
Tham dự lễ có đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Ngãi; đại diện Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Lý Sơn và lãnh đạo các phòng, ban huyện Lý Sơn; lãnh đạo xã An Hải, các đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn huyện đảo Lý Sơn, các vị chức sắc, du khách cùng hàng nghìn bà con nhân dân trong xã; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài tỉnh đến dự đưa tin buổi lễ.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa năm nay tại Đình làng An Hải gồm các phần: Lễ cung nghinh tại các cơ sở thờ tự về Đình làng; lễ nhập yết; lễ tế tự cúng tam phủ, các chư vị thần linh và các chiến sĩ trận vong tại Hoàng Sa được tổ chức tối 5/4; Phần chánh lễ khao lề, lễ thả thuyền thế lính Hoàng Sa và đua thuyền tứ linh được tổ chức sáng ngày 6/4.

Năm nay, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Đình làng An Hải được làm 4 mô hình thuyền câu và hàng chục bài vị, linh vị ghi tên tuổi, danh tính các hùng binh Hoàng Sa của 7 tộc họ trong xã. Đây là những mô hình thuyền không thể thiếu trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Lễ được tổ chức theo nghi lễ truyền thống trên đảo, tái hiện nghi lễ tiễn đưa những hùng binh năm xưa vâng lệnh triều đình ra quần đảo Hoàng Sa cắm mốc, dựng bia và tuần tra, khai thác sản vật, khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên vùng Biển Đông.



Thầy cúng chính đang tế lính Hoàng Sa
Từ xa xưa lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã trở thành một lễ hội quan trọng, thiêng liêng đi sâu vào tiềm thức biết bao nhiêu thế hệ của người dân Quảng Ngãi, người dân Lý Sơn nói chung, người dân xã An Hải nói riêng. Đồng thời, đây chính là ngày để mọi người có dịp báo hiếu tri ân, trả nghĩa, đền đáp phần nào công ơn sinh thành, tạo dựng của tổ tiên, những vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cư…

Sau buổi lễ, Ban tổ chức lễ tổ chức đua thuyền truyền thống tứ linh Long - Ly - Qui - Phụng giữa 4 đội thuyền trong xã với sự cổ vũ của hàng nghìn người dân và du khách thập phương.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ là một di sản văn hóa phi vật thể hết sức quý giá mà còn có giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời, đây là dịp bà con các tộc họ trên huyện đảo cùng nhau bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, giáo dục truyền thống của dân tộc, đoàn kết, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.