"Huy chương hoa cỏ may" và tuổi thơ của một nhà báo

29/08/2021 23:26

Theo dõi trên

Lên hai tuổi, anh đã bám theo bà nội để cùng cha mình hành quân lên Tây Bắc nơi cha anh tham gia tiễu phỉ nơi miền biên ải. Rồi ba, bốn năm sau, người cha ấy lại phải cõng anh về thăm quê, kẻo: “Sợ lớn lên nó phai mờ bản sắc quê choa!”.

img-0713nb-1630254174.jpg
Nhà báo Trần Đức Thọ (tức Giàng Nhả Trần)

Quãng đường dài đầy gian khó hơn 500km xuất phát từ mảnh đất thủ phủ của dân tộc Thái - Mèo trên Tây Bắc phải đi hết 7 ngày mới tới ven bờ con sông Lam, dưới chân núi Quyết. Tờ mờ sáng tới bờ sông Lam là phải chui ngày vào hầm trú ẩn, vì ban ngày máy bay Mỹ thi nhau “gửi quà” bằng hàng trăm tấn bom, đạn, ném ràn rạt xuống khu vực xung quanh cầu, phà bến Thủy. Đợi đến đêm, vượt sông sang đất Gia Lách và đi bộ hơn chục cây số lên đê La Giang để hành quân về quê.

Cha anh, một người lính trinh sát chống Pháp người gầy, nhỏ, trên vai ông đeo cái “ba lô Điện Biên Phủ” rồi trên nóc cái ba lô ấy có thằng con trai bụ bẫm ngồi chễm chệ thì ông chịu đựng lâu sao nổi. Cứ đi khoảng 1 đến 2km ông lại ngồi xuống triền đê cho anh nhảy xuống giải lao. Khi đến đoạn đê qua xã Đức Nhân gì đó (quê nhà của ông Phạm Khắc Hòe), bỗng dưng bụi cỏ trên mặt đê bật dậy dựng đứng, cỏ cây bắn tung tóe, nhanh như cắt, thằng bé và cái ba lô bắn sang một bên. Người Lính trinh sát già đã bật vào vị trí chiến đấu ngay tức thì, tên “gián điệp” nằm gọn trong thế võ hiểm. Ông hô lên bằng tiếng Việt: “Giơ tay lên, đầu hàng đi”, tên “gián điệp” kia cười khanh khách. Ông lại hô to bằng tiếng Tây: “Hô - lê - manh”, nó cũng cười khanh khách - một người đàn bà bị điên vất vưởng trên triền đê hoang vắng.

Chính nhờ người đàn bà bị điên này mà quãng đường ngắn lại, người cha cũng đỡ mệt hơn vì ít phải cõng thằng con trai quí tử nữa. Khi xác định đúng người điên, người cha cứ quanh quẩn tìm xóm làng để đưa người điên vào dân bàn giao cho họ. Nhưng dân đã sơ tán hết biết đâu mà tìm. Đêm hôm lại không dám bấm đèn pin vì sợ có ánh sáng máy bay Mỹ sẽ phát hiện. Trên con để vắng hoe, dưới ánh trăng khi mờ khi tỏ chỉ có 3 con người: Một người lính bộ đội Cụ Hồ, một thằng trẻ con đang tuổi hiếu động và một người đàn bà bị điên. Gặp người điên cậu bé thích lắm, cứ nhảy nhót xung quanh bà ấy, vừa chạy theo, vừa trêu, vừa cười khinh khích mà không cần người cha tôi cõng nữa! Có lẽ, cái cảm giác sung sướng ấy sẽ in sâu trong trí nhớ của cậu ấy cho đến tận lúc trưởng thành, nhất là lúc làn gió mát dưới lòng con sông La ùa lên mặt đê mát rượi rồi cậu cứ cười “hít hà, hít hà” với người đàn bà điên…!

cm4nb-1-1630254236.jpg
Gia đình nhà báo Trần Đức Thọ ngày mới xa quê lên Tây Bắc

Đến gần thị trấn Đức Thọ, gặp tổ dân quân tự vệ đi tuần tra ban đêm, người cha rút giấy tờ giới thiệu về mình rồi bàn giao người đàn bà điên cho họ. Cậu bé tiếc ngẩn ngơ. Đó cũng là thời điểm đánh dấu chính thức lần đầu tiên trong đời một cậu bé hành quân bộ nhiều km mà không cần bất kì sự trợ giúp nào. Để rồi khi lớn lên, anh cũng là một người lính trinh sát từng hành quân xuyên đêm trên miền biên giới rừng núi phía Bắc để bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Bến phà Linh Cảm bị bom Mỹ đánh phá tơi bời. Không thể sang sông. Người cha đã buộc phải đưa cậu con của mình tiếp tục hành quân bộ gần hai chục km nữa để đến Chợ Nướt mới có đò về nhà.

