Kỷ niệm 10 năm thành lập Câu lạc bộ Hát Xoan - hát Chèo xã Minh Côi: Giữ gìn và phát huy giá trị nhạc cụ cổ truyền

14/08/2024 08:28

Theo dõi trên

Nhân dip kỷ niệm 10 năm thành lập Câu lạc bộ Hát Xoan - hát Chèo xã Minh Côi, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ (2014 - 2024), soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và chèo Đài Tiếng nói Việt Nam đã về dự và giao lưu với Câu lạc bộ.

a1-252356-1723598283.png
Tiết mục văn nghệ chào mừng

Câu lạc bộ Hát Xoan - hát Chèo xã Minh Côi chính thức được ra đời từ những năm 1964 nhưng sau đó do chiến tranh nên tạm dừng hoạt động, mãi đến năm 2014, Câu lạc bộ mới được tổ chức hoạt động trở lại.

Ông Phùng Văn Sinh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: “Theo lời kể của các nghệ nhân chơi nhạc làng Minh Côi, năm 1960 khi một số đoàn nghệ thuật tại các vùng nổi danh hát chèo về địa phương tập huấn, đã tuyển chọn thành viên, người dân xã Minh Côi nên họ có dịp tiếp xúc với nghệ thuật chèo, thưởng thức các tiết mục chèo đặc sắc trên nền nhạc cụ sống động từ các loại nhạc cụ truyền thống… Yêu và ngấm âm nhạc dân gian từ thời điểm đó. Một số học viên đã đã tập hợp lại cùng nhau nghiên cứu học hỏi, sưu tầm nhạc cụ và luyện tập từ đó (nhưng do chiến tranh câu lạc bộ tạm dừng). Năm 2014 Câu lạc bộ được thành lập lại, tổ nhạc cụ đã trở thành điểm nhấn, tạo ấn tượng với khán giả gần xa mỗi khi thưởng thức các tiết mục biểu diễn của câu lạc bộ.

Hiện nay, Câu lạc bộ sưu tầm được 7 loại nhạc cụ như đàn tam, đàn tứ, đàn lứu, đàn nhị, sáo ngang, trống cơm và trống con Điểm nổi bật là tất cả các nhạc công đều chơi thành thạo 7 loại nhạc cụ, có thể vừa chơi nhạc, vừa ca chèo hoặc độc tấu, tiêu biểu như nghệ nhân Khuất Văn Cử đã 76 tuổi nhưng vẫn chơi rất điêu luyện các loại nhạc cụ. Hoặc anh Nguyễn Xuân Quế bên cạnh chơi tốt các nhạc cụ truyền thống, anh còn chơi được các loại nhạc hiện đại như ghi ta điện…” 

Ông Phùng Văn Sinh cũng cho biết thêm về cơ chế hoạt động của Câu lạc bộ hoàn toàn bằng hình thức xã hội hóa tức là kêu gọi sự đóng góp của các thành viên trong Câu lạc bộ cũng như các tổ chức cá nhân và các nhà hảo tâm để mua sắm nhạc cụ, phục trang… Mỗi tháng từ hai đến 3 buổi các hội viên tập trung tại nhà văn hóa để sinh hoạt và tập các tiết mục mới đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn.

d-36647-1723598649.jpg
Soạn giả Mai Văn Lạng (mặc áo xanh ở giữa) chụp ảnh lưu niệm với Ban Chủ nhiệm CLB

Với lòng say mê luyện tập và năng khiếu bẩm sinh trong câu lạc bộ đã xuất hiện nhiều giọng ca mượt mà như chị Phùng Thị Tình, chị Nguyễn Thị Lan và anh Nguyễn Tuấn Hồng. Hàng tháng hàng quý ngoài việc tham gia trình diễn tại các chương trình, cuộc thi âm nhạc dân gian cấp xã huyện, tỉnh tổ chức, các thành viên trong Câu lạc bộ còn tích cực tham gia các chương trình giao lưu, truyền dạy âm nhạc dân tộc, nhạc cụ truyền thống taị các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn huyện. Qua đó giúp thế hệ trẻ tiếp cận và hiểu hơn về âm nhạc truyền thống, từ đó khêu gợi niềm đam mê yêu thích tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị nhạc cụ cổ truyền trong thế hệ trẻ và phong trào văn nghệ ở địa phương. 

