Phát biểu tại Lễ khai trương, ông Giang Thanh Khoa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, nêu rõ, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang khai trương cửa hàng giới thiệu sản phẩm Ocop Kiên Giang không chỉ là mốc quan trọng trong hoạt động của Hội Nông dân tỉnh mà còn là cầu nối giúp các sản phẩm đặc sản của địa phương tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, từng bước mở rộng ra thị trường quốc tế.
Theo ông Giang Thanh Khoa, các sản phẩm Ocop không chỉ phản ánh sự sáng tạo, tâm huyết của người dân, niềm tự hào của mỗi địa phương mà còn bảo tồn, phát triển các giá trị tinh hoa văn hóa riêng độc đáo, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Trong những năm qua, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm Ocop; sản phẩm đặc trưng, lợi thế của địa phương đến người tiêu dùng trong và ngoài nước thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sàn thương mại điện tử, hệ thống siêu thị, cửa hàng giới thiệu sản phẩm Ocop và khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm Ocop làm quà tặng trong dịp Lễ, Tết.
Đến nay, toàn tỉnh có 269 sản phẩm, trong đó có 06 sản phẩm Ocop đạt hạng 5 sao, 36 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 227 sản phẩm đạt hạng 3 sao, có hơn 130 chủ thể. Với sự đa dạng về sản phẩm và chất lượng, các sản phẩm Ocop của tỉnh có tiềm năng lớn để thương mại hóa và tiếp cận sâu rộng các thị trường.
Ông Đỗ Trần Thịnh, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội nông dân tỉnh, chia sẻ, với vai trò, trách nhiệm của mình trong hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của tỉnh, Trung tâm hỗ trợ nông dân phối hợp với Doanh nghiệp tư nhân Gió Biển và Công ty Cổ phần OCOP Toàn Cầu xây dựng điểm trưng bày sản phẩm Ocop trong khuôn viên nhà hàng Gió Biển nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm Ocop đến với người tiêu dùng được nhanh nhất để người tiêu dùng được tiếp cận với sản phẩm chất lượng, rõ nguồn gốc, đảm bảo sức khỏe bản thân, tránh mua phải những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đồng thời, Cửa hàng trưng bày sản phẩm Ocop góp phần khuyến khích, hỗ trợ người sản xuất, kinh doanh ở nông thôn khai thác tốt tiềm năng đất đai, sản vật, vùng nguyên liệu; phát huy vai trò của cộng đồng, giá trị văn hóa truyền thống trong sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm đặc sản, truyền thống; khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân; thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo ở nông thôn; đưa kinh tế nông thôn phát triển bền vững nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường ở nông thôn.
Ông Đỗ Trần Thịnh mong muốn trong thời gian tới Trung tâm hỗ trợ nông dân tăng cường phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông về Chương trình Ocop gắn với tuyên truyền xây dựng nông thôn mới; đồng hành, hướng dẫn nông dân, các chủ thể kinh tế tham gia Chương trình Ocop tập trung phát triển các sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế của các địa phương; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy, kỹ năng tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng thiết kế bao bì, mẫu mã, nhãn mác sản phẩm; hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phát triển kỹ năng marketing, tiếp cận và phát triển thị trường cho sản phẩm Ocop; thực hiện mối liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông) theo chuỗi giá trị; phát triển thêm các cửa hàng trưng bày, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đa dạng các kênh phân phối, đưa sản phẩm Ocop của tỉnh vươn xa hơn nữa.