Na Hang đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống

09/04/2016 22:58

Theo dõi trên

“Đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống, chúng tôi đã xác định lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc trong huyện thực hiện quyết liệt 3 nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay và những năm tiếp theo để thoát khỏi tình trạng kém phát triển”. Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Vân Đình Thảo, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy huyện vùng cao Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vừa trả lời phỏng vấn PV Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam.

 
Bí thư Huyện ủy Na Hang Vân Đình Thảo (bên trái) trao đổi với PV về đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống - Ảnh: Tiến Dũng

Huyện ủy Na Hang đã phân tích thực trạng hiện có 9/11 xã khó khăn thuộc diện 135, vẫn còn trên 30 thôn bản chưa có điện lưới quốc gia. Huyện có hơn 45.000 dân, hơn 80% là dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Mông sinh sống trên địa bàn hơn 86.000 ha, trong đó trên 70% là núi, rừng phòng hộ, còn lại là đất dân ở và sản xuất nông lâm ngư nghiệp, trong đó có hơn 4000 ha mặt nước hồ thủy điện Tuyên Quang. Điểm xuất phát của Na Hang để thực hiện Nghị quyết Đại XII của Đảng ở mức rất thấp về kinh tế so với mặt bằng chung của cả nước, hiện vẫn còn trên 50% hộ nghèo và 11% hộ cận nghèo, trong đó xã Sinh Long có trên 70% hộ nghèo theo tiêu chí mới.
 
 
Lãnh đạo huyện Na Hang kiểm tra mô hình chè shan tại xã Hồng Thái (Na Hang)

Theo Bí thư Huyện ủy huyện Na Hang Vân Đình Thảo: Để thoát khỏi huyện nghèo, nhiệm vụ thứ nhất của Na Hang là phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản chất lượng cao. Bên cạnh đưa giống lúa lai năng suất cao vào sản xuất đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, Na Hang tập trung phát triển một số cây trồng tạo ra nông sản hàng hóa như cây ngô, đậu tương, đậu xanh, đặc biệt là lúa nếp cái hoa vàng các xã phía bắc của huyện. Huyện hỗ trợ bà con các giống lúa, ngô, đậu bảo đảm chất lượng tốt để gieo trồng. Phát huy thế mạnh rừng núi, Na Hang phát triển rừng sản xuất cung cấp nguyên liệu chế biến gỗ tại các địa phương; thực hiện tốt công tác phát triển chăn nuôi đại gia súc giai đoạn 2015-2020 với quy mô tổng đàn hiện có trên 18.000 con trâu bò thịt cung ứng cho các đô thị; đẩy mạnh phát triển thương hiệu các sản phẩm chè đặc sản, rượu ngô men lá, xây dựng thương hiệu thịt trâu khô gắn với mở rộng thị trường…
 
 
Một góc thị trấn huyện lỵ Na Hang (Tuyên Quang)
 
Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai của Na Hang là tận dụng phong cảnh đẹp của hồ thủy điện Tuyên Quang, núi, rừng ven hồ phát triển du lịch lòng hồ gắn với du lịch sinh thái, thám hiểm núi đá, rừng nguyên sinh có nhiều loại gỗ quý. Kết quả quý I/2016, đã có hơn  20.000 lượt khách du lịch đến huyện Na Hang; số doanh thu xã hội từ du lịch đạt 16 tỷ đồng. Hiện thị trấn Na Hang đã xuất hiện một số nhà hàng, khách sạn có thể phục vụ lưu trú qua đêm 300 khách. Trên hồ thủy điện Tuyên Quang đã có một số hộ nuôi trên 300 lồng các loại cá lăng, chiên, bống... với sản lượng trên 600 tấn cá/năm cung ứng cho miền xuôi và phục vụ khách du lịch tại chỗ. Na Hang cũng đã quy hoạch hơn 300 ha ở Phiêng Bung gần thị trấn Na Hang thành khu  lâm viên du lịch sinh thái hồ nhưng chưa có nhà đầu tư. Vừa rồi, lãnh đạo Tập đoàn Vingroup có lên gặp lãnh đạo huyện Na Hang tìm hiểu cơ hội đầu tư nhưng chưa thấy quay trở lại. Ngoài ra, Na Hang định hướng chỉ đạo xã Hồng Thái ở độ cao trên 1000 m so với mặt nước biển phát triển du lịch sinh thái vùng trồng cam, lê, chè shan (tuyết), tận dụng tiểu khí hậu ôn đới để trồng rau sạch cung ứng cho miền xuôi.
 
 
Thắng cảnh hồ thủy điện Tuyên Quang tại Na Hang
 
Bí thư huyện ủy Na Hang Vân Đình Thảo rất  mong được lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang và Trung ương quan tâm đầu tư tiếp phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ để có điều kiện phát triển du lịch. Na Hang trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với huyện vùng cao này khai thác hồ thủy điện Tuyên Quang và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ nơi đây phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững.
 
 
Khu bảo tồn Na Hang với hệ sinh thái phong phú gồm nhiều loại động vật quý hiếm
 
Nhiệm vụ trọng tâm thứ 3 của Na Hang là xây dựng nông thôn mới. Hiện Na Hang mới chỉ có xã Năng Khả đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm nay, phấn đấu có thêm xã Côn Lôn đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, cố gắng đến năm 2020 có thêm 2 xã Hồng Thái và Thanh Tương đạt chuẩn nông thôn mới. Khó khăn nhất trong xây dựng nông thôn mới của Na Hang là phát triển giao thông, thủy lợi và chuyển dịch cơ cấu cây trồng chưa gắn với chuyển dịch lao động, chưa thoát khỏi sản xuất nhỏ lẻ, tự cung cấp, chưa tạo ra sản phẩm hàng hóa có thương hiệu mạnh để nâng cao thu nhập theo tiêu chí nông thôn mới.
 
 
Phát triển đàn trâu hàng hóa tại xã vùng cao Năng Khả (Na Hang) - Ảnh Phúc Thái Sơn

Để thực hiện mục tiêu đó, các cấp ủy, chính quyền và tổ chức chính trị-xã hội các cấp ở Na Hang đã và tiếp tục quán triệt,  xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm khả thi, thiết thực, hiệu quả. 
 
Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, thực hiện đồng bộ có hiệu quả các nội dung giải pháp nêu trên, Na Hang sẽ tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu hàng năm giảm 4% hộ nghèo, sớm thoát khỏi huyện nghèo, trở thành huyện phát triển toàn diện, thoát nghèo bền vững của tỉnh Tuyên Quang.
 
Xuân Bân - Tiến Dũng

Bạn đang đọc bài viết "Na Hang đưa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào cuộc sống" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.