Khu Miếu thờ bề thế còn nguyên vẹn nhất của triều Nguyễn

26/09/2016 15:37

Theo dõi trên

Thế Miếu tọa lạc ở phía tây nam của Hoàng thành. Trước đây, nơi này chính là tòa Hoàng Khảo Miếu - miếu thờ ông Nguyễn Phúc Côn, thân sinh vua Gia Long.

Thế Miếu qua các thời kì lịch sử

Năm 1804, vua cho lập Thái Miếu ở bên trái trong hoàng thành, truy tôn đế hiệu lên chín đời chúa Nguyễn để phụng thờ với ý nghĩa: “Vương giả lấy đạo hiếu trị thiên hạ mà đạo hiếu thì không gì lớn bằng tôn thân. Truy tôn Tổ Tông là để tỏ lòng thành kính mà đạt đạo hiếu…”

 


(nguồn internet)


Vua Minh Mạng (1820 – 1840) kế nghiệp, đã cho xây dựng Thế Miếu ở khu đất bên phải trong hoàng thành, tương xứng với Thái Miếu bên trái, theo kiểu đồng đường dị thất. Chính doanh chia thành chín gian, tiền doanh gồm mười một gian, đông tây có hai chái. Sau lễ đại tường hết tang vua cha, vua Minh Mạng cho rước thần chủ Thế Tổ Cao Hoàng Đế và thần chủ Thuận Nguyên Cao Hoàng Hậu vào thờ tại gian giữa Thế Miếu để phụng tự.

Dưới triều vua Thành Thái (1889 – 1907), truy tôn đế hiệu cho cha là Cung Tôn Huệ Hoàng Đế (Dục Đức) nhưng cũng phải xây Tân Miếu (Cung Tôn Miếu) ở bên ngoài hoàng thành để phụng thờ. Quy chuẩn này được tuyệt đối tôn trọng cho đến khi triều Nguyễn cáo chung, Thế Miếu chỉ thiết bảy gian thờ bảy vị vua: Thế Tổ Cao Hoàng Đế, Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế, Hiến Tổ Chương Hoàng Đế, Dực Tôn Anh Hoàng Đế, Giản Tôn Nghị Hoàng Đế, Cảnh Tôn Thuần Hoàng Đế, Hoằng Tôn Tuyên Hoàng Đế.

Trong chiến lược “tiêu thổ kháng chiến” vào đầu năm 1947, phần lớn các công trình kiến trúc trong hoàng thành bị đốt phá tan hoang, may mắn Thế Miếu còn tồn tại nguyên trạng.

Từ năm 1949 đến 1954, dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại, việc tế tự dần được phục hồi phần nào.

Giai đoạn 1955 đến 1975, thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, nhằm tưởng niệm các vị Vua yêu nước quyết chống lại chế độ bảo hộ của Thực dân Pháp nên đã phối hợp với Nguyễn Phước tộc đưa các vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân vào phối thờ tại Thế Miếu.

Đến năm 1821, Hoàng Khảo Miếu được dời về phía bắc khoảng 50m để dành vị trí xây tòa Thế Tổ Miếu thờ vua Gia Long và Hoàng hậu. Miếu được xây dựng trong 2 năm (1821-1822), ban đầu chỉ dành để thờ Thế Tổ Cao Hoàng Đế (vì thế nơi đây mới có tên gọi Thế Tổ Miếu) nhưng về sau trở thành nơi thờ tất cả các vị vua của triều Nguyễn.

Từ năm 1975 đến 2016, đặc biệt sau khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa Thế giới” (1993), chính quyền từ Trung ương đến địa phương rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cung đình thời Nguyễn. Nhờ đó, Thế Miếu đã được nhiều lần trùng tu – tôn tạo trong nội thất cũng như cảnh quan bên ngoài, tổ chức các hoạt động tế tự, lễ hội (festival,…), tham quan có hiệu quả.

Cấu trúc Thế Miếu

Thế Miếu nằm trong một khuôn viên hình chữ nhật có diện tích khoảng 2ha. Tòa nhà chính có 9 gian 2 chái kép, nhà trước 11 gian 2 chái đơn, nối liền nhau bằng vì vỏ cua được chạm trổ rất tinh tế. Phần ngói vốn được lợp ngói ống lưu li vàng (nay thay bằng ngói âm - dương) với đỉnh nóc gắn liền thái cực bằng pháp lam rực rỡ.

Bên trong miếu, án thờ vua Gia Long và hai Hoàng hậu được đặt ở gian giữa, các án thờ của những vị vua còn lại đặt theo hai bên trái, phải của án thờ chính. Theo gia pháp của dòng học Nguyễn thì chỉ có những vị vua băng hà khi còn tại vị thì mới được đặt án thờ trong tòa Thế Miếu. Vì thế, trước năm 1958 chỉ có 7 án thờ được đặt ở đây. Đến tháng 10/1958, án thờ của 3 vị vua yêu nước Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân cũng đã được đưa vào thờ ở Thế Miếu.

Bên ngoài Thế Tổ Miếu, trước mặt là một chiếc sân rộng lát gạch Bát Tràng. Trên sân đặt một hàng 14 chiếc đôn đá, bên trên đặt các chậu sứ trồng hoa. Hai bên sân lại có một đôi kỳ lân bằng đồng, cuối sân là chín chiếc đỉnh đồng to lớn (Cửu Đỉnh). Tiếp theo là Hiển Lâm Các với 3 tầng cao vút. Bên ngoài bờ tường này là Tả Vu và Hữu Vu, thờ các công thần, thân huân thời Nguyễn.

Đây là khu miếu thờ bề thế và đẹp nhất. Đây cũng là khu vực thờ tự còn nguyên vẹn nhất của triều Nguyễn.


Hàn Yên (Tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết "Khu Miếu thờ bề thế còn nguyên vẹn nhất của triều Nguyễn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.