Nghệ An: Khảo cứu về tên gọi huyện Thanh Giang

11/07/2022 10:07

Theo dõi trên

Qua các tư liệu cho thấy tên gọi huyện Thanh Giang đã được đề cập đến nhiều và từ rất sớm. Trong đó, sớm nhất là vào cuối thế kỷ XV (trong tác phẩm Thanh Giang giao du sơn đạo), còn muộn nhất là vào nửa cuối thế kỷ XVII (trong tác phẩm Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư dẫn).

Thanh Giang là tên gọi trước đây của huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An ngày nay. Tên gọi này đã được nhiều tác phẩm lịch sử, địa lý, văn học… đề cập đến như: Sách Nghệ An ký do Bùi Dương Lịch viết, cho biết: Tên gọi Thanh Giang “có từ đầu thời Lê Sơ” (tức giai đoạn 1427 - 1527). Sách Thanh Chương huyện chí do tác giả Nguyễn Điển soạn có ghi: “Thanh Chương thời thuộc Minh (1414 - 1427) gọi là Thổ Du, đầu thời Lê gọi là Thanh Giang, sau đổi là Thanh Chương”. Sách Thanh Chương huyện chí của Bùi Dương Lịch viết: “Thanh Chương xưa là đất động trại. Năm Thiên Ứng Chính Bình (1232 - 1250) thứ 2 (1233) vạch lại bản đồ. Huyện có tên Thanh Giang. Thời Lê Trung Hưng, hiềm tên húy Trịnh Giang (1729 - 1740), danh xưng của huyện đổi từ Giang thành Chương”.

Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn chép: “Huyện Thanh Chương ở cách phủ 80 dặm về phía Đông Nam; Đông - Tây cách nhau 80 dặm; Nam - Bắc cách nhau 35 dặm linh; phía Đông đến địa giới huyện Nam Đường 3 dặm; phía Tây đến địa giới huyện Lương Sơn 77 dặm; phía Nam đến địa giới huyện Lương Sơn 33 dặm; phía Bắc đến địa giới huyện Nam Đường 30 dặm; đời Hán là đất huyện Hàm Hoan; thời thuộc Minh là huyện Thổ Du; đầu đời Lê là huyện Thanh Giang; sau đổi tên hiện nay (tức Thanh Chương - TG); bản triều vẫn theo như thế”.

Tác phẩm Hoan Châu ký do Nguyễn Cảnh thị biên soạn, ở tiết thứ 2 có tiêu đề “Hoằng Hưu tị loạn độ Thanh Giang; An Thanh khởi binh lập đế trụ”. (Tức là: Hoằng Hưu tránh loạn qua Thanh Giang; An Thanh dẫy binh dựng ngôi đế).

anh-thang-giang-1657465457.png
Lời dẫn của tập bản đồ do Đỗ Bá Công Đạo soạn ghi rất rõ về địa danh Thanh Giang

Tác phẩm Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư dẫn của Đỗ Bá Công Đạo, trong lời dẫn của tập bản đồ có viết: “Thanh Giang, Bích Triều, nho sinh trúng thức Đỗ Bá thị Công Soạn phủ soạn”.

Trong tập Lữ Đường di cảo thi tập của tác giả là Tiến sỹ Thái Thuận có bài thơ “Thanh Giang giao du sơn đạo”.

Nguyên văn:

Thanh Giang giao du sơn đạo

Bất quản sơn thâm hổ báo đa,

Xâm thần ỷ kiệu việt tha nga.

Lâm trăn hữu đạo thông hồ thố,

Quán mãng vô nhân trưởng tiết la.

Phi giản đái hàn nham hạ lạc,

Thanh phong tống ảnh thụ biên qua.

Nguy nguy Thánh Tổ hành doanh tại,

Diệt tặc công cao thạch bất ma.

Dịch nghĩa

Trên đường chơi núi ở phía ngoài Thanh Giang

Chẳng ngại núi sâu có nhiều hổ báo,

Tảng sáng ngồi kiệu vượt núi chênh vênh.

Rừng rậm có đường thông nẻo đi của loài cáo thỏ,

Bụi cây hoang không người qua lại um tùm những dây cỏ rêu dại.

Suối bay mang giá lạnh lao xuống dưới núi,

Gió mát đưa bóng lướt qua mé cây.

Hành dinh của Thánh Tổ cao vòi vọi còn đây,

Công cao diệt giặc, đá không thể mòn.

Qua khảo cứu cho thấy bài thơ “Thanh Giang giao du sơn đạo” của Tiến sỹ Thái Thuận là được hình thành sớm nhất và có giá trị lịch sử cao khi đề cập đến danh xưng huyện Thanh Giang. Thái Thuận (1441 - ?), tự Nghĩa Hòa, hiệu Lục Khê, biệt hiệu Lã Đường; là nhà thơ Việt Nam thời Hậu Lê. Ông sinh ra trong một gia đình bình dân ở thôn Đoài, tổng Liễu Lâm, phủ Siêu Loại, thừa tuyên Kinh Bắc (nay thuộc xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Thuở trai trẻ, có thời ông làm lính dạy voi, về sau mới đi học. Năm Ất Mùi (1475), đời Lê Thánh Tông, ông thi đỗ Tiến sĩ. Ban đầu, ông làm quan ở Viện Hàn lâm trải 20 năm; sau giữ chức Tham chính sứ Hải Dương, và được cử đi công cán qua các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thuận Hóa... Ông là người có đạo đức, lại có tài văn chương, được người đương thời rất kính trọng. Vì vậy, ông được vua Lê Thánh Tông cho dự chức Tao đàn Sái phu (sau thăng Tao đàn phó nguyên súy) trong Hội Tao Đàn do chính nhà vua thành lập năm 1495.

nghia-quan-lam-son-khien-ke-thu-chet-sach-6-tuong-dich-phai-tu-sat-1657508823.jpg

Nhà thơ Thái Thuận mất năm nào không rõ. Sinh thời, ông sáng tác hàng nghìn bài thơ chữ Hán, nhưng chưa soạn thành tập. Sau khi ông mất, người con là Thái Đôn Khác và người học trò là Đỗ Chính Mô mới ra công sưu tập được vài trăm bài, viết bài Tựa, đặt tên là Lã Đường di cảo (Bản thảo còn lại của Lã Đường) và hoàn thành vào năm Hồng Thuận thứ 10 (1510) đời vua Lê Tương Dực. Sau, phần lớn trong trong tập thơ này được trích tuyển trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (125 bài), và trong Toàn Việt thi lục của Bùi Huy Bích (25 bài). Tập Lã Đường di cảo hiện nay chỉ còn 264 bài thơ chữ Hán. Gần đây, thơ ông được thi sĩ Quách Tấn tuyển dịch, đặt tên là Lữ đường thi và đã được nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2001.

Bài thơ Thanh Giang giao du sơn đạo được làm khi Tiến sỹ Thái Thuận đi công cán qua huyện Thanh Giang, thuộc thừa tuyên Nghệ An. Bài thơ tả về cảnh sắc của vùng đất Thanh Giang, nơi có cảnh sơn thủy hữu tình và là nơi có hành dinh của Thành Tổ tức vua Lê Lợi đóng trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh.

Bài thơ nhắc đến tên gọi rất cụ thể đó là huyện Thanh Giang, nơi có hành dinh của của Thanh Tổ - tức là Vua Lê Lợi đóng. Hành dinh mà vua Lê Lợi đóng đó chính là thành Lục Niên. Theo các tư liệu lịch sử để lại, thành Lục Niên được Lê Lợi cho xây đắp vào cuối năm 1424 sau khi kéo quân vào Nghệ An. Thành có hình chữ nhật, chiều dài hàng trăm mét, xây theo kiểu ghép đá trên độ cao 178m. Do nằm trên đỉnh núi cao nên thành là nơi bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn có thể quan sát bao quát và khống chế cả một vùng rộng lớn của lưu vực sông Lam, sông La, đồng thời theo dõi hoạt động của quân Minh trong thành Nghệ An. Thành Lục Niên còn là nơi Lê Lợi chỉ huy nghĩa quân vây hãm thành Nghệ An, xây dựng lực lượng để tiến quân ra Bắc, tiêu diệt quân Minh xâm lược thế kỷ XV. Thanh Lục Niên xưa thuộc huyện Thanh Giang, sau này thuộc huyện Thanh Chương, đến đầu thế kỷ XX, triều đình nhà Nguyễn cắt vùng tổng Nam Kim cho sáp nhập vào huyện Nam Đàn. Nên đến nay, vùng đất này thuộc xã Nam Kim, huyện Nam Đàn.

