Từ tháng 11 năm 2021 đến tháng 10 năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa, đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác quản lý trong các lĩnh vực của ngành, cụ thể: Quyết định số 2587/QĐ-UBND ngày 9/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 505/QĐ-UBND-NVK ngày 17/3/2022 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Bộ Hồ sơ quốc gia di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể bảo vệ khẩn cấp; Quyết định số 688/QĐ-UBND ngày 12/4/2022 thành lập Ban Xây dựng hồ sơ di sản văn hóa Mo Mường đệ trình UNESCO; Kế hoạch 73/KH-UBND ngày 26/4/2022 triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình” giai đoạn 2022 - 2025;…
Trong lĩnh vực di tích lịch sử - văn hoá, hiện nay tỉnh Hòa Bình có tổng 102 di tích đã được xếp hạng các cấp, trong đó có 41 di tích cấp quốc gia và 61 di tích cấp tỉnh. Trên cơ sở nghiên cứu, kiểm kê số lượng, thực trạng các di tích trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy nhằm chỉ đạo, huy động các nguồn lực trong nhân dân cho công tác bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích. Trong quá trình lập dự án tu bổ, tôn tạo di tích các cơ quan chức năng đều quan tâm đến vấn đề bảo tồn yếu tố gốc của di tích. Việc trùng tu, tôn tạo được tiến hành thực hiện nghiêm túc theo sự quản lý, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn và thực hiện theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Năm 2022, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Trung tâm tiền sử Đông Nam Á tổ chức khai quật khảo cổ tại hang xóm Trại (xã Tân Lập) và thám sát tại di tích Mái đá Làng Vành (xã Yên Phú) huyện Lạc Sơn; lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng 03 di tích cấp tỉnh.
Trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, năm 2022, tỉnh Hòa Bình tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 2587/QĐ-UBND ngày 9/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021- 2025. Thực hiện các bước tiến tới tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 90 năm xác lập và nghiên cứu nền “Văn hóa Hòa Bình”; Tổ chức 02 lớp truyền dạy Di sản văn hóa phi vật thể: Kỹ thuật dệt thổ cẩm dân tộc Mường Hòa Bình và Thường dang bộ mẹng dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình cho 95 học viên; lập 02 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình đưa vào di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Kỹ thuật dệt hoa văn cạp váy Mường và di sản Thường đang bộ mẹng dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình; Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh đề xuất triển khai nhiệm vụ thực hiện Dự án 06 Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Miền núi.
Tháng 7 năm 2022, tỉnh Hòa Bình đã vinh dự được đón nhận Bằng công nhận 2 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là “Tri thức dân gian Lịch tre dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình” và “Lễ hội truyền thống Khai Hạ của người Mường”, đây là niềm tự hào, niềm động viên lớn lao đối với đồng bào dân tộc Mường nói riêng và cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình nói chung.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình đang phối hợp với các tỉnh, thành phố có người Mường xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO đưa Mo Mường vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Ngoài ra, tháng 9 năm 2022, tỉnh Hòa Bình đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho 01 Nghệ nhân nhân dân và 26 nghệ nhân ưu tú đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể.