
Tâm sự… đầy nước mắt
Theo phản ánh, tại xóm 12, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có cụ bà Đậu Thị Ban, 83 tuổi nuôi một người con 65 tuổi, một người cháu 40 tuổi đều bị chất độc màu da cam. Phóng viên đã cùng Hội thiện tâm Đình Lộc và cộng sự vội tìm đến mong có thể kêu gọi xây cho cụ một ngôi nhà.
Đập vào mắt chúng tôi là một khung cảnh xơ xác tiêu điều, một cụ già lưng còng sát đất đang ngồi phân loại mấy quả khế để đi bán. “Ông” con trai đang nằm dài trên giường, còn cô cháu gái đang thơ thẩn ngoài mép ao.

Khi được hỏi về gia cảnh, nước mắt cụ ào ra, thổn thức kể lại cuộc đời mình như muốn trút đi nỗi bi ai bấy lâu nay chứa chất trong lòng:
“Tôi là vợ của liệt sỹ Nguyễn Văn Du. Ông đi bộ đội năm 1961, mất năm 1968 hiện chưa tìm được hài cốt. Những năm qua, tôi có làm đơn yêu cầu được hưởng chế độ vợ liệt sỹ không tái giá nhưng đều bị trả về với câu trả lời “Không đủ tiêu chuẩn” mà không hiểu tiêu chuẩn đó là gì?
Lặng đi dây lát rồi cụ kể: Năm 1956, khi vừa tròn 16 tuổi, tôi gia nhập lực lượng dân công hỏa tuyến gánh gạo ra tận tỉnh Hòa Bình, đoàn do ông Đậu Đức Tá làm trưởng đoàn. Đầu năm 1961, khi có chủ trương lập đoàn dân công tình nguyện 3 huyện Diễn - Yên - Quỳnh mở con đường quốc phòng chiến lược từ bản Muồng (huyện Quỳ Châu) sang Lào tôi tình nguyện lên đường.
Đoàn Quỳnh Thạch lập thành đại đội B1, C2 do ông: Hoàng Đình Quý, Phó Bí thư Huyện đoàn làm C trưởng. Các đồng đội của tôi ở xã Quỳnh Thạch hiện còn 7 người đang sống. Tháng 4 năm 1961, khi chúng tôi đang làm đường tại dốc “Bà Chung Cha”, bản Muồng, xã Châu Kim, huyện Quỳ Châu thì lốc xoáy ào đến xô đổ cây Chò Chỉ làm chết 5 người gồm: Nguyễn Đình Ky, Hồ Bá Hảo, Hồ Thị Đào, Vương Thị Tình và ông Nguyễn Đình Xế.
Năm 1963 khi chúng tôi rút về cùng Tỉnh đội, Sở Giao thông tổ chức bốc hài cốt 5 đồng chí này về tại đình làng làm lễ rồi mới cải táng. Năm 1964, ông Du về phép chúng tôi cưới nhau. Năm 1968, ông Du hy sinh.
Thù nhà nợ nước chồng chất, lòng căm thù giặc cao ngất trời, tôi xin gia đình chồng thoát ly đi TNXP phục vụ tiền tuyến rồi gia nhập QĐND Việt Nam. Năm 1975 đất nước ca khúc khải hoàn, tôi mới xuất ngũ về lại quê hương.
Lúc này, gia đình ông Du đã có dâu có rể, tôi ở lại trong nhà bất tiện nên năm 1978 tôi xin gia đình chồng ra ở riêng tại một mảnh đất hoang sau Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu. Các anh chị em nhà chồng chung tay dựng cho tôi ngôi nhà tranh 3 gian. Tôi vào làm công nhân nấu ăn cho Bệnh viện Đa Khoa Quỳnh Lưu.
Năm 2012, Hội LHPNVN huyện Quỳnh Lưu làm cho tôi một mái ấm tình thương nên mới có nhà ngói ở hiện đã xuống cấp. Tôi lấy chồng mà chỉ đếm thời gian ở với chồng trên đầu ngón tay. Tôi sinh một thằng con trai lại bị ảnh hưởng chất độc đi - ô - xin mà những ngày ở chiến trường miền Nam tôi mắc phải. Con trai lấy vợ, sinh một con gái cũng ngây ngây dại dại nên vợ nó bỏ lại trốn đi lấy chồng khác. Mình tôi vừa nuôi con vừa nuôi cháu lúc tỉnh lúc mê có khi đi không nhớ đường về. Tôi không hề tái giá ra ở riêng nhưng vẫn đi lại với anh chị em gia đình chồng.
Năm nay tôi đã 83 tuổi, chuyện sống chết tính từng ngày nhưng vẫn không được công nhận là vợ liệt sỹ… Thật là tột cùng của sự bi ai, khốn đốn.