Hôm sau, trên khắp người hai cha con ông ấy như một dải gấm lụa hoa thật đẹp được thêu dệt toàn bằng “Hoa cỏ may”. Hóa ra, đêm hôm mỗi lần ngồi xuống triền đê thì cỏ may lại bám đầy quần áo… Để rồi cho đến hôm nay, khi anh đã là một nhà báo, một nghệ sĩ, nhưng nghe các ca sĩ cùng quê như Đinh Thị Thành Lê hay Bùi Lê Mận hát bài: “Lời cỏ may” (của Lê An Tuyên) lại làm cho anh xúc động, nhớ quê hương da diết, nhớ thương bà nội, cha mẹ đến vô cùng. Nhưng bà, cha, mẹ của anh đã đi rất xa, rất xa và lâu lắm rồi! Từ đó, trong anh chỉ thấy hai tiếng quê hương, dòng sông và hoa cỏ - quê hương cùng với dòng sông luôn chế ngự trái tim anh!

Từ khi lên 9 tuổi, anh đã có chút “võ vẽ” do cha anh truyền dạy, lại có tý bản lĩnh của người Mèo nơi miền sơn cước. Nên cứ đến kì nghỉ hè, anh thường xin phép cha mẹ cho anh về quê. Cũng là thời kì máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá Miền Bắc, khắp nơi trên quê hương anh chỗ nào cũng có bom rơi, đạn nổ. Cha mẹ anh không đồng ý. Nhưng bà nội của anh thì bảo: “Bọn mi đi ở cho địa chủ từ khi 5, 6 tuổi có ai bên cạnh chăm sóc mô, chừ cứ để nó đi, sểnh nhà ra thất nghiệp, thất nghiệp nó phải biết tùy cơ mà ứng biến”. Vậy là bà nội anh bán vài chục gánh cỏ tranh được một hai tờ “Cụ Mượt”. Ngày ấy một bát phở chỉ có hai hào, một tờ “Cụ Mượt” có đến 50 bát phở thì lo chi nữa. Hành lý của anh mang đi có 0,5 kg chè vụn, mà 0,5 kg chè vụn nát ấy có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho anh được vận chuyển hẳn hoi, rồi vài ba bao thuốc lá Tam Đảo tiêu chuẩn của cha anh để dành… Cũng từ đó, kì nghỉ hè nào anh cũng về quê. Những kì nghỉ hè sau này, về quê cứ chiều anh đi đá bóng, còn hàng đêm thì đưa mấy đứa bạn, mấy đứa em họ, cháu họ (toàn đứa hơn tuổi) ra bãi cát ven bờ sông La dạy võ cho chúng nó!

… Sau này cũng như bây giờ, mỗi lần về quê anh lại dành ra ít phút để bước đi trên triền đê La Giang, hay ven bên bờ con sông La, để tung chân lên, hạ cước vào những búi cỏ may để cho “Hoa cỏ may” bám đầy vào hai ống quần – mỗi lần như thế anh ấy hạnh phúc và sướng lắm! Hoa cỏ may như những tấm huy chương lóng lánh của tình quê, tình người và tình yêu trong anh ấy! Mỗi lần như vậy, anh ấy lại lẩm nhẩm câu hát:

“Muối ba năm muối còn hãy mặn/ Vị ngọt tình quê như dáng mẹ vẫn chờ...”.

img-9769nb-1630254280.jpg
Nhà báo, nghệ sĩ Trần Đức Thọ (Giàng Nhả Trần) tại cơ quan hoạt động về văn hóa nghệ thuật

Anh em, đồng đội làm báo, nghệ sĩ, chúng tôi thường cùng anh về thăm quê hương anh. Lần nào cũng vậy, anh hay đưa đi trên con đê La Giang để nói về tuổi thơ của mình, nói về quê hương “muối mặn, dưa cà” của anh một cách say mê, đắm đuối! Mỗi lần như vậy, dừng lại trên con đê La Giang để chụp ảnh, chúng tôi lại ngắt vài ngọn “Hoa cỏ may” để trên nắp ca-bin xe rồi bảo: “Đây là Huy chương Hoa cỏ may của anh!”. Anh cười sung sướng lắm, tiếng cười vọng xuống lan tỏa khắp dòng sông La.

Anh là nhà báo, nghệ sĩ Trần Đức thọ, tức Giàng Nhả Trần - ngay cả cái tên khai sinh của anh cũng là tên quê hương Đức Thọ yêu thương ấy…

Hương Sen
Bạn đang đọc bài viết ""Huy chương hoa cỏ may" và tuổi thơ của một nhà báo" tại chuyên mục Văn nghệ sỹ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.