Một số giải pháp xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp

21/03/2022 08:53

Theo dõi trên

Doanh nghiệp đừng vội cho rằng đầu tư cho sách và văn hóa đọc là đầu tư không biết bao giờ sinh lợi! Các lợi ích của doanh nghiệp và của người lao động còn ở việc tham gia vào xây dựng những cá nhân ham đọc, ham hiểu biết, có lẽ sống tốt, có nhận thức tích cực…

Văn hóa đọc là thái độ, ứng xử đọc, giá trị đọc, chuẩn mực đọc của mỗi cá nhân, của cộng đồng xã hội và của các nhà quản lý, các cơ quan quản lý nhà nước. Trong doanh nghiệp, đó là thái độ, ứng xử, giá trị đọc, cách thức đọc của công nhân, người lao động, nhà quản lý, thể hiện cả trong và ngoài doanh nghiệp, có thể góp phần tạo nên bản sắc hay giá trị riêng của doanh nghiệp. Tức là, việc tạo thói quen đọc và xây dựng văn hóa đọc cho mỗi cá nhân tại doanh nghiệp, là rất tốt nhưng khi đặt trong khuôn khổ của một doanh nghiệp thì văn hóa đọc phải tạo nên những ích lợi gì đó cho doanh nghiệp và các chủ thể khác.

11-03-2022-mot-so-giai-phap-xay-dung-van-hoa-doc-trong-doanh-nghiep-48f0f206-details-1647827591.jpg
Tọa đàm “Văn hóa đọc trong doanh nghiệp” nằm trong Tuần lễ Doanh nhân và Sách do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam (Chi nhánh phía Nam), Công ty TNHH Đường sách TPHCM tổ chức, tháng 10/2020. (Ảnh: doanhnhansaigon.vn)

Doanh nghiệp muốn có được lợi ích từ việc xây dựng văn hóa đọc thì phải làm cho mọi người trong doanh nghiệp thấy rằng việc đọc sách thực sự có ích cho bản thân họ và cho doanh nghiệp. Các giải pháp tuyên truyền, vận động, khuyến khích… đọc trong công nhân, người lao động phải đồng thời đem đến cho họ nhiều lợi ích. Họ đọc trước hết là để mở mang kiến thức, tự làm giàu vốn kiến thức, vốn sống, vốn văn hóa… cho bản thân, sau nữa là gợi mở những suy nghĩ, ý tưởng và hành động mới một cách tích cực.

Lợi ích vật chất là quan trọng và cần thiết. Chẳng hạn, phát động một cuộc thi tìm hiểu sách hoặc về một vấn đề nào đó mà người tham gia phải đọc sách mà giải thưởng không chỉ có giá trị tượng trưng. Cuộc thi đó phải được tổ chức thế nào để có đông đảo người tham gia, dù là anh quản đốc có trình độ thạc sĩ hay chị tạp vụ có trình độ trung học cơ sở và cơ hội có giải thưởng không hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ mà chủ yếu ở khả năng “cảm”, sự gợi mở để hình thành những ý tưởng… Do đó, có thể là một cuộc thi: Hãy tóm tắt tác phẩm X trong một trang giấy, đồng thời nêu điều tâm đắc nhất trong tác phẩm; từ điều tâm đắc đó, anh, chị có thể vận dụng để cải tiến, nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc của mình trong công ty như thế nào?...

Doanh nghiệp phải chú ý là từ điều đọc được trong sách, người lao động đã vận dụng như thế nào và đem lại kết quả gì trong công việc. Kết quả đó góp phần tích cực vào việc tăng năng suất lao động để được tăng thu nhập, vào việc cải tiến kỹ thuật để được thăng tiến… Tức là, tính thiết thực từ việc thâu thái các kiến thức cần thiết khi đọc sách phải được thể hiện rõ nét. Thí dụ, một nhân viên tiếp tân sau khi đọc sách về văn hóa giao tiếp đã có sự tiến bộ vượt bậc trong tiếp khách, ứng xử với khách thì được đánh giá là nhân viên tiến bộ của năm, được nhận một phần thưởng và năm tiếp theo đã được bổ nhiệm làm phó phòng hành chính, phụ trách giao tế… Như vậy, điều mà nhân viên tích lũy được tuy trước hết là bồi bổ cho chính bản thân người đó nhưng sau nữa thì đem lại lợi ích vật chất cho họ và từ đó góp phần đem lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Về lợi ích tinh thần, trong tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu về muốn được tin cậy, muốn được tôn trọng, muốn được thể hiện là những đòi hỏi cao của một cá nhân, sau khi vượt lên trên các nhu cầu về vật chất mang tính sinh học. Trong doanh nghiệp, chắc chắn luôn có những cá nhân mong muốn được mọi người tin tưởng, giao những công việc đặc biệt, khi họ hoàn thành thì mong muốn được tôn trọng, từ đó muốn được khẳng định mình và thể hiện năng lực, vai trò, vị trí của cá nhân. Do đó, trong việc khuyến khích đọc sách, lãnh đạo doanh nghiệp cần thúc đẩy mọi người bộc lộ năng lực cá nhân để được tin tưởng, được tôn trọng, được yêu quý, được khẳng định giá trị bản thân…

