Ngày mùa ô Tà Bang

12/11/2015 08:14

Theo dõi trên

Nằm ven chân núi Dài Năm Giếng, khu vực ô Tà Bang tiếp giáp An Phú, Thới Sơn, An Cư và Văn Giáo (Tịnh Biên). Do đất đồi dốc nên việc trồng trọt không được thuận lợi, gần như sản xuất chỉ vào mùa mưa, với các loại cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày.



 Thu hoạch khoai mì
 
Sản xuất đất đồi dốc
 

Tỉnh lộ 948 đi ô Tà Bang, hai bên là vườn rừng, vườn đồi đất dốc. Tại đây, phóng tầm nhìn sẽ thấy vạt xoài dọc theo núi Dài Năm Giếng (Thới Sơn – An Phú) và ngó phía mặt trời mọc cũng có những cụm xoài kéo tận chùa Nonl (Văn Giáo), chùa Rô (An Cư). “Đối với khu vực thiếu nước tưới, đưa cây xoài vào trồng là phù hợp. Bởi lẽ, nhiều vườn xoài cho thu nhập tốt, hiệu quả hơn hẳn một số loại cây khác” – ông Trần Thanh Dũng (ấp Phú Hiệp, xã An Phú) cho hay. Một phần, do cây xoài thích nghi đất đồi dốc, nhu cầu nước tưới cũng ít hơn.
 
Nhiều nông dân so sánh, nếu khu vực ô Tứk Sa (Chi Lăng – An Cư) phát triển cây xoài, diện tích khu vực ô Tà Bang không thua kém bao nhiêu, ngay cả việc chăm sóc cũng vậy. Nhà vườn ngày càng thành thạo các biện pháp kỹ thuật, xử lý kích thích ra hoa và cho trái trái vụ, nhất là dịp đón Tết Nguyên đán sắp tới. “Nắm được nhu cầu tiêu dùng và thị trường tiêu thụ, nông dân dốc sức chăm lo để thời điểm thu hoạch tránh dội chợ, đụng hàng các nơi đổ xô về” – ông Võ Ngọc Thanh (ấp Núi Két, xã Thới Sơn) chia sẻ. Là vùng du lịch, xoài cũng được giá, hấp dẫn du khách.
 
Cuối tháng chín âm lịch, nông dân ô Tà Bang luôn bận rộn ngày mùa, phần lớn các vườn xoài đều trồng xen sắn và khoai mì, công việc nhà vườn phải liền tay để các loại đều phát triển, đạt năng suất tốt và sản lượng khả quan cuối vụ. Anh Phan Văn Ngọc (thị trấn Nhà Bàng) cho biết, 8 công sắn trồng ở khu vực ô Tà Bang được 4 tháng tuổi, dự kiến thu hoạch khoảng cuối tháng mười âm lịch. “Năm nay, diện tích sắn ô Sâu và ô Tà Bang giảm, do trồng nhiều vụ liền nên phải thay đổi nền đất. Bằng không, năng suất sụt giảm, phát sinh dịch bệnh gây hại” – anh Ngọc nói.
 
Chọn cây trồng thích nghi
 

Khoai mì hiện tại phát triển diện tích khá lớn, nếu không nói là chiếm lĩnh ô Tà Bang. Luồng lách khắp ngả đường, đâu đâu cũng thấy xuất hiện khoai mì. Theo nông dân ở đây, đối với khu vực đất đồi dốc, ngoài việc lập vườn trồng xoài, kế đến là cây khoai mì, bởi cả hai loại cây đều thích ứng điều kiện thời tiết biến đổi và lấy ngắn nuôi dài có thể trồng xen canh. Chẳng hạn, đất chùa Rô (An Cư) thuộc gò cao, nhà chùa chọn khoai mì làm cây trồng chính. Còn xung quanh chùa Nonl (Văn Giáo), gần như toàn bộ diện tích trồng khoai mì xen vườn đồi trên đất dốc.
 
Vừa sản xuất, vừa cung cấp giống và tiêu thụ nông sản, các ông: Trần Văn Lâm (tổ 11), Đinh Quốc Bảo (tổ 4), Trần Văn Phương (tổ 3)… mở ra mô hình “Tiêu thụ nông sản hàng hóa” khu vực núi Két (Thới Sơn), góp phần thúc đẩy phát triển cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Theo ông Huỳnh Huy Hoàng (ấp Núi Két), hàng năm địa bàn thu hoạch trên 100 tấn củ sắn và hàng trăm tấn xoài, không thể nào tiêu thụ hết ở nội địa, chỉ còn cách đưa nông sản hàng hóa đi các nơi khác và thị trường Campuchia.
 
Trên địa bàn miền núi Tịnh Biên, ô Tà Bang được coi là một trong 3 khu vực phát triển các mô hình vườn đồi đất dốc và trồng trọt với tán rừng. Thực tế cho thấy, dựa vào vùng đất nông dân chọn cây trồng thích hợp khu vực, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác để đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế tốt. “Vì là khu vực đồi đất dốc, ngày mùa chỉ sung túc khi có mưa già, thời vụ gieo trồng gần như có 6 tháng” – ông Trần Văn Sáu (ấp Phú Hiệp, xã An Phú) lý giải. Về cây trồng, chủ yếu những loại lương thực, công nghiệp ngắn ngày… cũng theo thời tiết.
 
Box: “Năm 2014, tuyến đường vào ô Tà Bang (Thới Sơn – An Phú) đã được mở rộng, nâng cấp để tạo điều kiện cho nông dân đi lại, vận chuyển vật tư phục vụ ngày mùa và lưu thông hàng hóa nông sản ra Tỉnh lộ 948, Quốc lộ 91 về Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên”.
 
Theo NGUYỄN THANH – TRỌNG ÂN (TTMT)

Bạn đang đọc bài viết "Ngày mùa ô Tà Bang" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.