a-253463467-1723598709.jpg
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phùng Văn Sinh phát biểu khai mạc

Về dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Câu lạc bộ, Nhà báo, Soạn giả Mai Văn Lạng rất xúc động trước sự phát triển tích cực của câu lạc bộ, ông Lạng chia sẻ: “Tôi vô cùng xúc động và ấn tượng với một xã của vùng trung du lại có được một Câu lạc bộ hát xoan, hát chèo bề thế với đầy đủ nhạc công, múa, hát như xã Minh Côi. Những tiết mục chèo mộc mạc chân quê nhưng đã có lửa và tình yêu chèo đến vậy. Đặc biệt trong thời điểm hết sức khó khăn để duy trì hoạt động và bảo tồn những giá trị nhạc truyền thống nhưng Câu lạc bộ hát Xoan hát chèo của xã Minh Côi đã tồn tại và hoạt động rất quý. Điều này rất ít địa phương có thể làm được… Tôi đã đi đến nhiều địa phương trong cả nước nhưng để có được một đội ngũ nhạc công bề thế sang trọng như của Minh Côi thì thật là hiếm. Các nhạc công tuy tuổi đã cao nhưng họ vẫn sử dụng điêu luyện các loại nhạc cụ với những bản hòa âm rất ấn tượng… nhiều cụ trên tám mươi tuổi vẫn giữ nhịp trống, phách rất chuẩn. Chính điều này đã tạo nên những giá trị cốt lõi trong bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống đang có xu hướng ngày một mai một… Về với Minh côi lần này tôi rất mong muốn góp phần nhỏ bé sẽ soạn lời cho một tiết mục chèo ca ngợi văn hóa, truyền thống của đất và người Minh Côi. Đồng thời tôi mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục ủng hộ quan tâm tạo điều kiện để Câu lạc bộ hát xoan - chèo xã Minh Côi không ngừng lớn mạnh để tiếng hát chèo của họ vang xa đến mọi miền đất nước. Tôi cũng rất mong Câu lạc bộ tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng để có nhiều bạn trẻ tham gia hơn nữa tiếp tục kế nghiệp những người đi trước”.

a-235634647478-1723598768.jpg
Nhà báo, Nhà văn Trần Anh Tuấn (người bên trái) tặng sách cho Thư viện xã Minh Côi, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã tiếp nhận.

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Minh Côi đánh giá cao hoạt động của Câu lạc bộ trong thời gian vừa qua, biểu dương các cá nhân có những đóng góp tích cực cho phong trào văn hóa văn nghệ của xã nhà. Đảng ủy, HĐND, UBND và Mặt trận Tổ quốc xã Minh Côi hết sức quan tâm và tạo điều kiện cho Câu lạc bộ phát triển. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn của địa phương nên chưa đầu tư về vật chất cho Câu lạc bộ. Vì vậy, xã mong muốn Câu lạc bộ phát huy tinh thần yêu bộ môn nghệ thuật truyền thống và tích cực hoạt động xã hội hóa để Câu lạc bộ hát Xoan - hát Chèo của xã không ngừng phát triển đáp ứng lòng mong mỏi của bà con xã nhà, để tiếng hát chèo quê hương mãi vang xa. 

Anh Tuấn
Bạn đang đọc bài viết "Kỷ niệm 10 năm thành lập Câu lạc bộ Hát Xoan - hát Chèo xã Minh Côi: Giữ gìn và phát huy giá trị nhạc cụ cổ truyền" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.