu truyền muôn đời. Sau đó, vua Lê Thánh tông còn tiến phong cho ông chức Chiêu Trưng vương. Đặc biệt, trong một bài thơ đề vịnh một số khai quốc công thần nhà Hậu Lê, vua Lê Thánh Tông còn xem Lê Khôi là võ tướng tài sánh ngang tướng văn Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm sáng đầy thư sử/ Vũ Mục lòng son chật giáp binh” (nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ dịch).
Lễ giỗ là dịp để nhân dân tưởng nhớ đến công ơn to lớn của ông trong việc xây cơ lập làng. Đồng thời gửi những khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Qua đây nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và quảng bá nét đẹp văn hoá truyền thống của địa phương Nghi Thuỷ đến với du khách gần xa.