Nét nhân ái của người Cần Thơ

22/09/2016 15:43

Theo dõi trên

"Tạo lập môi trường văn hóa- xã hội lành mạnh, xây dựng con người Cần Thơ trí tuệ- năng động- nhân ái- hào hiệp- thanh lịch"- là một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đặt ra. Phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, người Cần Thơ hôm nay vẫn giữ lối sống nhân ái, đạo nghĩa, hình thành nét nhân văn trong nhịp sống đương đại.


Viếng đình chùa, cầu quốc thái dân an, kính nhớ tổ tiên đã trở thành nét đẹp lòng hiếu đạo của người Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Mùa Trung thu năm nay, nhóm bạn của anh Trần Ngọc Tâm (phường An Phú, quận Ninh Kiều) tất bật không nghỉ tay. Anh kêu gọi sự đóng góp của các mạnh thường quân để mua quà tặng trẻ em nghèo, vùng sâu vùng xa. Tối 13-9, nhóm của anh Tâm trao quà cho trẻ em nghèo xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Những ánh mắt trẻ thơ chăm chú xem văn nghệ, chú Cuội, chị Hằng, thỏ ngọc… do nhóm bạn của anh Tâm trình diễn và các em càng vui hơn khi được nhận quà Trung thu. Anh Tâm cho biết, ngoài sự hỗ trợ của những nhà hảo tâm, nhóm của anh còn bán bánh Trung thu, diễn văn nghệ gây quỹ. Trung thu 2016, nhóm của anh trao tổng cộng 475 phần quà, tổng trị giá gần 22 triệu đồng, không chỉ cho thiếu nhi nghèo của Cần Thơ mà cả các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng…

Trước đó, sáng 13-9, chúng tôi theo chân các thành viên CLB Hát với quê hương- nơi tập hợp những người trẻ yêu thích cổ nhạc ở Cần Thơ, rảo quanh nội ô thành phố để trao quà cho những cụ già, trẻ em bán vé số, ăn xin… 50 phần quà, mỗi phần trị giá 150 ngàn đồng được trao, để lại trong lòng các bạn trẻ về niềm vui thiện nguyện. Cô Phạm Thị Cúc (phường Thới Bình, quận Ninh Kiều), ngồi xe lăn bán vé số, nhận quà mà ánh mắt rưng rưng: "Mấy đứa cháu tuổi nhỏ mà sống có nghĩa, có tình quá. Tôi xúc động lắm, không biết nói gì hơn…". Anh Trương Tài Linh, Chủ nhiệm CLB Hát với quê hương, cho biết, trước đó, anh đã vận động các mạnh thường quân tổ chức buổi trao quà Trung thu cho học sinh Trường THCS Phú Tân (Châu Thành- Hậu Giang) với tổng trị giá khoảng 8 triệu đồng. Mỗi chương trình trao quà, anh Linh và các bạn còn biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con. Với nhóm bạn trẻ này, mỗi một nụ cười của người nhận quà là động lực để họ tiếp tục con đường thiện nguyện.



Chúc thọ ông bà, nét đẹp hiếu đạo, nhân nghĩa của người Cần Thơ.
 

Thành viên CLB Hát với quê hương trao quà cho người già, người mưu sinh ngoài đường phố dịp Trung thu 2016

Ở Cần Thơ hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể góp sức vì an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo, khó khăn, bệnh tật. Gần gũi nhất là những thùng nước, thùng bánh mì miễn phí ven đường giúp người nghèo no lòng, mát dạ; quy mô hơn có những bếp ăn từ thiện, đội cất nhà, hỗ trợ tiền cho người bất hạnh… Sự cộng hưởng của những tấm lòng nhân ái đó như "hoa thơm" giữa đời. Sáng 14-9, chúng tôi theo chân những thành viên của nhóm Thiện Tâm- một nhóm từ thiện thành lập trên mạng xã hội facebook đi trao cơm từ thiện cho người nghèo. Những người bán vé số, bán hàng dạo… gặp nhóm Thiện Tâm thì mừng như gặp người thân. Dẫu biết mỗi hộp cơm trị giá chỉ hơn 10 ngàn đồng nhưng sự sẻ chia thì chẳng thể đong đếm được. Chị Thái Trúc Khên, quản trị viên của nhóm facebook Thiện Tâm, cho biết, sau gần 6 tháng hoạt động, nhóm đã nâng từ hơn 200 hộp cơm lên đến gần 500 hộp cơm mỗi lần hoạt động. Mỗi tháng nhóm tổ chức tặng cơm 2 lần vào ngày 14 và 29 âm lịch. Trước ngày nấu cơm 1 tuần, nhóm tải thực đơn lên facebook với lượng rau cá cần dùng và huy động mọi người ủng hộ. Chị Nguyễn Thị Thùy Dương (phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều), thành viên của nhóm Thiện Tâm, đã dành cả một phòng trống để nhóm có nơi sơ chế và nấu ăn. Còn với em Lê Thanh Nguyên, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, từ nhỏ đến lớn chưa từng lau nhà, nấu cơm nhưng khi tham gia nhóm, em làm được tất cả. "Có yêu thương, mình làm được hết mọi thứ!"- Nguyên cười.

Trong nhịp sống hối hả, người Cần Thơ vẫn chọn cho mình lối sống chậm, sống nghĩa tình. Đó cũng là tính cách được lưu truyền từ xưa đến nay, làm dày truyền thống người Cần Thơ. Dạo khắp thành phố, nghe những mô hình tổ từ thiện, giúp người hoạn nạn, khó khăn: "cây chuối khuyến học" của phụ nữ Bình Thủy, "mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" của Hội Chữ thập đỏ, phòng khám từ thiện, mái ấm tình thương… là những điểm sáng ấm tình người. Để có được thành quả đó, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các cấp, ngành của thành phố đã quan tâm gầy dựng trong mỗi gia đình, cá nhân nền tảng về văn hóa, trí tuệ và cả lòng nhân nghĩa. Mô hình "Gia đình văn hóa", "Người tốt việc tốt"… ra đời nằm trong định hướng đó. Nếu như năm 2001, toàn thành phố có 43.294 gương "người tốt việc tốt" thì đến năm 2015, số gương "người tốt việc tốt" tăng lên đến 62.528 người. Phép so sánh nhỏ cho thấy phong trào sống đẹp, sống có ích đang được triển khai sâu rộng.



Nhóm Thiện Tâm sơ chế, chuẩn bị thức ăn cho buổi phát cơm từ thiện.

Từ xưa, ông cha ta đã chọn đặt tên cho nhiều vùng đất ở Cần Thơ là Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái… để nêu cao lối sống ở đời. Ngay cả cố nhà văn Sơn Nam, khi nhắc đến Cần Thơ, cũng khâm phục: "Chúng ta cứ tưởng tượng đoàn người từ Phong Điền (Cần Thơ) ra đi tìm đất lập nghiệp… Dọc đường, theo rạch Ba Láng, gặp bất cứ người đi rừng nào, bất cứ làn khói nào họ cũng ghé lại làm quen. Người cũ chỉ dẫn người mới một cách thiệt thà, niềm nở" ("Tìm hiểu đất Hậu Giang"). Và lối sống thiệt thà, không so bì đó được người Cần Thơ hôm nay kế thừa và giữ gìn bằng cả lòng thành; làm nên cốt cách người Cần Thơ năng động, trí tuệ, hội nhập mà vẫn giữ nét nhân nghĩa, bao dung.

(Theo Báo Cần Thơ)

Đăng Huỳnh
Bạn đang đọc bài viết "Nét nhân ái của người Cần Thơ" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.