Sức mạnh chiến thắng đó được tạo nên bởi nhiều yếu tố, nhiều lực lượng, nhiều mặt trận, trong đó mặt trận công tác tư tưởng - một nhân tố rất quan trọng, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Xuất phát từ yêu cầu cách mạng trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác tư tưởng của Đảng ta được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo và linh hoạt, mang lại hiệu quả cao, để lại những dấu ấn sâu đậm như tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng, mở lớp tập huấn, tuyên truyền qua báo chí, xuất bản, tuyên truyền miệng, hoạt động văn hoá, văn nghệ, cổ động trực quan... Công tác tư tưởng đã huy động được sự tham gia tích cực của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, nòng cốt là các binh chủng và đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, tạo ra một mặt trận tư tưởng sâu rộng, thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Trung ương, của các tổ chức và cấp ủy Đảng. Thời kỳ này, những vấn đề về công tác tư tưởng cũng được nêu trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng để chỉ đạo cuộc kháng chiến. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các chính sách lớn của MTTQ Việt Nam, của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều được các cấp ủy, tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc, phổ biến sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân.
Ở miền Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam và Ban Tuyên huấn các khu ủy, tỉnh ủy được thành lập với chức năng tham mưu về công tác tư tưởng và làm nhiệm vụ như một bộ máy chuyên trách kiểm tra, đôn đốc thực hiện các mặt công tác tuyên huấn và khoa giáo. Các cơ quan báo chí, văn hóa, văn nghệ, trường đào tạo cán bộ được thành lập để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ động phục vụ quân và dân ta. Công tác tư tưởng đã cổ vũ quân và dân ta đẩy mạnh đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang trên cả ba vùng chiến lược, góp phần thực hiện ba mũi giáp công[1], khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.
Trước sự đàn áp dã man của kẻ thù, nhất là các thủ đoạn dồn dân lập ấp chiến lược, xây dựng vành đai trắng, hoạt động tuyên truyền miệng được chú trọng. Thông qua lực lượng cán bộ cốt cán, qua các đường dây liên lạc, hộp thư bí mật, chủ trương của Đảng vẫn đến được với Nhân dân, thắp sáng lên ngọn lửa niềm tin, khơi dậy ý chí bền gan tranh đấu ngay trong lòng địch. Các chiến sĩ cách mạng dù bị địch bắt bớ, tù đày, bị tra tấn dã man cận kề cái chết nhưng vẫn kiên trung, bất khuất tiếp tục tổ chức và củng cố lực lượng, tuyên truyền giáo dục cách mạng trong các nhà tù, trại giam của địch.
Trên khắp miền Nam dấy lên phong trào “Thi đua giết giặc, lập công”, phong trào “Năm xung phong” trong thanh niên, phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, phong trào thi đua đạt các danh hiệu dũng sĩ, phong trào “Dân tộc tự quyết”, “Bảo vệ hòa bình” trong các đô thị…, với các phong trào yêu nước đó, mặt trận tư tưởng đã góp phần quan trọng phát động Nhân dân tham gia đấu tranh chính trị, binh vận, cổ vũ động viên quân và dân ta vượt qua hy sinh, gian khổ, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng. Việc nhạy bén nắm bắt tình hình công tác tư tưởng được triển khai mạnh mẽ, định hướng hành động của quân và dân ta trong từng giai đoạn, nhất là vào những bước chuyển của cuộc chiến tranh, trước những sự kiện lớn[2], công tác tư tưởng đã kịp thời phát hiện, uốn nắn tư tưởng lệch lạc; đấu tranh chống sự phá hoại tư tưởng của các lực lượng thù địch, chống chiến tranh tâm lý, văn hóa nô dịch của Mỹ - ngụy.
Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Đảng, Bác Hồ, của miền Nam ruột thịt, lớp lớp thanh niên miền Bắc nối nhau “xẻ dọc Trường Sơn” ra mặt trận. Đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng, phóng viên, văn nghệ sĩ, bác sĩ, nhà giáo, nhà khoa học, vượt qua bom đạn quân thù vào chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Những buổi biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội trên chiến hào còn khét mùi thuốc súng; những tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, phim, ảnh... ra đời trong kháng chiến đã có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của bộ đội và Nhân dân ta. Đây cũng là thời kỳ đã để lại rất nhiều tác phẩm xuất sắc, không chỉ làm giàu thêm kho tàng văn học, nghệ thuật Việt Nam mà còn có sức lan toả, thu phục trái tim nhân loại ủng hộ cho cuộc đấu tranh của Nhân dân ta.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền đối ngoại cũng được triển khai mạnh mẽ dưới nhiều hình thức, nhất là qua các tác phẩm báo chí, thơ ca, phim, ảnh, qua các diễn đàn, hội nghị và tổ chức quốc tế, góp phần làm cho Nhân dân thế giới thấy rõ tội ác dã man của đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, hiểu và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân ta; đồng thời củng cố tình đoàn kết giữa Nhân dân ta với Nhân dân Lào, Campuchia, Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới, trong đó có cả nhân dân tiến bộ của nước Mỹ…
Tiêu biểu trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, công tác tư tưởng đã phát huy cao độ, huy động mọi lực lượng phương tiện tham gia. Các binh chủng làm công tác tư tưởng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến; nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương đơn vị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các đơn vị quân đội đã quán triệt đến mọi cán bộ, đảng viên chiến sỹ tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Nắm từng thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”; biến ý chí, quyết tâm thành hành động, giành toàn thắng trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Lúc này, các hoạt động thông tin tuyên truyền, nhất là các cơ quan báo chí, kịp thời đưa tin chiến thắng, khơi dậy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong đồng bào và chiến sĩ cả nước. Tất cả đều bừng bừng khí thế “thần tốc, thần tốc hơn nữa”, “táo bạo, táo bạo hơn nữa” tiến về giải phóng Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch. Trong hào khí đó, cùng với nhiều bài hát nổi tiếng khác, bài hát Như có Bác trong ngày đại thắng, qua Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên trên các đường phố Sài Gòn, vang vọng khắp hai miền đất nước trong ngày đại thắng 30/4/1975; mặt trận công tác tư tưởng đã góp phần xứng đáng cùng toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên một trong những chiến công vĩ đại nhất trong thế kỷ XX.
Trước bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước chính là dịp để chúng ta tổng kết, đánh giá, thấy được những bài học kinh nghiệm quý giá trên mặt trận công tác tư tưởng của Đảng, để từ đó vận dụng vào thực tiễn công cuộc đổi mới, làm rõ và nhận thức sâu sắc hơn quan điểm công tác tư tưởng là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng của Đảng ta, nền tảng chính trị, tinh thần của chế độ ta; tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
[1] Ba vùng chiến lược: Rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị; ba mũi giáp công: chính trị, quân sự, binh vận.
[2] Như thời kỳ sau Hiệp định Gioneva năm 1954; thời kỳ Mỹ - ngụy thực hiện Luật 10/59, lập ấp chiến lược, đàn áp tàn bạo phong trào cách mạng; thời kỳ trước, trong và sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; thời kỳ Hiệp định Pari được ký kết năm 1973; thời kỳ trước và trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975...