Nghề làm đầu sư tử ở làng Gạo, Nam Định.
Mười bộ ảnh là mười câu chuyện mà Lê Bích chắt lọc từ năm 2009 đến nay: Gia đình nghệ nhân cao tuổi Vũ Thị Thanh Tâm (79 Hàng Lược) với nghề làm thiên nga bông; hai vợ chồng ông Hòa (73 Hàng Than) với nghề làm mặt nạ giấy bồi; gia đình ông Quang (59 Hàng Quạt) với nghề làm khuôn bánh nướng, bánh dẻo bằng gỗ; các gia đình làm đèn kéo quân ở phố Hàng Mã; gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng làm tàu thủy sắt tây ở Khương Đình...
Nhiếp ảnh gia Lê Bích cho biết, để có được những bộ ảnh này anh phải mất không ít công sức và thời gian. Thậm chí, có những bộ ảnh anh phải thực hiện mất mấy năm. Không chỉ vậy, để mang đến cho khán giả những cái nhìn chân thực nhất, nhiếp ảnh gia Lê Bích phải “lần mò” về từng làng nghề, gia đình các nghệ nhân để tìm hiểu và thực hiện.
Trong những bộ ảnh được trưng bày ở triễn lãm ngày 9/9, Lê Bích ấn tượng nhất với bộ ảnh “Đầu lân Làng Gạo”. Anh đã phải quay lại đây 3 – 4 lần mới có thể hoàn thành trọn vẹn được bộ ảnh. Khi về làng Gạo những năm đầu tiên 2009 – 2010, cả làng vẫn nhộn nhịp cùng nhau làm đầu lân.
Khuôn bánh nướng, bánh dẻo của gia đình ông Quang, Hàng Quạt.
Đầu lân được làm bằng cốt, song và buộc bằng giấy bồi, sau đó những người nghệ nhân vẽ hoa văn lên nó. Nghề này đã có thời rất huy hoàng, ngay cả trong thời kỳ khó khăn của đất nước là thời bao cấp, nhà nước cũng đã gửi vật liệu và nhờ làng nghề này làm ra những chiếc đầu lân để phục vụ cho trung thu. Nhưng 2 năm trở lại đây, những nghệ nhân ở làng nghề đã không còn theo nghề nữa. Chính vì thế, bộ ảnh “Đầu lân Làng Gạo” để lại cho nhiếp ảnh gia Lê Bích rất nhiều cảm xúc.
Nhiếp ảnh gia Lê Bích chia sẻ, do nhịp sống thị trường ngày một phát triển, văn hóa nghệ thuật truyền thống tại những làng nghề đang bị mai một, vì thế anh đặt mục tiêu theo đuổi “dài hơi” cho những bộ ảnh của mình. Không chỉ để theo đuổi niềm đam mê của cá nhân mà anh còn muốn khơi dậy lại tình yêu quê hương đất nước từ văn hóa truyền thống ở các làng nghề và tinh hoa của các nghệ nhân. Ngoài ra, nhiếp ảnh gia Lê Bích cũng hy vọng các nghệ sĩ trẻ sẽ quan tâm đến văn hóa truyền thống để nghiên cứu, làm mới, đưa những sản phẩm truyền thống của dân tộc ra thị trường thế giới./.
Tối 2/9, Lễ hội Trung thu phố cổ chính thức khai trương trước cửa chợ Đồng Xuân. Lễ hội sẽ kéo dài tới hết ngày 15/9 với nhiều hoạt động phong phú như trưng bày ảnh “Những người giữ hồn Trung thu”, triển lãm ảnh tư liệu về Trung thu ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20, sắp đặt không gian giới thiệu Tết Trung thu truyền thống của một gia đình Hà Nội... diễn ra lần lượt tại đình Kim Ngân (số 42-44 Hàng Bạc), đền Quan Đế (số 28 Hàng Buồm), Trung tâm giao lưu Văn hóa phố cổ (số 50 Đào Duy Từ) và Ngôi nhà di sản (số 87 Mã Mây).
(Theo VOV.VN)