Xét về thời điểm bài thơ ra đời là khoảng vào cuối thế kỷ XV, tức là khoảng sau năm 1475, khi ông Thái Thuận đậu Tiến sỹ, được bổ làm quan và đi công cán ở thừa tuyên Nghệ An. Điều này cho thấy, tên gọi huyện Thanh Giang đến năm 1475 vẫn còn tồn tại.

Còn tác phẩm Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư dẫn của Đỗ Bá Công Đạo soạn vào khoảng cuối thế kỳ XVII. Đỗ Công Luận, tên tự là Công Đạo, còn gọi là Đậu Bá Công Đạo (không rõ năm sinh, năm mất), quê ở tổng Bích Triều nay là xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương. Ông từng thi trúng Giám sinh vào năm đầu niên hiệu Dương Đức đời Lê Gia Tông (1672), sau được bổ làm Tri huyện Thạch Hà, được phong tước Đoan Triều nam. Khoảng thời Chính Hoà (năm 1680-1705), Đậu Công Luận giả dạng người đi buôn theo thuyền buôn ra biển, hướng vào Nam ấp ủ dự định vẽ tấm bản đồ cụ thể hơn về đất đai Đàng Trong. Sau nhiều cuộc hải hành suốt một dải từ miền Trung vào miền Nam, ông đã bí mật khảo sát và vẽ thành bản đồ các xứ từ Thuận Quảng trở vào mang tên “Tứ chí lộ đồ” - Bản đồ vẽ đường đi 4 phía. Sau khi hoàn thành, Đậu Công Luận dâng lên Chúa Trịnh hiến kế Nam chinh.

Tập "Tứ chí lộ đồ" do Đậu Công Luận vẽ có: 53 phủ, 181 huyện, 49 châu, 14 làng, 8.992 xã, 205 thôn, 335 trang, 451 sách, 43 sở, 442 động, 41 trại. 67 phường, 10 vạn, 8 nhà, 2 tuần, 1 quan, 2 giác, 15 nguyên, 15 châu. Riêng Thuận - Hoá có 02 phủ, 8 huyện, 4 châu, Quảng - Nam có 3 phủ 9 huyện. Trong tập bản đồ này có rất nhiều thông tin về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đặc biệt là bản đồ quần đảo Hoàng Sa. Ông là người có công vẽ nên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào thế kỷ thứ 17, xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này.

Trong lời dẫn của tập bản đồ ông Đỗ Bá Công Luận viết: “Thanh Giang, Bích Triều, nho sinh trúng thức Đỗ Bá thị Công Soạn phủ soạn”. Nghĩa là nho sinh trúng thức tên Công Soạn họ Đỗ Bá quê ở Bích Triều, Thanh Giang biên soạn. Như vậy, đến cuối thế kỷ XVII tên gọi Thanh Giang vẫn còn.

Như vậy, qua các tư liệu cho thấy tên gọi huyện Thanh Giang đã được đề cập đến nhiều và từ rất sớm. Trong đó, sớm nhất là vào cuối thế kỷ XV (trong tác phẩm Thanh Giang giao du sơn đạo), còn muộn nhất là vào nửa cuối thế kỷ XVII (trong tác phẩm Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư dẫn)./.

Khánh Chi
Bạn đang đọc bài viết "Nghệ An: Khảo cứu về tên gọi huyện Thanh Giang" tại chuyên mục Khám phá. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.