Lễ giỗ lần thứ 231 Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ

14/09/2023 07:45

Theo dõi trên

Ngày 13/9 (nhằm 29/7 năm Quý Mão), TP. Vinh (Nghệ An) long trọng tổ chức Lễ dâng hoa, dâng hương tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung nhân Lễ giỗ lần thứ 231 của Ngài.

uq9zbuolxjfrgpo2akzgqbwsykyd20uattyhylau-1694609812.jpg
Đây cũng là sự kiện hướng tới Kỷ niệm 60 năm thành lập thành phố Vinh, 235 năm Phượng Hoàng Trung Đô. Ảnh: VHNA

Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung nhằm tôn vinh công lao to lớn của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ; duy trì và phát triển những giá trị văn hóa, khơi dậy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của các di tích lịch sử, văn hóa; đồng thời góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tại quần thể Di tích danh thắng cấp quốc gia Núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô, đền thờ Hoàng đế Quang Trung.

Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ sinh năm Quý Dậu (1753) tại ấp Kiên Thành, phủ Tuy Viễn, huyện Quy Nhơn (nay là thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Tổ tiên của Ngài vốn là người họ Hồ, quê ở Hưng Nguyên, Nghệ An, sau khi vào Quy Nhơn, Bình Định đổi sang họ Nguyễn.

qt1-1694610067.jpg
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dâng hương tưởng niệm hoàng đế Quang Trung 

Nếu Bình Định là mảnh đất người anh hùng áo vải sinh ra và lớn lên, thì Nghệ An lại là nơi có nhiều duyên nợ nặng tình, nặng nghĩa với Quang Trung - Nguyễn Huệ. Quê cha đất tổ của Ngài vốn là họ Hồ ở làng Thái Lão (Hưng Đạo, Hưng Nguyên). Từ mảnh đất này ông tổ 4 đời của Hoàng đế Quang Trung là Hồ Sỹ Anh đã vào Đàng Trong khai phá vùng Tây Sơn thượng đạo, hậu duệ của Hồ Sỹ Anh ở Bình Định là ông Hồ Phi Phúc kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Đồng, con gái duy nhất trong một gia đình khá giả, sinh ra 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Sau này Nguyễn Huệ đã ra Nghệ An tìm lại cội nguồn gia đình, nhận gia phả họ Hồ ở làng Thái Lão, huyện Hưng Nguyên làm đồng tộc, chọn Thái Lão làm tổ quán. Năm 1789, Hoàng đế Quang Trung đã truyền cho dân làng Thái Lão tu tạo lại tổ miếu để phụng thờ tổ tiên.

Năm 1786 sau khi đánh tan quân Chúa Nguyễn ở đàng trong, Hoàng đế Quang Trung đã kéo quân ra Bắc dẹp chúa Trịnh. Trong những lần nghỉ chân ở đất Nghệ An, thế đất và lòng dân của vùng Yên Trường đã được Ngài đặc biệt quan tâm với “hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng có thể chọn để xây dựng kinh đô mới”. Nhà Vua cho rằng nếu đóng đô ở đây vừa “khống chế được trong Nam, ngoài Bắc, vừa tiện cho Người tứ phương đến kêu kiện đi về. Như vậy “trước là vì xã tắc sơn hà, thứ đến là vì lương dân trăm họ”. Vua Quang Trung đã quyết định chọn vùng đất Yên Trường để lập Phượng Hoàng Trung Đô. Phượng Hoàng Trung Đô được xây dựng ở núi Dũng Quyết gồm có hai làn thành gọi là Thành ngoại và Thành nội. Giữa Thành nội dựng tòa lầu rồng 3 tầng. 

z3674432944313-bd4d6f898110400d2373d7d0b82c19e2-1661520210-1694610148.jpg

Giữa lúc đất nước đang trên đà phát triển, thái bình và hưng thịnh thì ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (tức ngày 16/9/1792), Hoàng đế Quang Trung đột ngột băng hà ở tuổi 39.

Phượng Hoàng Trung Đô là kinh thành do vua Quang Trung xây dựng bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết; nay là thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Thành được xây vào năm 1788. Tại đây vua Quang Trung đã tập trung 10 vạn quân trước khi tiến ra Bắc để giành lại thành Thăng Long (lúc bấy giờ đang bị quân Thanh xâm chiếm). Ngôi thành này dự định được xây dựng để thay thế kinh đô Phú Xuân, được đặt tên theo ý nghĩa chim Phượng hoàng, một loài chim trong truyền thuyết. Trung Đô còn có ý nghĩa là kinh đô nằm giữa vùng lãnh thổ do Quang Trung kiểm soát. 

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Lễ giỗ lần thứ 231 Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.