Nhân chứng lên tiếng
Mang theo bộ hồ sơ chỉ có tấm bằng Tổ quốc ghi công và giấy Đăng ký kết hôn cụ Ban còn giữ được, phóng viên đã tìm đến Sở LĐ, TB&XH tỉnh Nghệ An. Tại đây Giám đốc Sở Đoàn Hồng Vũ lập tức yêu cầu Trưởng phòng Người có công Hoàng Ngọc Châu tra cứu.
Ông Châu cho biết: “Trường hợp cụ Ban trả về từ năm 2018, từ đó đến nay không thấy ai có ý kiến gì. Nguyên nhân không được công nhận vợ liệt sỹ vì một là “Giấy chứng nhận tình hình thân nhân trong gia đình liệt sỹ”, trong đó ghi rõ: “Vợ Nguyễn Thị Ban đi lấy chồng năm 1961, con hiện ở với cha mẹ của liệt sỹ (sinh con được 3 tháng vợ bỏ về đi lấy chồng luôn)”, hai là trong giấy báo tử của liệt sỹ chỉ ghi bố mẹ và con, phần thông tin người vợ bỏ trống nên không thể công nhận bà Ban là vợ liệt sỹ.
Ngày hôm sau, tôi trở lại tìm cụ Ban, cụ bật khóc: “Oan tôi quá, làm gì có chuyện đó”.
Với mong muốn tìm ra sự thật, tôi tìm về xóm 11 xã Quỳnh Thạch và gặp được ông Nguyễn Văn Đang hiện là Phó Trưởng công an xã, ông bần thần một lúc rồi tâm sự:
“Tôi đang thờ anh trai là liệt sỹ Nguyễn Văn Du. Trước đây cả gia đình tôi gồm 7 anh chị em đồng loạt ký tên đề nghị công nhận chị dâu tôi là Đậu Thị Ban, vợ chính thức của anh Du không tái giá. Tuy nhiên hồ sơ bị trả về không rõ nguyên nhân. Nay tôi mới được tiếp xúc “Giấy xác nhận tình hình thân nhân trong gia đình liệt sỹ” nhưng giấy này đã có sự nhầm lẫn vì năm 1960 anh tôi lấy chị Đặng Thị Toán không đăng ký kết hôn. Năm 1961 sinh cháu Nguyễn Văn Phú, khi nghe tin đồn anh tôi hy sinh, chị Toán đi lấy chồng khác.
Năm 1964, khi anh Du về phép mới cưới chị Ban và làm thủ tục đăng ký kết hôn. Có lẽ do thời kỳ chiến tranh ác liệt, anh tôi không kịp khai với đơn vị nên phần người vợ trong giấy báo tử đã để trống. Bà Ban ở với gia đình chúng tôi, trực tiếp nuôi cháu Phú và chăm sóc bố mẹ, chia khổ với các em chồng. Năm 1968 khi nghe tin anh Du hy sinh, chị Ban xin đi thoát ly đến tháng 5/1975 mới về.


Năm 1978, do nhà cưới thêm dâu, chị xin ra ở riêng không lấy chồng khác và hàng năm vẫn đến làm giỗ chồng. Chị Ban họ Đậu không phải họ Nguyễn như trong tờ giấy kia”. Tìm đến nhà cụ Đặng Thị Toán, cụ cho biết: Thật oan cho bà Ban quá, oan cho tôi nữa, ai lại bỏ con khi mới 3 tháng bao giờ. Thời chiến tranh loạn lạc nghe tin anh Du mất tôi đi lấy chồng không hề hưởng bất cứ chế độ gì, nhà nước phải cấp chế độ cho bà Ban lâu rồi mới đúng chứ.
Vậy tại sao lại có sự sai sót này? Mang theo câu hỏi trên, tôi tìm đến ông Nguyễn Sỹ Lực, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thạch. Ông lập tức gọi cán bộ chính sách lên nắm lại tình hình rồi cho biết: “Từ khi tôi lên làm Chủ tịch UBND xã đến nay, không thấy cụ Ban đến phản ánh việc này, tôi sẽ cho chuyên môn kiểm tra ngay”.
Giữ đúng lời hứa, chỉ sau một tuần, UBND xã Quỳnh Thạch đã xác minh, hoàn thiện toàn bộ hồ sơ cụ Ban chuyển lên Phòng LĐ, TB&XH huyện Quỳnh Lưu. Phòng đã hoàn chỉnh mọi thủ tục chuyển về Sở LĐ, TB&XH tỉnh Nghệ An.
Mong rằng với sự cố gắng của ban ngành các cấp, cụ Ban nhanh chóng được giải oan và được nhận chế độ vợ liệt sỹ trong thời gian gần nhất./.