Tới dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc Hội; Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ; Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và một số tỉnh, thành phố.
Tới dự còn có bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; ông Park Nark Gong - tham tán văn hóa kiêm Giám đốc Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Khăm Sỉ Nuôn Thong - Ủy viên BTV Tỉnh ủy - Phó trưởng Tỉnh Xiêng Khoảng; Khăm Sỉ Út Thi Vông - Trưởng Ban tổ chức Tỉnh Khăm Muộn; bà Bu Nhông - Ủy viên BTV Tỉnh ủy - Phó tỉnh trưởng Tỉnh Boly Khămxay; ông Phu Văn Phết My Say - Phó giám đốc Sở VHTT và DL tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong phiên họp ngày 27/11/2014, tại Paris, Pháp. Việc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh đã cho thấy thế giới đánh giá cao loại hình nghệ thuật dân gian đặc biệt này, giúp cộng đồng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn và phát huy di sản một cách bền vững.
Phát biểu tại lễ nhận bằng và vinh danh, đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An khẳng định, việc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh thực sự là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà của cả nước. Từ đây dân ca Nghệ Tĩnh đã có trên bản đồ văn hóa thế giới, thực sự trở thành một phần của di sản văn hóa nhân loại.
Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội khẳng định, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đáp ứng cả 5 tiêu chí để trở thành di sản đại diện của nhân loại và được các thành viên của Ủy ban Liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đánh giá cao. UNESCO mong muốn chính quyền và người dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ có những biện pháp để phát huy giá trị của dân ca ví, giặm xứ Nghệ, thực hiện những nội dung trong chương trình hành động quốc gia đã được xây dựng để di sản phát triển hơn nữa.
Sau phần Lễ công bố quyết định của UNESCO, trao bằng; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm. Những nội dung chính như: Tăng cường giới thiệu dân ca Ví, Giặm ở trong và ngoài nước theo định kì luân phiên 3 năm/lần tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ ở Nghệ An và Hà Tĩnh bảo vệ và phát huy gái trị văn hóa dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ; hỗ trợ cộng đồng, các câu lạc bộ, nghệ nhân phục hồi, lưu truyền các bài hát, hình thức diễn xướng đã bị mai một…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, xứ Nghệ là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, hiếu học. Người dân lao động xứ Nghệ đã sáng tác, trao truyền những làn điệu dân ca Ví, Giặm đặc sắc, góp phần hun đúc nên cốt cách, tinh thần con người xứ Nghệ, điển hình cho con người Việt Nam.
Thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đồng chí Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cảm ơn sự ghi nhận của bạn bè quốc tế, của các cơ quan, ban ngành trung ương. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục nỗ lực phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm để nâng tầm những giá trị văn hóa dân tộc, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể điển hình của nhân loại, lan tỏa, trường tồn cùng với sự phát triển của quê hương đất nước.
Sau phần lễ trao bằng công nhận, chương trình vinh danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh với chủ đề "Về miền ví giặm" với những tiết mục dân ca đặc sắc và sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ hàng đầu cùng các câu lạc bộ, nghệ nhân dân gian ở hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh.