Lễ giỗ Vua Mai: Hùng cứ Châu Hoan đất một vùng

11/10/2022 21:32

Theo dõi trên

Ngày 11/10 (16/9 năm Nhâm Dần), tại mộ và Đền thờ Vua Mai (thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã về dâng hoa, dâng hương tưởng niệm nhân Lễ giỗ của Đức Vua.

le-gio-vua-mai-1665492190.jpg
Đồng chí Đỗ Văn Chiến và Đoàn đại biểu dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Vua Mai. Ảnh: Thành Duy

Cùng dự có các đồng chí: Thái Thanh Quý, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An.

Trước anh linh Vua Mai, đồng chí Đỗ Văn Chiến và Đoàn đại biểu thành kính dâng lễ, dâng hoa, dâng hương; nghiêng mình bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với những công lao to lớn của Hoàng đế Mai Thúc Loan.

Hùng cứ Châu Hoan đất một vùng

Sách Khâm định Việt sử không giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn, ghi Mai Thúc Loan là “người Mai Phụ, huyện Thiên Lộc”. Làng Mai Phụ xưa nay thuộc xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Từ Mai Phụ, bà mẹ họ Mai đã dời lên Ngọc Trừng, nay thuộc xã Nam Thái, huyện nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Nhiều truyền thuyết dân gian, gia phả, văn tế, hát chầu văn… đều xác nhận quê hương của họ Mai từ Mai Phụ dời lên Ngọc Trừng.

Mai Thúc Loan (sinh khoảng cuối thế kỷ 7, mất 722) ở động Cồn Chèm (làng Ngọc Trừng, xã Nam Thái, Nam Đàn) - nơi ông chấp nhận muôn nỗi đắng cay, tủi nhục của một cậu bé mồ côi cho đến khi ông thành thủ lĩnh tối cao của cuộc khởi nghĩa Hoan Châu.

lang-vua-mai-1665492163.jpg
Lăng mộ Vua Mai thuộc thuộc núi Hùng Sơn, thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An

Theo truyện Hương lãm Mai Đế ký trong Tân đính hiệu bình Việt điện u linh thì Mai Thúc Loan có cha tên là Mai Sinh và mẹ là Vương Thị. Khi sinh ra Mai Thúc Loan, ông bà Mai Sinh đã căn cứ vào một giấc mộng của bà lúc sắp sinh. Chồng bà bèn đặt tên con là Phượng, tên tự là Thúc Loan, để ghi lại cái điềm được thấy trong giấc mộng.

Và hầu hết các tư liệu đều cho rằng, năm Mai Thúc Loan 10 tuổi, mẹ đi hái củi bị hổ giết hại, chẳng bao lâu cha mất, vị vua tương lai rơi vào cảnh mồ côi. Điều may mắn là một người bạn của cha Mai Thúc Loan là Đinh Thế đã đem Mai Thúc Loan về nuôi, coi ông như con đẻ và sau đó gả con gái Ngọc Tô cho ông. 

Mai Thúc Loan, sử nhà Đường còn gọi là Mai Huyền Thành, gốc người vùng ven biển Hà Tĩnh sau chuyển sang vùng Nam Đàn, Nghệ An; quê ở Mai Phụ ("gò họ Mai", tên nôm là Kẻ Mỏm), một làng chuyên làm muối ở miền ven biển Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay, lúc bấy giờ giáp giới với đất Chăm ở bên kia dải núi Nam Giới. Mai Thúc Loan nhà nghèo, phải làm nghề kiếm củi rồi đi làm thuê cho nhà giàu, chăn trâu, cày ruộng. Ông rất khỏe và sáng dạ, người đen trũi, nổi tiếng giỏi vật cả một vùng, thường bị bắt làm dân phu phục dịch chính quyền đô hộ nhà Đường.

Là người con chí hiếu, Mai Thúc Loan phụ giúp cho thân mẫu làm lụng, vào rừng kiếm củi. Thế nhưng, sau đó mẹ ông lại bị cọp vồ chết. Ông quyết định theo học săn, nhiều lần giết được cọp dữ khiến nhân dân trong vùng khâm phục. Vì vậy, mọi người đã suy tôn Mai Thúc Loan làm thủ lĩnh quân sự của làng.

125423523556232356355621-1665492306.gif
Đền thờ Vua Mai tại thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Diệu

Vạn An thành lũy khói hương xông

Tháng 4 năm 713, Mai Thúc Loan lên ngôi vua, sử gọi ông là Mai Hắc Đế (Mai Hắc Đế mang mệnh thủy tức là nước, mà nước được tượng trưng là màu đen. Vì vậy, ông lấy hiệu là Hắc Đế để hợp với mệnh của mình (theo Việt điện u linh) chứ không phải là do màu da đen do nhiều người tưởng nhầm). Ông cho xây thành lũy, lập kinh đô Vạn An (thị trấn Nam Đàn hiện nay), tích cực rèn tập tướng sỹ. Cuộc nổi dậy của ông được hưởng ứng rộng rãi ở trong nước và có cả sự liên kết với Lâm Ấp và Chân Lạp. Khởi nghĩa Hoan Châu do Mai Thúc Loan lãnh đạo nổ ra vào năm Khai Nguyên thứ nhất đời vua Đường Huyền Tông ở Trung Hoa, tức năm Quý Sửu (năm 713). Khởi nghĩa nổ ra tại Rú Đụn, còn gọi là Hùng Sơn (Nghệ An).

Năm Giáp Dần (714), Mai Hắc Đế tiến binh đánh thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Thái thú nhà Đường là Quang Sở Khách cùng đám thuộc hạ không chống cự lại được, phải bỏ thành chạy về nước. Lực lượng Mai Hắc Đế lúc đó lên tới chục vạn quân.

Nhà Đường bèn huy động 10 vạn quân do tướng Dương Tư Húc và Quang Sở Khách sang đàn áp. Quân quan nhà Đường tiến theo đường bờ biển Đông Bắc và tấn công thành Tống Bình. Sau nhiều trận đánh khốc liệt, từ lưu vực sông Hồng đến lưu vực sông Lam, cuối cùng Mai Hắc Đế thất trận, thành Vạn An thất thủ, nghĩa quân tan vỡ. Không đương nổi đội quân xâm lược, Mai Hắc Đế phải rút vào rừng, sau bị ốm rồi mất.

Từ thời điểm đánh chiếm Hoan Châu, lên ngôi vua, củng cố lực lượng, Mai Thúc Loan đã giải phóng toàn bộ đất nước và giữ vững nền độc lập trong 10 năm (713 - 722), không phải cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo nổ ra và bị dập tắt ngay trong cùng một năm 722 như các tài liệu phổ biến hiện nay.

123542352356236346663434346-1665492437.gif
Mộ và đền thờ Mai Hắc Đế được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 12/1/1996. Ảnh: Nguyễn Diệu

Tương truyền, con trai thứ ba của ông là Mai Thúc Huy lên ngôi Hoàng Đế tức Mai Thiếu Đế và tiếp tục chống trả các cuộc tấn công của nhà Đường tới năm 723. Và từ sau cuộc khởi nghĩa này, nhà Đường không bắt dân An Nam đô hộ phủ nộp cống vải quả hằng năm nữa.

Mai Thúc Loan khởi nghĩa với địa lợi, nhân hòa nhưng chưa gặp thiên thời vì đúng vào lúc nhà Đường cực thịnh nên thất bại. Tương truyền từ sau cuộc khởi nghĩa lớn lao này, nhà Đường không dám bắt nhân dân nộp cống vải quả hằng năm nữa.

Theo sử ghi, trước đây nơi thờ vua Mai là một ngôi đền nhỏ, đơn giản. Đến năm Minh Mạng thứ hai được xây dựng khang trang hơn, kiểu chồng diềm tám mái. Đầu thời nhà Nguyễn, đền được mở rộng diện tích hơn 10.000m2. Cuối năm 2004, đầu năm 2005, đền được trùng tu gồm ba phần: Thượng điện thờ vua và gia quyến; trung điện thờ tướng sĩ có công; hạ điện là nơi hành lễ, thờ cúng công đồng và lưu giữ nhiều cổ vật còn lại như long ngai, bài vị, câu đối. 

Mộ và đền thờ Mai Hắc Đế được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 12/1/1996. Hàng năm tại di tích diễn ra 2 kỳ lễ trọng là Lễ hội Vua Mai từ ngày 13 - 16/1 âm lịch và Lễ giỗ Vua Mai ngày 16/9 âm lịch.

Đoái nhìn đền thờ Mai Hắc Đế ở khu vực Ngọc Đái Sơn (thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn, Nghệ An) mới thấy hết được những giá trị lịch sử, cuộc đời, gia thế, sự nghiệp của vị Vua chưa gặp thiên thời.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Lễ giỗ Vua Mai: Hùng cứ Châu Hoan đất một vùng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.