Phân vai cho từng giám khảo
Thực ra, những gì Trấn Thành giãi bày thì người trong giới đều biết, nhất là những nghệ sĩ từng một lần được mời ngồi “ghế nóng” game show. Mỗi giám khảo, huấn luyện viên đều được phân vai diễn để tạo nên sắc thái cảm xúc khác nhau cho một vở diễn hoàn hảo khi game show lên sóng truyền hình. Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói: “Có một chuyển động rất quan trọng trong vai trò của người làm giám khảo tại các game show của Việt Nam hiện nay là từ một vai trò chứng nhận cho các giá trị thực tế và sự công bằng tương đối của một cuộc thi, các thành viên giám khảo giờ đã thay đổi chỉ còn là sự trình diễn mang tính tác động tâm lý. Họ trở thành những diễn viên của may rủi”.
Trở thành một nhân tố trình diễn trong một cuộc chơi có tính kích động và cả những mâu thuẫn có phần giả tạo, “ban giám khảo không còn cầm cân nảy mực mà bị ép diễn hoặc biến mình thành những vai trò kỳ lạ” - ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi bộc bạch. Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn khẳng định chẳng bao giờ nhận làm giám khảo game show truyền hình thêm lần nữa. Anh cho biết: “Tôi thấy kỳ cục vì mình là giám khảo nhưng khi chấm điểm một thí sinh, tôi buộc nhìn vào bảng chỉ dẫn của đơn vị sản xuất”. “Tôi không có khiếu làm diễn viên như thế!” - nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn mỉa mai.
Đòi hỏi giám khảo là những nhà chuyên môn giỏi không còn phù hợp trong các game show truyền hình hiện nay. Ngồi ở “ghế nóng” hôm nay, người đóng vai giám khảo phải thỏa mãn các yêu cầu khác của khán giả: Một nhà xã hội học, một nhà tâm lý và phải biết cách trình bày trước đám đông. Nếu không thích nghi, họ sớm bị loại khỏi chương trình và tất nhiên các nhà sản xuất khác không còn quan tâm đến.
“Giọng hát Việt 2017” gặp phải sự chỉ trích của người trong giới và công chúng khi thay mới dàn huấn luyện viên toàn người trẻ bị cho là “chưa đủ tầm về chuyên môn” nhưng nhà sản xuất chương trình này không hẳn không có lý bởi những tranh cãi về dàn huấn luyện viên “chưa đủ tầm chuyên môn” này đã đủ để gây nên ồn ào cần thiết trên các trang mạng cho suốt mùa giải.
Có một đạo diễn điện ảnh chẳng hiểu biết gì mấy về chuyên môn âm nhạc nhưng ông vẫn được nhà sản xuất các chương trình game show ca nhạc thay nhau mời ngồi “ghế nóng” chỉ vì kiểu nhận xét thí sinh gây sốc của ông ta. Khó nhất đối với nhà sản xuất game show là không tìm được nghệ sĩ đóng vai giám khảo ác vì ai cũng sợ công chúng và người nhà thí sinh “ném đá” trên mạng. Chỉ những giám khảo như vị đạo diễn này luôn tỏ quan điểm sẵn sàng đón nhận mọi thái độ của công luận miễn là được trả nhiều tiền.
Việc sắm vai cho giám khảo của nhà sản xuất cũng là nhằm tạo thế “cân bằng”. Nếu có giám khảo “mặt lạnh” thì sẽ có người “mặt nóng”; có vai hiền thì cũng có vai ác và những người còn lại là trung dung. Khán giả dễ dàng nhận thấy các vai diễn này xuất hiện lớp lang trên sóng truyền hình nhưng ở trường quay, mọi thứ diễn ra ồn ào như cái “chợ”. Các giám khảo mạnh ai nấy nói, họ được quyền tự do biểu đạt suy nghĩ và thể hiện cá tính của mình. Nhà sản xuất cũng khuyến kích điều đó. Vì như vậy, biên tập chương trình mới có nguyên liệu để chế biến thành tính cách của mỗi vị giám khảo và thành những màn tranh luận hút khách do các thành viên ban giám khảo tạo ra. Nhà sản xuất có khả năng tạo nên nhiều câu nói hoàn chỉnh của nhân vật theo ý đồ của mình bằng cách cắt ghép những từ đơn lẻ. “Thủ thuật này được giới truyền hình đặt tên là frankenbiting. Vì vậy, người xem không nên tin 100% vào những gì đang diễn ra trên truyền hình bởi đó đều là những hình ảnh được chọn lọc và cắt ghép kỹ lưỡng có mục đích” - một người trong giới sản xuất chương trình truyền hình nói.
