Lễ hội Sút Yâng của đồng bào Chăm, Bình Thuận

23/11/2015 09:05

Theo dõi trên

Sút Yâng - một lễ lớn và quan trọng, là dịp để đồng bào của người Chăm Bàni (Bắc Bình, Bình Thuận), thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc tổ tiên, cầu cho xóm làng yên ấm, mưa thuận gió hòa và mùa màng tươi tốt…


Dân tộc Chăm. Ảnh: Internet

Ở mỗi địa phương khác nhau thì lễ Sút Yâng lại có sự khác biệt trong ngày tháng và độc đáo riêng trong việc tổ chức. Lễ Sút Yâng (huyện Bắc Bình) được tổ chức vào ngày 12/3 Âm lịch và kết thúc vào ngày 18/4 Âm lịch.

Theo qui định từ xa xưa của tổ tiên người Chăm Bàni nơi đây, thánh đường đầu tiên thực hiện Kinh hội xoay vòng là thánh đường thôn Bình Hòa. Đây là thánh đường gốc được xây dựng đầu tiên trong 6 thánh đường ở Bắc Bình, tiếp đến là thánh đường thôn Bình Thắng, thôn Bình Minh (xã Phan Hòa); thánh đường thôn Cảnh Diễn, thôn Thanh Khiết và cuối cùng lễ hội sẽ được diễn ra ở thánh đường thôn Châu Hanh (xã Phan Thanh).

Vào ngày lễ bà con đều mang những lễ vật là trầu cau, thuốc lá, bánh, chuối đến dự đầy đủ ở cả 6 thánh đường để cầu mong thượng đế phù hộ, khấn vái ông bà tổ tiên ban phước lành cho gia đình. Có thể thấy, người Chăm nơi đây rất coi trọng những nghi thức tín ngưỡng của mình, tạo nên nét văn hóa truyền thống lưu truyền cho nhiều thế hệ.

Đồng bào Chăm huyện Bắc Bình có 4.279 hộ/21.376 khẩu, chiếm 17,62% dân số toàn huyện, sống tập trung ở 03 xã: Phan Hoà, Phan Hiệp, Phan Thanh và 02 thôn xen ghép Lương Bắc (Lương Sơn), An Lạc (Bình An); ngoài ra có một số hộ sống rải rác ở các xã Phan Sơn, Phan Lâm, Phan Tiến; bà con chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, mốt số ít làm dịch vụ, buôn bán nhỏ. Hầu hết dân tộc Chăm ở Bắc Bình theo 02 tôn giáo chính là Bàlamôn giáo, Hồi giáo Bàni, lưu truyền chế độ mẫu hệ và có một nền văn hóa lâu đời.

Trong lễ hội này, vai trò chính thuộc về sư cả trụ trì và các chức sắc của thánh đường đó. Để chuẩn bị cho phần lễ, các chức sắc tôn giáo tại thánh đường luôn phải làm nghi thức tẩy rửa tay chân, chỉnh đốn trang phục. Bắt đầu buổi lễ là 6 thầy Char mang những ấm nước chuẩn bị cho lễ cúng. Tiếp đến sẽ có 1 ông Mưm làm nghi thức đánh trống, trống được tẩy rửa tượng trưng 2 lần nước, sau đó là 3 hồi trống vang lên giục giã.

Lễ cúng bắt đầu, các tu sĩ cầu nguyện và đọc kinh Koran xin phép Thượng đế về đây chứng giám. Khi đọc kinh Koran xong có nghĩa là các thánh thần bề trên đã chấp thuận thì tất cả sẽ bắt tay nhau xoay vòng và cùng mời ơn trên ăn bánh, ăn cơm. Sau khi thực hiện xong nghi thức ấy, vị sư cả sẽ đọc kinh lại 1 lần nữa để tiễn ơn trên về trời.

Sau phần lễ là cuộc họp bàn của các chức sắc về các vấn đề như chuẩn bị cho lễ Ramưwan, cùng những sửa chữa thay đổi trong các nghi thức, tín ngưỡng hay lễ tang, cưới hỏi... để tìm ra những cách giải quyết cụ thể và hiệu quả, thống nhất thực hiện trong thời gian tới.




Lễ hội Sút Yâng được diễn ra ở thánh đường. Ảnh: Internet

Sau khi nghi thức cúng lễ ở thánh đường hoàn tất, người dân ở khu vực đó sẽ bắt đầu vào tiệc ăn mừng, tiếp đãi khách khứa, bạn bè và người thân xa gần. Khác hẳn không khí trang nghiêm trong thánh đường, ở khắp các đường làng, các bà, các chị, các em gái nhỏ xúng xính trong những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu; bán buôn dường như nhộn nhịp tươi vui hơn ngày thường.

Lễ hội Sút Yâng của bà con dân tộc Chăm Bàni huyện Bắc Bình ngoài ý nghĩa tôn giáo, nó còn mang tính cộng đồng, giao lưu tình cảm, thể hiện sự gắn kết giữa các dòng tộc, các thôn xóm và các thánh đường trong cùng khu vực.

Theo Dân Tộc Việt

Bạn đang đọc bài viết "Lễ hội Sút Yâng của đồng bào Chăm, Bình Thuận" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.