Khi doanh nghiệp xây dựng văn hóa đọc thành một nền nếp có tính chất bền vững thì chắc chắn sẽ hình thành nên một bản sắc riêng. Bản sắc đó hẳn được thể hiện trong cách tổ chức, hoạt động và xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp, đồng thời thể hiện ở thói quen, nếp nghĩ, cách làm của từng cá nhân. Đây thực sự là một loại văn hóa, một thứ quyền lực mềm của doanh nghiệp để người lao động không chỉ được làm việc, được kiếm sống mà còn được trải nghiệm, được chia sẻ, được khẳng định trong doanh nghiệp, tức là họ cảm thấy được hạnh phúc với công việc mình đang làm và với nơi mình đang làm. Điều đó thúc đẩy sự tận tâm, sự gắn bó và cống hiến của người lao động.

Để khích lệ công nhân, người lao động đọc sách thì lãnh đạo và những người quản lý của doanh nghiệp phải thực sự yêu thích đọc sách và biết đọc. Không thích đọc thì không thể truyền cảm hứng tình yêu đọc sách, xây dựng văn hóa đọc đến với người khác. Không biết đọc thì cũng sẽ không biết chọn sách gì cho người lao động của mình, không biết hướng dẫn, gợi ý cho công nhân đọc ra sao, không biết cách tổ chức các cuộc thi, tìm hiểu hay đơn giản hơn là phong trào, đợt đọc sách sao cho hay, hấp dẫn, có ý nghĩa… Bản thân người lãnh đạo không đọc sách thì tự nhiên đã không xây dựng được văn hóa đọc trong doanh nghiệp.

Có nhiều giải pháp để xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp. Tùy điều kiện cụ thể mà có thể áp dụng cho phù hợp. Chẳng hạn, lập tủ sách/kệ sách và phòng đọc/nơi đọc; khuyến khích người đọc tự giác chọn sách, tự giác đọc và tự giác trả lại chỗ cũ. Thường xuyên bổ sung sách mới và có danh mục sách để mọi người dễ nắm bắt (có thể giới thiệu trên trang thông tin điện tử hoặc fanpage của doanh nghiệp). Thường xuyên tặng sách cho công nhân và con em họ vào một số dịp trong năm, như ngày thành lập doanh nghiệp, ngày tết, Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Quốc tế Thiếu nhi… Định kỳ tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sách bằng những hình thức phù hợp gắn với các đợt sinh hoạt văn thể mỹ của doanh nghiệp. Thường xuyên phát động các đợt đọc sách trong doanh nghiệp theo những chủ đề nhất định và có cách thức đánh giá kết quả, hiệu quả việc đợt phát động đó. Ở bảng tin hoặc ở website hay fanpage doanh nghiệp nên thường xuyên có nội dung liên quan đến sách và việc đọc sách để nhắc nhở mọi người không quên đọc sách…

Doanh nghiệp khích lệ đọc sách và nỗ lực xây dựng văn hóa đọc nhưng không có nghĩa là không xem trọng cách hình thức đọc khác hay các biện pháp nâng cao kiến thức khác. Đồng thời, lãnh đạo doanh nghiệp cũng không quá cứng nhắc, nghiêm trọng hóa vấn đề xây dựng văn hóa đọc với các đòi hỏi quá cao hoặc đồng nhất với tất cả các đối tượng. Nên nhìn nhận rằng, đọc không chỉ để biết, để làm mà còn để cảm, để vui, để lan tỏa. Cần có sự kết hợp hài hòa các hình thức, các biện pháp sao cho hiệu quả, tiện lợi, linh hoạt.

Doanh nghiệp đừng vội cho rằng đầu tư cho sách và văn hóa đọc là đầu tư không biết bao giờ sinh lợi! Các lợi ích của doanh nghiệp và của người lao động còn ở việc tham gia vào xây dựng những cá nhân ham đọc, ham hiểu biết, có lẽ sống tốt, có nhận thức tích cực…, từ đó đóng góp cho xã hội những công dân gương mẫu, có ích. Một xã hội có nhiều cá nhân, nhiều công dân như thế thì sẽ tác động tích cực đến nhiều điều cho chính doanh nghiệp, trong tầm nhìn rộng và dài hạn!

Theo hcmcpv.org.vn
Bạn đang đọc bài viết "Một số giải pháp xây dựng văn hóa đọc trong doanh nghiệp" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.