Để tìm hiểu thực hư, chúng tôi quyết định leo bộ hàng ngàn bậc thang để lên tận địa điểm “cây thần” án ngự. “Cây thần” cao gần 50m, thân hình kì dị với 3 gốc lộ thiên, mỗi gốc có đường kính khoảng gần 1m và mọc cách đều nhau tạo thế chân vạc. Ở độ cao hơn 20m, ba gốc cây này hợp lại thành tán lá xum xuê. Quanh gốc cây là những bát hương nghi ngút khói và có đến hàng chục người đang thụp lạy, thì thào khấn vái.
Bà Nguyễn Thị Xuân, chuyên buôn bán các đồ thờ cúng gần đó bước đến nói: ““Cây thần” linh thiêng lắm! Nhiều người bị bệnh hiểm nghèo, bệnh viện không thể chữa khỏi nhưng khi đến thắp hương, cầu xin “cây thần” thì lập tức khỏi bệnh và khỏe mạnh như thường. “Cây thần” cũng có thể giải vận hạn, xui xẻo… đem lại may mắn cho những ai có lòng thành kính”. Nói đoạn, bà này níu tay, kéo chúng tôi vào phía trong quán rồi luôn miệng khuyên chúng tôi nên mua hương, hoa, lễ vật cúng bái “cây thần” để lấy may.
Cây đa ba gốc, một ngọn là cây cổ thụ có hình dáng kì dị nên một số người đã “phong thần” cho cây và cúng bái.
Cũng theo bà Xuân, với người bị bệnh hiểm nghèo thì cần mua thêm “bùa” là gương soi tà ma (gương tròn, có đường kính 5cm), đèn cầy gọi hồn và một chiếc lược chải bệnh. Sau khi đã có đủ lễ vật và các thứ “bùa” thì người bị bệnh hoặc người nhà sẽ tiến hành thắp hương, khấn bái “cây thần”. “Nếu không biết khấn vái thì người bị bệnh có thể bỏ 50 đến 100 ngàn đồng để thuê các thầy cúng gần đó làm lễ giúp. Sau khi cúng bái, người bị bệnh sẽ dùng chiếc gương soi tà ma để đuổi những linh hồn đeo bám và dùng chiếc lược chải lên tóc để rũ bỏ bệnh tật.
Ông Trần Đình Hóa (55 tuổi, ngụ Thị xã Thuận An, Bình Dương) cho biết: “Tôi bị bệnh suy thận gần 5 năm nay và thường xuyên phải vào bệnh viện lọc máu (chạy thận nhân tạo) để duy trì mạng sống. Nghe tin núi Chứa Chan có “cây thần” có khả năng chữa bệnh nên tôi và vợ đã chuẩn bị các lễ vật để cúng viếng. Tôi chưa biết thực hư thế nào nhưng vẫn tin tưởng và mong “thần cây” hiển linh, giúp tôi khỏi bệnh”.
Chị Hoàng Thị Thiên (40 tuổi, ngụ xã Cẩm Đường, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) tìm đến “cây thần” với mong muốn “cây thần” phù trợ, giúp đỡ trong việc làm ăn. Chị cho biết, từ năm 2012 đến nay, việc kinh doanh, buôn bán của gia đình chị luôn gặp khó khăn, nhiều phen thua lỗ. “Nhiều lần tôi tìm đến các thầy bói trong huyện để nhờ giải hạn nhưng đều không có kết quả. Tháng trước, tôi nghe một người bạn mách bảo “cây thần” linh nghiệm nên đã thu xếp thời gian để lên thắp hương, cúng viếng” – chị Thiên chia sẻ.
Việc cây đa ba gốc, một ngọn có khả năng chữa bệnh, giải hạn… đã được đồn đại từ nhiều năm. Tuy nhiên, những lời này lan từ người này sang người khác mà không hề có cơ sở nào để xác định “cây thần” có khả năng như trên. Ông Trần Đình Hóa cho biết: “Tôi nghe người ta nói “cây thần” chữa bệnh thì cũng đến thắp hương, thỉnh cầu chứ chưa tận mắt thấy người được “cây thần” hiển linh giúp đỡ”.
Nhiều người thắp hương, cúng vái “cây thần” để cầu mong được giải hạn, chữa lành bệnh tật.
Theo một số người dân địa phương, lượng người đến thắp hương, cúng bái dưới gốc “cây thần” ngày càng nhiều. Những ngày lễ rằm, đầu tháng, lễ tết… thì người về thắp hương chen kín cả gốc cây. Tuy nhiên, những người đến cúng viếng đa phần là những người ở nơi khác.
Nếu cây đa ba gốc, một ngọn có khả năng chữa bệnh, giải hạn thì tôi và một số người bị bệnh trong xóm đã lên để lễ tạ từ lâu. Chỉ có người ở xa, không hay biết thực hư mới gọi cây đa ba gốc một ngọn là “cây thần” và cúng bái, cầu khấn” - Bà Nguyễn Thị Hiền
Chị Vũ Thị Thúy (34 tuổi) bán nước uống cạnh gốc “cây thần” cho hay: “Người dân trong địa phương như chúng tôi không ai tin về việc “cây thần” hiển linh. Hơn nữa, một số người làm nghề thầy cúng đã lợi dụng lòng tin của người lạ để bịa đặt nhằm kéo người dân vào trò cúng bái để trục lợi”. Chị Thúy cũng cho biết thêm, những người tìm đến “cây thần” ngoài việc cầu khẩn còn ra lời ca tụng, thêu dệt khiến những người đến sau cũng tin vào sự hoang tưởng khiến cây đa ngày càng trở nên huyền bí.
Là người cao tuổi, sống lâu năm trên núi Chứa Chan, bà Nguyễn Thị Hiền (70 tuổi) khẳng định, bà chưa bao giờ thấy “cây thần” hiển linh như lời đồn. Từ những năm còn chiến tranh, ngay dưới cây đa ba gốc, một ngọn đã có một chiếc miếu nhỏ và người dân địa phương thường tới thắp hương. Về sau, chiếc miếu được xây dựng khang trang hơn và số lượng người tới phúng viếng nhiều hơn. Tuy nhiên, việc thắp hương là để tri ân những chiến sĩ hy sinh chứ không có chuyện cúng bái thần thánh.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) xác nhận, việc cây đa ba gốc một ngọn có khả năng chữa bệnh là tin đồn nhảm, thất thiệt và gây mê tín dị đoan.
Ông Bùi Tấn Trước, Trưởng Ban quản lý di tích lịch sử núi Chứa Chan cho biết, cây đa ba gốc, một ngọn là cây có tuổi thọ lâu đời. Trước kia, ba cây gốc một ngọn này sống bám trên thân cây gỗ dầu. Về sau, cây gỗ dầu chết thì cây đa này phát triển thành cổ thụ với ba rễ to cắm xuống đất. Dưới gốc cây này có miếu thờ và trên núi có nhiều đình chùa nên khi người dân, du khách đi lễ chùa đã ghé vào thắp hương. Cũng theo ông Trước, việc một số người dân đồn đại, gọi cây đa là "cây thần" và cúng bái là thực trạng đang diễn ra, gây mê tín dị đoan. Để hạn chế tình trạng tung tin đồn mê tín dị đoan, Ban quản lý di tích đã tuyên truyền đến người dân và du khách. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin vào sự hiển linh của "cây thần".
Theo Dân Việt