Không gian diễn xướng - nơi khởi nguồn dân ca Ví, Giặm
Dân ca Ví, Giặm được khởi nguồn từ đời sống lao động và sinh hoạt của người dân xứ Nghệ. Người Nghệ hát Ví, hát Giặm ở mọi nơi, mọi lúc: khi ru con, đan lát, dệt vải, lúc làm ruộng, chèo thuyền, xay lúa... Mỗi một nghề lại có những câu hát, làn điệu riêng gắn với từng ngữ cảnh khác nhau.
Không gian diễn xướng của dân ca Ví, Giặm không chỉ sâu mà còn rất rộng. Và có thể khẳng định, đâu đâu trên mảnh đất xứ Nghệ đều có thể nghe câu hát Ví và Giặm. Ra ngõ gặp nhau có thể chào nhau bằng câu Ví:
“Ơ... ơ... ơ... vừa ra vừa gặp người xinh,
Cũng bằng Kim... ơ... Trọng, tiết thanh minh gặp ơ ... Kiều”
Và người kia chào lại rằng:
“Chứ vừa ra vừa gặp người giòn, cũng bằng hoa ơ... nở, hội bóng tròn tốt tươi”...
Bà ru cháu, mẹ ru con, chị ru em, rồi vợ khuyên chồng, chồng khuyên vợ, hay chèo thuyền trên sông nước, đi củi, đi cỏ... ở môi trường nào, không gian nào đều có câu hát ở không gian đó.
Dân ca ví, giặm bắt nguồn từ chính đời sống của người dân, là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất những nỗi niềm sâu kín, những tâm tư, nguyện vọng và những ước mơ của họ. Bởi vậy, việc bảo tồn hình thức diễn xướng mới, hoàn cảnh mới, phải có nội dung phù hợp thì vở diễn mới thật sự đi vào lòng người.
Bởi vậy không gian diễn xướng ví, giặm xứ Nghệ rất phong phú như: không gian đồng ruộng có ví phường cấy, ví đồng ruộng; không gian rừng núi có ví trèo non, không gian lao động sông nước lại có hò trên sông, ví đò đưa,… Đặc sắc của dân ca ví, giặm chính bởi sự gắn bó chặt chẽ với không gian, môi trường lao động của nhân dân, nhịp điệu của hò, ví, giặm cũng đa phần là nhịp điệu lao động (hò kéo gỗ, hò đầm đất đắp đê, hò trên sông…). Chính vì vậy, người nghe không chỉ cảm nhận cái hay của câu hát, giọng hát, mà còn thấy được trong đó cả một nền văn hoá xuất phát từ trong lao động sản xuất của cha ông ta.
Việc xây dựng, phục hồi không gian diễn xướng để tạo môi trường cho di sản có thể tồn tại và phát triển một cách tự nhiên và dần đưa dân ca ví, giặm về với cộng đồng dân cư là phù hợp với mục tiêu bảo tồn dân ca - đúng như tiêu chí mà UNESCO đặt ra.
Trở lại với vòng quay liên hồi của nhịp sống hiện đại, rất hiếm những cảnh quay tơ dệt vải, hát đò đưa trên sông, cây đa, bến nước, sân đình chỉ là “một thời vang bóng”. Đây là những môi trường diễn xướng cổ, giờ đây không còn nữa. Thay vào đó là những môi trường diễn xướng mới, từ nhà máy xí nghiệp cho đến những đồng ruộng, từ các hoạt động của đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học cho đến phong trào văn nghệ quần chúng. Nếu xưa kia có cây đa, bến nước, sân đình có quay tơ, dệt vải thì ngày nay chúng ta có các sinh hoạt cộng đồng: mừng Đảng mừng xuân, những sự kiện trọng đại của đát nước, lễ hội các làng nghề... vẫn luôn xuất hiện những câu ví, điệu giặm.
Giữ hồn điệu Ví, câu Giặm
Người giữ hồn điệu Ví, Giặm - nghệ nhân Cao Xuân Thưởng (Diễn Hoa, Diễn Châu) bộc bạch rằng, giờ đây, không ai đi hái củi, cũng không ai đi trèo non mà hát nữa... nhưng câu hát lại còn và rất cần được bảo tồn. Vậy, muốn bảo tồn dân ca Ví, Giặm thì chỉ bằng cách nâng cao việc hát hội, hát phường ngày xưa trở thành không gian diễn xướng mới.
Chính chất thơ, chất văn học đã nhào nặn cho ví giặm một sức sống mới, dễ làm say đắm lòng người hơn. Một kịch bản dân ca ví giặm muốn hay thì phải có một nhà văn, nhà thơ có nghề tham gia sáng tác. Ấy vậy mà việc bảo tồn dân ca ví, giặm ắt hẳn phải có nhà thơ, nhà văn vào trong tổ chức, và phải có sự đóng góp tài năng của họ.
Nếu chỉ chú tâm vào việc bảo tồn những làn điệu cổ, lời cổ, mà không chú trọng đến môi trường diễn xướng mới, nội dung mới, hay nội dung không gắn bó, không thiết thực thì người ta sẽ hờ hững với dân ca, thậm chí là quay lưng. Cho nên, việc thổi hồn thơ văn vào các làn điệu dân ca ví giặm sẽ làm những điệu ví, câu giặm mượt mà, khoác lên mình một làn gió mới. Làm được như vậy, phải là người “chữ nghĩa”, ăn dầm ở dề với dân ca ví giặm.
Muốn dân ca ví giặm ăn sâu, bám rễ vào quần chúng nhân dân, không còn cách nào khác ngoài việc đưa dân ca ví giặm vào trong những sinh hoạt cộng đồng. Chính những sinh hoạt cộng đồng có sự tham gia của dân ca đã giúp ta bảo tồn một cách hiệu quả và thiết thực nhất, trong đó có việc đưa dân ca ví giặm vào trường học mà chúng ta đang thực hiện.
Việc quan tâm, đãi ngộ các nghệ nhân là một trong những yếu tố cần để bảo tồn, giữ gìn dân ca ví giặm. Đừng để dân ca ví giặm chỉ là một thời vang bóng, và đừng để các nghệ nhân tàn lụi theo năm tháng.
Văn hóa phi vật thể luôn mang màu sắc dân gian, có sự gắn bó chặt chẽ, đồng hành với đời sống và trở thành những “di sản sống”, những “giá trị sống”. Nếu như di sản văn hóa vật thể là những giá trị hữu hình, tồn tại dưới dạng vật chất, chứa đựng những hồi ức sống động của loài người, là bằng chứng vật chất của các nền văn hóa, văn minh nhân loại, thì di sản văn hóa phi vật thể là những giá trị vô hình, được lưu truyền và biểu hiện bằng hình thức truyền miệng, truyền nghề và các dạng bí quyết nghề nghiệp khác.
Di sản văn hóa là thước đo quan trọng về sự giàu có, bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, vùng miền. Đó cũng là nguồn tài nguyên, là sản nghiệp văn hóa quan trọng làm nền tảng cho sự tồn tại và phát triển.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di sản văn hóa phi vật thể nói riêng là công việc thường xuyên, cấp bách, góp phần giữ gìn thuần phong, mỹ tục, xây dựng nhân cách, đạo đức theo chuẩn mực chân - thiện - mỹ; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần, nâng cao nhận thức của nhân dân, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An.