Nét độc đáo ở Lễ giỗ AHDT Nguyễn Trung Trực

22/09/2016 11:19

Theo dõi trên

Mỗi năm cứ đến ngày 26, 27, 28 và 29 tháng 8 âm lịch, người dân khắp nơi hội tụ về TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, nơi có ngôi đình thần thờ người anh hùng dân tộc (AHDT) Nguyễn Trung Trực (1838 - 1868). Họ đến với tấm lòng thành tâm, cởi mở để tỏ lòng tri ân đến công lao của người anh hùng áo vải, hy sinh vì đại nghĩa dân tộc khi tuổi đời vừa chớm 30.


Di tích đình Nguyễn Trung Trực-ảnh: Minh Quân

Trước ngày lễ giỗ truyền thống năm nay ít ngày, chúng tôi đến thăm đền thờ người AHDT nằm trên đường Nguyễn Công Trứ, TP. Rạch Giá. Ngôi đình đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) công nhận di tích lịch sử quốc gia từ năm 1989. Nơi đây còn có nhà trưng bày thân thế, sự nghiệp của cụ được xây dựng khá khang trang.

Ông Đỗ Ngọc Minh, Trưởng Ban bảo vệ di tích cho biết: Trước kia ngôi đình được dựng bằng gỗ, mái lợp lá, do ngư dân trong vùng dựng lên để thờ thần Thành Hoàng và thần bà Nam Hải. Qua nhiều lần sửa chữa ngôi đình mới được như ngày hôm nay. Bởi vậy ngôi đình giờ đây cũng có thể xem là đình thần thờ “tam thánh”.

Vào bên trong chánh điện khách sẽ thấy có ba ngai thờ chính. Chính giữa là ngai thờ AHDT Nguyễn Trung Trực; bên trái thờ Đức phó cơ Nguyễn Hiền Điều và Phó lãnh binh Lâm Quang Ky; bên phải thờ thần Nam Hải. Ngôi mộ của người AHDT nằm phía trước cửa, cạnh bên là hòn non bộ dưới gốc đa cổ thụ quanh năm sum suê, râm mát.

Điều đặc biệt là kinh phí xây dựng đình cũng như lễ giỗ hằng năm đều do nhân dân khắp nơi tự nguyện đóng góp. Hằng năm, hễ cứ đến đầu tháng 8 âm lịch cũng là thời điểm bà con trong vùng vừa thu hoạch xong vụ lúa hè thu, ai cũng có tiền, rảnh rỗi, nên hầu hết tỏ ra phấn khởi, hào phóng, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít. Ít thì góp củ khoai, trái bầu, trái bí, vài cây củi; nhiều thì vài ba tấn gạo, dầu ăn… ai không có của thì góp chừng chục ngày công lao động. Tất cả đều tự nguyện, coi ngày giỗ của ông như ngày giỗ của gia đình, nên ai cũng tự thấy mình có trách nhiệm đóng góp sao cho ngày giỗ được chu toàn. Điều đáng nói là lễ hội hằng năm thu hút hơn một triệu lượt khách tham gia, được ăn uống miễn phí suốt 4 ngày đêm, dưới sự phục vụ của khoảng 1.500 người.



Người dân góp giỗ- nét độc đáo của lễ giỗ Nguyễn Trung Trực- ảnh: Phước Quang

Càng đặc biệt hơn, và cũng có lẽ chưa có địa phương nào làm được đó là xóa “vấn nạn ăn xin nơi lễ hội” thì tuyệt nhiên nơi đây qua các kỳ lễ giỗ chẳng ai thấy một bóng “ăn xin”.

Truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc ta thể hiện rất rõ qua tấm lòng đối với người AHDT Nguyễn Trung Trực đã xả thân vì dân, vì nước của người con vùng đất sông nước Nam bộ, và được người dân tôn trọng, sùng kính đặt cho tên đường ở hầu hết các tỉnh miền Nam. Sinh thời ông không chỉ nổi tiếng với chiến công đốt cháy chiến thuyền Espérance của Pháp trên dòng sông Nhật Tảo vào ngày 10 / 12 /1861 (Nhật Tảo thuở ấy là một làng ven sông Vàm Cỏ Đông, thuộc địa phận Bến Lức, Long An ngày nay. Kiểm soát được con sông này, tức là kiểm soát từ biên giới Campuchia đến Tây Ninh, Gò Công, ngăn chặn được các cuộc tấn công bằng tàu thủy từ Vĩnh Long đánh về Sài Gòn - NV), ông còn nổi tiếng với câu nói mà giờ đây đã trở thành chân lý: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây”. Ông mãi mãi là niềm tự hào của người dân Việt Nam.

(Theo Báo Du Lịch)

Cao Phương
Bạn đang đọc bài viết "Nét độc đáo ở Lễ giỗ AHDT Nguyễn Trung Trực" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.