Lãng du đầu xuân lên địa đầu cực bắc Tổ quốc: Linh Thiêng cột cờ Lũng Cú (Bài 1)

20/02/2016 00:59

Theo dõi trên

Không khí đầu xuân Bính Thân tràn ngập đất trời, không ít người đã lãng du lên cao nguyên đá Đông Văn – Hà Giang để cảm nhận sự chuyển mình của thiên nhiên nơi đây. Mảnh đất - nơi địa đầu cực bắc của Tổ quốc với hai phần ba là đá

Đi đến đâu cũng chạm vào đá. Cảnh quan môi trường đậm nét nguyên sơ với bạt ngàn núi đá tai mèo trải rộng khắp bốn huyện là: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. Xen kẽ đó, những thửa ruộng bậc thang gối nhau trùng điệp. Những núi đá cao ngất. Những thung lũng đá vốn xám xịt ngày thường thì cứ mỗi độ xuân về, những địa danh như Cổng Trời, Quản Bạ, Lũng Cú hay Đồng Văn, Mèo Vạc đều ngập tràn những cây đào phai đua nhau khoe sắc tạo thành bức tranh mùa xuân lộng lẫy...
 
 
Cột cờ Lũng Cú (Đồng Văn - Hà Giang) - Ảnh: Việt Âu

Bài 1: Linh Thiêng cột cờ Lũng Cú
 
Cột cờ Lũng Cú là một cột cờ quốc gia nằm trên đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là núi Rồng (Long Sơn), có tọa độ 23°21’49’’ vĩ bắc, 105°18’58’’ kinh đông, nơi điểm cực bắc Việt Nam (Thực tế theo số liệu địa lý đo đạc được, điểm cực bắc còn nằm cách khoảng 2km nữa, nhưng trước nay cột cờ Lũng Cú vẫn luôn tồn tại trong tâm thức người Việt như một biểu tượng thiêng liêng về chủ quyền quốc gia).
 
Sau khi vượt một chặng đường dài hơn 150 km từ thành phố Hà Giang, ngược lên phía Bắc, với bao cung đường uốn lượn cheo leo men theo những dải núi đá, đèo dốc cua tay áo, đưa chúng tôi đến Lũng Cú thuộc huyện Đồng Văn ngắm nhìn Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Rồng thiêng liêng, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió xuân.
 
Hiểm nguy là vậy nhưng nhiều nhóm phượt chọn phương tiện là xe máy để đi từ TP.Hà Giang lên Lũng Cú du xuân. Mùa xuân nơi đây đẹp một cách lạ lùng. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc là hết sức ngỡ ngàng trước cảnh đẹp nguyên sơ sơn thủy hữu tình.
 
Núi rừng trùng điệp đầu xuân ngập tràn những cây đào, mận đua nhau khoe sắc tạo thành bức tranh mùa xuân huyền ảo làm xốn sang lòng người khi đến tham quan. Những dãy đá cao chọc trời nối tiếp nhau. Bên dưới là những thung lũng rải rác những bản làng bên suối. Nhiều chàng trai cô gái Mông với những bộ váy, áo mới sặc sỡ đang hò hẹn, trò chuyện.
 
Lũng Cú là gọi theo tiếng của người Mông có nghĩa là “long cư” tức là nơi rồng cư ngụ. Cột cờ Lũng Cú có độ cao hơn 1.700m so với mực nước biển. Đi theo dòng người, chúng tôi leo 389 bậc đá là đến cột cờ. Đi thêm 140 bậc thang xoắn ốc là đến đỉnh cột cờ Lũng Cú. Không chỉ các nhóm bạn trẻ từ nhiều tỉnh, thành phố cũng đi xe máy lên tận cột cờ Lũng Cú mà nhiều người dân các nơi cũng về vùng đất linh thiêng du xuân lên Lũng Cú. Nhiều em nhỏ người Mông, Lô Lô, Tày, Nùng, Giáy trong những trang phục truyền thống nhiều sắc màu cùng nhau leo lên trên đỉnh cột cờ Lũng Cú để thưởng ngoạn, ngắm cảnh, nhìn về bản làng, biên cương xa xăm.

Từ trên đỉnh cột cờ Lũng Cú nhìn xuống dưới chân núi Rồng là trung tâm xã xuất hiện nhiều ngôi nhà cao tầng khang trang.  Con đường bê tông đi vào thôn Lô Lô Chải vừa làm xong trước Tết Bính Thân như một dải lụa, tấp nập người qua lại về trung tâm xã Lũng Cú vui xuân. Điều thú vị, hai bên núi Rồng có hai hồ nước quanh năm không bao giờ cạn, được gọi là mắt rồng, là nguồn nước cho người dân nơi đây sử dụng. Một bên là thôn Lô Lô Chải, chủ yếu đồng bào Lô Lô; một bên là làng Thèn Pả, 100% đồng bào Mông sinh sống.
 