Câu chuyện về sắp đặt kết quả
“Game show chỉ là trò giải trí nên khán giả không nên trông đợi một kết quả đúng” - đó là lời nhắn nhủ của nhiều nghệ sĩ có gắn bó với các chương trình game show truyền hình. Điều này cũng dễ hiểu bởi kết quả luôn được định trước, nhất là những chương trình thi hát có huấn luyện viên. Thí sinh của đội huấn luyện viên nào sẽ thắng đã được thỏa thuận ngay khi nghệ sĩ đó ký kết hợp đồng nhận lời làm một trong những huấn luyện viên của chương trình. Điều này nghe tưởng chừng vô lý nhưng là sự thật, vài ngôi sao đã ra điều kiện với nhà sản xuất như vậy nếu muốn họ tham gia. Để không phải rơi vào tình cảnh muối mặt với khán giả nếu quán quân ấy quá tệ, nhà sản xuất phải tính toán đẩy thí sinh có chất lượng về đội của ngôi sao mà mình đã cam kết. Ngay việc tranh nhau thí sinh về đội của mình của các huấn luyện viên như đã thấy trên sóng truyền hình đều là giả hết. Chính giám đốc âm nhạc hay ê- kíp tổ chức sản xuất của chương trình đã phân bổ gần như xong cho mỗi đội sau vòng thi sơ khảo.
Một ca sĩ hải ngoại lần đầu về nước nhận ngồi ghế huấn luyện viên cho một game show thốt lên: “Khó tin quá vì rõ ràng chúng tôi đã làm rất tốt, điều đó được thể hiện rõ trên sân khấu, ai cũng có thể thấy nhưng kết quả đội chúng tôi vẫn thua”.
Ca sĩ T. được xem là người gây “nhức não” nhất đối với các nhà sản xuất game show bởi đi kèm sự đồng ý của cô là một loạt điều khoản gây khó: thù lao hàng cao ngất, quán quân và người cùng ngồi “ghế nóng” phải là người do cô chỉ định. T. làm được điều đó bởi cô là một trong những ca sĩ vừa bảo đảm chuyên môn vừa có lượng người hâm mộ hùng hậu. Điều này khiến cho nhà sản xuất an tâm.
“Chơi hàng kèm”
Không ít trường hợp nhà sản xuất game show phải ngậm đắng nuốt cay khi phải chấp nhận những yêu sách theo kiểu “bán bia kèm mồi” của mấy nghệ sĩ ngôi sao khi mời họ vào vai giám khảo chương trình. Nhiều câu hỏi đặt ra cho nhà sản xuất game show từ phía báo chí và giới chuyên môn là tại sao lại là D. mà không phải huấn luyện viên nào khác thu hút hơn? Nhà sản xuất trả lời ậm ừ cho qua nhưng câu chuyện hậu trường thì giải thích rõ “D. chính là người mà ca sĩ T. yêu cầu nhà sản xuất phải mời bởi D. là đối tác tạo độ an toàn cho cô khi ngồi ghế nóng”. Đây cũng là chiêu bài của ca sĩ H. khi anh nhận lời làm giám khảo ở các game show. H. yêu cầu nếu chương trình muốn anh tham gia thì phải có V. Bởi vậy, người trong giới không còn lạ gì chiêu thức “chơi hàng kèm” của nhiều ngôi sao ở thế giới game show hiện nay.