Huyện Tương Dương (Nghệ An) có hệ thống sông, suối, ao, hồ dày đặc. Ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, trẻ em thiếu sân chơi trong dịp hè nên thường ra khu vực sông, suối chơi, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.
Trước thực trạng đó, hàng năm cứ vào hè các trường học trên địa bàn huyện Tương Dương thường mở thư viện để học sinh đến đọc sách tại chỗ và mượn về nhà.
Theo ghi nhận tại Trường Tiểu học Tam Quang 2, thuộc xã Tam Quang (Tương Dương), dù thời tiết khá nóng vào khoảng 10 giờ sáng, những vẫn còn trên 30 học sinh đang mải mê đọc sách.
Cô giáo Dương Thị Duyên, giáo viên phụ trách cho biết: “Nhiều tuần nay, cứ đều đặn thứ Hai và thứ Sáu hàng tuần là chúng tôi đến trường mở cửa thư viện đón học sinh đến đọc sách. Đa phần các em khá thích thú, nên nhiều hôm mãi đến hơn 10 giờ nhưng các em vẫn chăm chú. Không chỉ phục vụ cho các em đọc sách tại chỗ, mà chúng tôi còn tạo điều kiện cho học sinh mượn sách về nhà đọc”.
Từ ngày thư viện mở cửa đón học sinh đến đọc và mượn sách, gần như em Đinh Vi Bảo Hân, học sinh Trường Tiểu học Tam Quang 2 chưa vắng buổi nào. Bảo Hân cho biết: “Ở thư viện nhà trường có nhiều loại sách, nên em thoải mái lựa chọn những sách mà em yêu thích để đọc và mượn mang về, đến đây em còn được gặp bạn bè nên em rất vui”.
Không chỉ có những trường ở vùng có điều kiện thuận lợi mà các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cũng tổ chức mở thư viện cho học sinh đến đọc và mượn sách, đơn cử xã Hữu Khuông, Tam Hợp, Mai Sơn…
Thầy giáo Đào Văn Hải - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Mai Sơn cho biết: “Ngay sau khi kết thúc năm học, nhà trường đã lên kế hoạch phối hợp với Đoàn thanh niên xã Mai Sơn tổ chức các hoạt động hè cho học sinh, trong đó có hoạt động mở thư viện. Mai Sơn là xã biên giới địa hình bị chia cắt, phân tán thành các vùng khác nhau, nhiều điểm dân cư nhỏ lẻ, giao thông bị chia cắt… Để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến đọc và mượn sách nhà trường đã luân chuyển sách về nhà văn hóa các bản trong xã, tại đây giáo viên người địa phương và đoàn viên, thanh niên sẽ trưng bày sách phục vụ cho học sinh. Không chỉ có mở thư viện mà giáo viên nhà trường cùng với Đoàn thanh niên còn tổ chức các trò chơi dân gian, tập hát, tập múa, tập bơi, hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước…”.
Còn tại xã Tam Thái, đã nhiều tuần nay, vào các buổi sáng trong tuần, trẻ em với nhiều lứa tuổi ở bản Khổi lại í ới nhau đến nhà cô Thắm để đọc sách và mượn sách về nhà đọc.
Cô giáo Lô Thị Thắm - Giáo viên trường Tiểu học Tam Thái chia sẻ: “Trẻ em trong bản đa phần là con em có hoàn cảnh khó khăn. Hè đến gần như các em không có điểm vui chơi giải trí, nên các cháu cứ đầu trần, chân đất chạy đi chơi khắp nơi, rất dễ ốm và lại tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất cao. Vì vậy, tôi đã nghĩ ra ý tưởng mở thư viện tại nhà phục vụ các cháu, tính đến nay thư viện cũng đã hoạt động được 4 năm”.
Theo số liệu từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương, bước đầu thống kê thì gần như các trường ở bậc tiểu học đều trực tiếp mở hoặc phối hợp với Đoàn thanh niên xã để mở thư viện phục vụ trẻ em đọc trong dịp hè.
Cô giáo Võ Thị Tuyết Chinh - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “Nhằm mục đích phát triển văn hóa đọc, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh và đồng thời giảm thiểu tai nạn rủi ro, đặc biệt là tai nạn đuối nước trong dịp hè, ngay từ đầu tháng 6, Phòng đã phát động phong trào mở thư viện ngày hè để phục vụ cho học sinh. Tuy đây là hoạt động mang tính tự nguyện, nhưng qua theo dõi thì gần như các trường đều hưởng ứng nhiệt tình. Hoạt động nhận được sự đồng tình cao của các bậc phụ huynh, nhiều người đưa con đến đọc cũng tranh thủ đọc sách cùng con cháu”./.