Núi Rồng và hai hồ nước dưới chân luôn gắn liền với truyền thuyết có một con Rồng khi xuống trần gian thấy nhân dân vùng Lũng Cú đói khổ, không có nước sinh sống, bản làng sơ xác, đã để lại đôi mắt làm hồ chứa nước cứu sinh đồng bào. Bà con hai thôn đã sống bao đời ở đây. Họ bám đất, bám làng để cấy lúa, trồng ngô trên các vách đá, xây dựng cuộc sống và bảo vệ biên cương Tổ quốc. Núi Rồng, hai hồ nước hôm nay trở thành một điểm du lịch lịch sử, văn hóa tâm linh hấp dẫn trên Cao nguyên đá Đồng Văn.
 
Sức hút của cột cờ Lũng Cú là vậy. Bởi cột cờ này không chỉ là biểu trưng cho lãnh thổ quốc gia mà còn là minh chứng cho tình đoàn kết dân tộc và văn hóa nước ta. Hình ảnh trống đồng dưới chân cột và lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc khiến ta liên tưởng tới sự tự do được xây dựng nên từ một nền văn hóa và những hy sinh, gian lao lịch sử. Khoảnh khắc trông thấy lá cờ tung bay là khoảnh khắc những người con đất Việt ôm trọn niềm xúc động tự hào quê hương vào lòng.
 
 
Hồ nước hình bán nguyệt dưới chân đỉnh Lũng Cú – mắt rồng

Anh Hoàng Dỉ Ba, dân tộc Lô Lô, nhân viên bán vé, hướng dẫn khách tham quan cột cờ Lũng Cú cho biết: Ngày cao điểm, nhất là mùa hoa tam giác mạch vào 2 tháng 10 và 11, có tới 3000 đến 5000 lượt du khách/ ngày; vào mùa mưa và mùa đông rét đậm chỉ vài ba trăm du khách/ngày lên thăm cột cờ trên núi Rồng chụp ảnh kỷ niệm. Sau khi Cột cờ Tổ quốc ở Lũng Cú được xây dựng trang nghiêm trên đỉnh núi Rồng, hầu hết các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước, kiều bào ở nước ngoài, người nước ngoài đã lên thăm biểu tượng chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam nơi cực Bắc biên cương.
 
Mọi người vô cùng cảm phục khi được biết cách đây 940 năm, tức là vào những năm 1075 - 1076, Phụ quốc Thái úy Lý Thường Kiệt cùng tướng quân Tôn Đản đem 10 vạn tinh binh chủ động tấn công ngăn quân xâm lược phương Bắc sang tận Ung Châu theo kế sách “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước chặn thế mạnh của giặc...”. Sau khi phá tan căn cứ hậu cần quan trọng của giặc, làm phá sản kế hoạch đánh úp nước ta của nhà Tống, Lý Thường Kiệt trở về qua biên ải hội quân, củng cố các cứ điểm quan trọng, chuẩn bị chống quân Tống xâm lược sau này. Ông cắm một lá cờ xuống đỉnh núi Rồng và truyền lời: Đất này là của cha ông ta. Nơi đây là máu thịt của Tổ quốc, dù phải đổ máu, chúng ta phải giữ gìn.
 
Không những thế, người dân địa phương còn lưu truyền một truyền thuyết về vị Hoàng đế Quang Trung. Sau khi đại phá quân Thanh, đất nước bình yên, Hoàng đế Quang Trung đã đặt một chiếc trống rất lớn lên mảnh đất Lũng Cú và cứ mỗi canh giờ lại gióng lên ba hồi để bên kia biên giới cũng nghe được. Những hồi trống vang oai nghiêm chính là lời khẳng định về chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng. Lãnh thổ nước ta là bất khả xâm phạm. Cái tên Lũng Cú hay là Long Cổ (trống của vua) ra đời từ đó, lưu lại dấu ấn một thời oai linh dân tộc.
 
Những ngày đầu xuân Bính Thân, khắc ghi lời dạy của tiền nhân về ý thức bảo vệ biên cương, chủ quyền của đất nước, một cảm giác linh thiêng như vỡ òa trong lồng ngực con dân nước Việt khi đứng dưới cột cờ Lũng Cú, ngắm nhìn cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay trước gió - nơi địa đầu Tổ quốc.

Bài tới: Đèo Mã Pì Lèng - “Đệ nhất hùng quan”
 
Vũ Xuân Bân

Bạn đang đọc bài viết "Lãng du đầu xuân lên địa đầu cực bắc Tổ quốc: Linh Thiêng cột cờ Lũng Cú (Bài 1)" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.